Iran tiếp tục tử hình người chưa thành niên

Treo cổ nơi công cộng

Phạm nhân bị treo cổ công khai nơi công cộng ấy tên là Alireza Molla Soltani, sinh tháng 12-1993. Theo thông tin từ báo đài địa phương, Soltani đã đâm chết một vận động viên vô địch cử tạ nổi tiếng vào giữa tháng 7-2011, tức còn năm tháng nữa Soltani mới được 18 tuổi.

Chẳng bao lâu sau khi bị bắt, vụ án Soltani giết người nhanh chóng được đưa ra xét xử. Phạm nhân 17 tuổi này khai rằng mình bị vận động viên tấn công trong bóng tối. Vì quá hoảng sợ, anh đã đâm nạn nhân chỉ nhằm mục đích tự vệ. Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 20-8, Soltani vẫn bị kết án tử hình về tội cố ý giết người. Ngày 11-9, Tòa án Tối cao Iran y án tử hình đối với Soltani.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi nhà chức trách Iran ngăn chặn buổi hành quyết để xem xét lại trường hợp của Soltani. Tuy nhiên, mọi cố gắng đều bất thành. Soltani bị treo cổ vào lúc 4 giờ 55 phút sáng tại chính nơi xảy ra sự cố. Trước khi bị tròng cổ vào sợi dây gắn trên cần cẩu, Soltani đã khóc rất lớn, cầu xin sự tha thứ và gọi mẹ.

“Buổi hành quyết đã gây sốc rất lớn, đặc biệt khi nó được thực hiện nơi công cộng cho mọi người chứng kiến” - một lãnh đạo thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế phản ứng.

Phản đối gay gắt

Một ngày sau khi Soltani bị treo cổ, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã gửi nhà chức trách Iran một văn bản với nội dung lên án gay gắt việc tử hình người chưa thành niên, đồng thời nhắc lại yêu cầu chấm dứt ngay lập tức án tử hình tại Iran. Văn bản có đoạn: “Chúng tôi đã bị xúc phạm khi Iran vẫn thi hành án tử hình bất chấp lời kêu gọi tuân thủ lệnh cấm của cộng đồng thế giới”. “Bất cứ phán quyết tử hình nào dành cho người chưa thành niên dưới 18 tuổi, cũng như buổi hành quyết, là đi ngược lại với nghĩa vụ quốc tế của Iran” - báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Iran cho biết.

Văn bản này còn nhấn mạnh rằng Iran là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Cả hai công ước này đều cấm tuyệt đối việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, việc Iran phớt lờ lệnh cấm là vi phạm trắng trợn pháp luật quốc tế.

Hồi tháng 10-2010, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã từng kêu gọi Iran chấm dứt ngay lập tức việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người thực hiện hành vi phạm tội khi chưa đạt 18 tuổi.

Tại Iran, án tử hình có thể áp dụng nếu bị cáo đạt đến độ tuổi do luật của người Iran quy định, cụ thể là chín tuổi đối với nữ và 15 tuổi đối với nam. Tính từ đầu năm 2005 đến ngày 2-9-2008, Iran đã tử hình 26 người chưa thành niên.

Năm 2009, Iran tử hình ít nhất năm người phạm tội ở độ tuổi vị thành niên. Danh tính của những người này gồm Molla Gol Hassan (giết người cướp tài sản), Delara Darabi (giết người), Ali Jafari, Behnoud Shojai (giết người), Mosleh Zamani (bắt cóc tống tiền và hiếp dâm một phụ nữ). Tháng 7-2010, Iran tử hình phạm nhân Mohammad bằng hình thức treo cổ tại nhà tù Marvdasht vì tội hiếp dâm và giết người. Hầu hết những người vừa nêu đều thực hiện tội phạm ở tuổi 17 và bị tử hình khi đã thành niên.

Ngoài Soltani bị treo cổ vào tháng 9-2011, đã có hai người chưa thành niên khác tại Iran bị tử hình trong năm 2011. Làn sóng chống án tử hình trên thế giới tỏ ra ngán ngại trước số lượng các vụ hành quyết tăng vọt tại Iran. Chỉ trong ba tuần đầu tiên của tháng 9-2011, Iran đã tử hình tổng cộng 51 người.

Trả thù cá nhân?

Được biết, đối với tội phạm giết người, Iran tiến hành trừng phạt theo yêu cầu của gia đình nạn nhân. Theo đó, gia đình nạn nhân nắm giữ quyền độc nhất trong việc quyết định bị cáo có nên bị tử hình hay không. Đây là quyền riêng tư của gia đình nạn nhân, chẳng có quan tòa nào và cũng chẳng có người có thẩm quyền nào được bác bỏ, kể cả trong trường hợp thủ phạm là người chưa thành niên.

Dựa vào chi tiết trên, Iran cho rằng việc treo cổ kẻ giết người không phải là tử hình mà chỉ là một hình thức trả thù cá nhân do gia đình của nạn nhân quyết định, trong đó nhà nước không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, lập luận này không được chấp nhận theo pháp luật quốc tế. Bất cứ một cái chết nào do bàn tay của cán bộ nhà nước thực hiện theo bản án kết tội của tòa án thì đều là hình thức tử hình do nhà nước thực hiện.

(Theo Death Penalty Information Center, Human Rights Watch, Death Penalty News)

HOÀNG LAM

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm