Chuyện về một ngôi mộ cổ

Thật thú vị là ở Gò Công còn lưu một số di tích có liên quan đến Anh hùng Trương Định, mà ngôi mộ cổ sau đây là một thí dụ.

Chuyện về một ngôi mộ cổ ảnh 1
        Phần trên ngôi mộ. Ảnh: K.Q 

Mộ bà bên ngôi cổ tự

Từ thị xã Gò Công đi về hướng biển Tân Thành khoảng 5 cây số là đến ấp Hòa Bình – xã Bình Nghị – huyện Gò Công Đông (Tiền Giang). Quẹo vào con đường nhỏ gần 1 cây số là đến ngôi chùa cổ có tên Long Thiền. Ngôi chùa khá đồ sộ, nằm giữa vườn cây um tùm. Theo sư trụ trì ngôi chùa, ngôi cổ tự này có từ giữa thế kỷ thứ 19, lúc đó quy mô khiêm tốn. Đến thời kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa bị hư hỏng nặng, phật tử gần xa đã góp công, góp của xây dựng lại như ngày hôm nay.

Giống như bao ngôi chùa khác, trong khuôn viên nhà chùa có một số ngôi mộ của các vị sư từng trụ trì ngôi chùa. Trong đó có một ngôi mộ rất đẹp, cao to như một quả đồi nhỏ, làm bằng đá xanh, người dân trong vùng quen gọi là “mộ bà”. Hàng năm, vào tháng sau tết, bà con trong vùng đến viếng chùa và viếng mộ bà thật đông.

Những dòng chữ khắc trên bia mộ cho chúng ta biết chủ nhân của nó tên là Dương Thị Hương, pháp danh Thanh Đăng, tự Diệu Quang, sinh năm 1844 (năm Giáp Thìn), mất năm 1933, thọ 90 tuổi. Bà là con gái của bà Trần Thị Sanh, người đã hiến cúng khu đất này để xây chùa. Bà Trần Thị Sanh là vợ thứ của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định. Chỉ bấy nhiêu đó thôi chưa đủ để bà Hương, nghĩa nữ của Anh hùng Trương Định, có ngôi mộ đẹp và được người dân trong vùng tưởng nhớ đến ngày nay. Bà được tôn vinh là có nguyên do khác, gắn với việc bảo vệ thanh danh của Anh hùng dân tộc Trương Định.

Ngôi mộ cổ đẹp nhất đồng bằng

Tháng 8.1864, vì bị phản bội, Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định anh dũng hi sinh. Bà Trần Thị Sanh và con gái Dương Thị Hương đã tìm cách lãnh xác Trương Định về an táng lập mộ, dựng bia khắc dòng chữ “Đại Nam, lãnh Anh – Hà lãnh binh, kiêm Bình Tây đại tướng quân, Trương Công huý Định chi mộ”. Bất chấp nguy hiểm, sự đe dọa của kẻ thù, hai mẹ con bà Sanh đã tổ chức tang lễ long trọng... Về sau, thực dân Pháp và bọn tay sai thấy khu mộ Trương Định có giá trị như điểm tụ nghĩa, nung nấu ý chí chống ngoại xâm, nên đã cho lực lượng đến đục phá mộ bia, bốn chữ “Trương Công huý Định” bị băm nát.

Đến năm 1930, chính bà Dương Thị Hương đã đứng ra làm lại bia mộ cho người anh hùng. Năm 1933 bà Hương qua đời. Do bà là một đại thí chủ, gia đình bà từng hiến đất cất chùa, đặc biệt, với tư cách là nghĩa nữ của Bình Tây Đại nguyên soái, bà đã bất chấp nguy hiểm bảo vệ bia mộ và thanh danh của người anh hùng, nên bà đã được chôn cất trong chùa.

Trải qua gần 80 năm dưới nắng mưa mà đến nay ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là ngôi mộ cổ còn nguyên vẹn và đẹp nhất đồng bằng. Ngoài giá trị nghệ thuật, kiến trúc, ngôi mộ còn có ý nghĩa lịch sử rất đáng trân trọng vì nó gắn với người Anh hùng dân tộc Trương Định.

Theo Kỳ Quan (LĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm