Cướp nhầm vật liệu hạt nhân

Ngày 10-12, giám đốc Ban an toàn hạt nhân quốc gia Mexico Juan Eibenschutz thông báo đã gom đủ vật liệu hạt nhân bị bỏ trên một bãi đất trống gần thủ đô Mexico nhờ sự hỗ trợ của robot. Số phóng xạ nguy hiểm này là cobalt-60 bị cướp hôm 2-12 khi được chở từ một bệnh viện ở Tijuana đến trung tâm xử lý chất thải hạt nhân.

Thông thường, cobalt-60 được dùng để xạ trị ung thư và có một số ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp khác, tuy nhiên nhiều ý kiến khi đó đã lo ngại số vật liệu này có thể rơi vào tay kẻ xấu để chế tạo bom. Ông Yukiya Amano, giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhận định: “Một quả bom bẩn phát nổ ở một thành phố lớn sẽ là một nỗi kinh hoàng, cũng như gây nhiều hậu quả về kinh tế lẫn môi trường”.

Cướp nhầm vật liệu hạt nhân ảnh 1

Cảnh sát Mexico sử dụng robot để di dời các vật liệu phóng xạ hôm 10-12 - Ảnh: AFP

Kiểm soát lỏng lẻo

Vụ cướp diễn ra gần một trạm xăng thuộc thị trấn Temascalapa, cách Mexico City chỉ 35km. Tài xế cho biết đang ngủ thì bị những kẻ lạ mặt có vũ trang lôi khỏi xe, trói chân tay và bỏ lại trên một mảnh đất trống. Sau khi tự cởi trói, ông chạy đến trạm xăng cầu cứu. “Tài xế thật sơ suất khi dừng bên đường cao tốc để ngủ” - ông Eibenschutz bực dọc. IAEA không tiết lộ bao nhiêu cobalt-60 bị lấy đi nhưng cho biết đây là vụ cướp vật liệu hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay.

Các chuyên gia và quan chức Mexico từng nghĩ những tên cướp xe có thể mất mạng nếu tìm cách khám phá chiến lợi phẩm. Theo IAEA, số cobalt-60 bị đánh cắp ở Mexico mạnh 3.000 curie, được xếp vào cấp độ 1, có thể đe dọa đến tính mạng nếu đến gần quá 500m. Tiếp xúc trực tiếp trong vài phút có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn ở người và lâu hơn có thể dẫn đến tử vong.

Không chỉ không tuân thủ quy trình, chiếc xe cũng không được trang bị thiết bị định vị GPS và các công cụ an ninh khác. Do đó hai ngày sau, cơ quan chức năng Mexico mới tìm thấy xe ở gần nơi nó bị đánh cướp. Nhưng số vật liệu hạt nhân trong xe đã bị phá vỡ lớp bảo vệ bên ngoài và bỏ lại gần đó khoảng 2km. “Chúng tôi nghi ngờ bọn cướp cũng chẳng biết chúng đã lấy phải thứ gì. Đây là khu vực thường xảy ra trộm cướp” - Reuters dẫn lời công tố viên Fernando Hidalgo nhận định.

Vụ cướp lãng nhách nhưng đã khiến dư luận một phen thót tim. Lực lượng an ninh đã triển khai ngăn người dân lại gần quá 500m xung quanh khu vực phát hiện xe tải, trong khi cần ít nhất hai ngày để thu hồi hết số vật liệu nguy hiểm này. Dù vậy, các cơ quan chức năng trấn an không có dấu hiệu nhiễm xạ xung quanh do số vật liệu hạt nhân không bị phá hỏng và may mắn không có nhiều người qua lại ở gần nguồn phóng xạ khi nó bị bỏ lại. Một nông dân gần đó tiếp xúc với các vật liệu này sau đó đã đổ bệnh, đang được điều trị.

Sáu nghi can cướp xe cũng nằm trong số bị nhiễm xạ. Theo BBC, họ được đưa vào bệnh viện với các triệu chứng ngộ độc phóng xạ nhưng được phóng thích sau đó. Tuy nhiên hôm 9-12, tòa án Mexico đã ra lệnh bắt lại các nghi can này.

Hậu quả khôn lường

Các chuyên gia từ lâu đã lo ngại về nguy cơ từ những vật liệu hạt nhân sử dụng trong mục đích y khoa và nghiên cứu. IAEA gần đây cũng tăng cường kêu gọi các nước thành viên siết chặt an ninh để ngăn các vật liệu nguy hiểm này rơi vào tay kẻ xấu. Trường hợp gần đây nhất vào tháng 10-2013 tại Ireland khi cảnh sát phát thông báo bảy thiết bị chống sét có chứa phóng xạ bị trộm ở Dublin.

Mỗi năm trên thế giới có hơn 100 vụ cướp hoặc sử dụng trái phép vật liệu hạt nhân được báo cáo về IAEA. Năm ngoái có 17 trường hợp sở hữu trái phép và bán vật liệu hạt nhân, phần lớn xảy ra ở những nước Liên Xô cũ. Trong năm 2007, chính quyền Nga phát hiện hơn 850 trường hợp vận chuyển hạt nhân xuyên biên giới. Tổng cộng có hơn 1.700 vụ việc xảy ra trong hai thập kỷ qua, vẽ nên mạng lưới thị trường ngầm tại 40 quốc gia mà trong đó khoảng 2.000 tấn plutonium và uranium được làm giàu ở mức cao đang được rao bán.

Nhưng các trường hợp trộm cướp nhầm vật liệu hạt nhân cũng không phải là hiếm. Chẳng hạn tại Mexico trung bình mỗi năm có khoảng sáu vụ cướp mà thủ phạm không biết là mình đang cướp một thứ nguy hiểm gây mất mạng.

Đôi khi các vật liệu này được bán như phế liệu, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe những người vô tình tiếp xúc với chúng. Chẳng hạn năm 2000, một người mua ve chai mua nhầm một thiết bị xạ trị bị lấy từ một bệnh viện có cường độ phóng xạ khoảng 425 curie (đơn vị đo cường độ phóng xạ). Khi họ mở thiết bị ra, ba người đã thiệt mạng, bảy người bị thương và hơn 1.900 người gần đó bị phơi nhiễm phóng xạ.

Theo Trần Phương (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm