Đám cưới phô trương

Ở Ấn Độ, các tầng lớp trên thường tổ chức đám cưới nhằm mục đích phô trương. Thêm vào đó, nền kinh tế nước này phát triển tăng vọt đã khiến nhiều gia đình người Ấn nhiều tiền lắm của bắt chước các lễ cưới của bậc vua chúa.

Đám cưới phô trương ảnh 1

Chính khách Kanwar Singh Tanwar (bìa trái) chi hơn 14 triệu bảng cho đám cưới của con trai (bìa phải)
vào tháng 3 vừa qua. Ảnh: Luxpresso.com

Thuê cả phi đội máy bay

Anita Patel, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý sự kiện quốc tế Tania-Tapel Events ở Mumbai, chuyên tổ chức đám cưới, nhận xét: “Ở Ấn Độ, các đám cưới diễn ra hằng ngày đều giống như đám cưới hoàng gia, đặc biệt là đối với những người thuộc đẳng cấp cao. Họ muốn đám cưới của mình lớn hơn và sang hơn đám cưới gần nhất mà họ đã đến dự. Họ luôn muốn có một điều gì đó khác biệt”.

Ngành công nghiệp cưới ở Ấn Độ đầy rẫy những thí dụ về chuyện quá đáng: Đưa voi từ Ấn Độ đến Monte Carlo (Monaco) để chở chú rể; đón đoàn Nhà hát Ba lê Bolshoi từ Moscow (Nga) đến biểu diễn tại tiệc cưới; đặt một phi đội máy bay tư nhân cất cánh mỗi giờ để khách có thể đến và đi như ý.
Cô dâu, chú rể đến bằng trực thăng không còn là chuyện mới mẻ ở Ấn Độ. Thuê một diễn viên Bollywood biểu diễn cũng vậy. Chuyện thuê một nhân vật nổi tiếng phổ biến đến mức có cả một ngành công nghiệp lo về việc này. Shah Rukh Khan, ngôi sao nổi tiếng nhất Ấn Độ, được mời với mức giá 750.000 USD, trong khi mời diễn viên điện ảnh Salman Khan đến dự tiệc cưới với giá bằng phân nửa.

Theo tạp chí Time (Mỹ), đám cưới ở bất kỳ quy mô nào đều là một sự kiện quan trọng đối với các gia đình ở Ấn Độ. Gourav Rakshit, điều hành website Shaadi.com, một địa chỉ làm quen trên mạng, cho biết: “Đám cưới ở Ấn Độ là cơ hội để gia chủ mời mọi người mà họ có quan hệ nhằm khoe khoang của cải”.

Lâm cảnh nợ nần

Cũng chính vì muốn mở mày mở mặt, nhiều gia đình bị vướng vào cảnh nợ nần. Ông Rakshit khẳng định: “Sau đám cưới, hầu hết mọi người đều rơi vào tình trạng phải cầm cố tài sản hoặc gánh chịu những món nợ rất lớn”.
Một số người cho vay sẵn sàng “giúp” những khoản nợ làm đám cưới cho các gia đình muốn có tiền để tạo ra hình ảnh ấn tượng trong ngày trọng đại.
Trong khi đó, danh sách khách mời thường lên đến hàng ngàn người. Thế nhưng, gia chủ thỉnh thoảng phải chịu lỗ vì vấn đề khách thông báo không đến dự tiệc vẫn còn là chuyện hiếm.
Tháng 3 năm nay, khi chính khách Kanwar Singh Tanwar chi hơn 14 triệu bảng (khoảng 460 tỉ đồng) để tổ chức đám cưới cho con trai, có 15.000 người đã đến dự tiệc cưới.

Bên cạnh đó, việc chi tiêu phung phí cho đám cưới đang ngày càng phổ biến không chỉ trong giới nhà giàu mà cả những người nghèo. Muốn thu hút được sự chú ý, các gia đình người Ấn Độ đã giao quyền cho đội ngũ các nhà tổ chức đám cưới chịu trách nhiệm làm cho ngày trọng đại đó trở nên đáng nhớ đối với khách chứ không phải với cô dâu, chú rể.

Chính phủ ra tay

Ông Ashish Abrol, nhà sáng lập và là Tổng Giám đốc BigIndianWedding.com, cửa hàng bán mọi thứ liên quan đến đám cưới, nhận định rằng chi tiêu cho đám cưới đã tăng lên. Ông nói: “Xã hội chúng tôi là một xã hội cổ hủ nhưng những cách phô trương của cải lại rất mới. Trước đây, người ta chưa được nhìn thấy sự giàu có như vậy. Vì thế, dĩ nhiên là người ta sẽ tìm cách để khoe khoang tài sản. Đó là một nhu cầu”.

Tuy nhiên, tháng 4-2011, Kuruppasserry Varkey Thomas, Bộ trưởng Phân phối lương thực và Các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, đã khởi đầu một chương trình cắt giảm tình trạng ăn uống thừa mứa bằng cách hạn chế số khách mời cũng như số món ăn tại tiệc cưới.

Theo Ngô Sinh (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm