Ghép đầu người: Quái thai - người sắp xuất hiện?

Ông Sergio Canavero, bác sĩ ngoại khoa thần kinh người Ý, khẳng định trong vòng hai năm tới đây, các bác sĩ sẽ có thể tách phần đầu của một bệnh nhân bị liệt tứ chi hoặc bị ung thư di căn để ghép vào cơ thể một người khác đã qua đời.

Người đầu tiên trên thế giới được ghép đầu

Valery Spiridonov, một bệnh nhân người Nga 30 tuổi bị teo cơ bẩm sinh, là một lập trình viên. Valery tình nguyện trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép đầu vào một cơ thể khác để có thể tiếp tục sống. Anh hy vọng tìm được một người hiến xác phù hợp với chiếc đầu của anh từ những bệnh nhân bị các bệnh não không thể chữa khỏi hay từ các tử tù. Quyết định của Valery được gia đình hoàn toàn ủng hộ.

Tuy từ trước đến nay chỉ liên lạc với nhau qua Skype nhưng chính BS Sergio Canavero cũng đã thông báo vào ngày 8-4 mới đây rằng ông đã chọn chàng thanh niên Valery Spiridonov cho cuộc phẫu thuật mà ông ấp ủ.

Họa nhiều hơn phúc

Về mặt đạo đức sinh học, chính BS Sergio Canavero đặt vấn đề và kêu gọi mọi người suy nghĩ thấu đáo để tìm ra các giải pháp phù hợp. Liệu nhân loại sẽ tạo ra một thực thể người hoàn hảo mới hay những quái thai - người? Trong khi đó, chưa từng có khoản quy định nào cho loại hình phẫu thuật này, đơn giản bởi vì chúng dường như chỉ nằm trong trí tưởng tượng, tính đến thời điểm hiện nay. Thử đặt ra câu hỏi về sinh sản, duy trì nòi giống: Trên lý thuyết, hệ sinh dục của phần cơ thể người đã chết tiếp tục hoạt động và con cái sẽ mang gien di truyền của người đã chết chứ không phải của chiếc đầu người đang sống. Sự việc sẽ là: “Tôi (đang sống) sinh ra con của anh (đã chết từ lâu!)ˮ.

Mặt khác sẽ phát sinh những ứng dụng chệch hướng từ ý tưởng khoa học tiên phong này mà luật pháp cũng phải nghĩ tới ngay từ bây giờ, ví dụ: Phải chăng phương pháp ghép đầu như thế bắt buộc chỉ được áp dụng trong mục đích y học thuần túy để cứu mạng sống các bệnh nhân bị rơi vào tình trạng hiểm nghèo, không chữa trị được? Có khoản luật nào ngăn cấm một tỉ phú giàu tiền lắm của bỗng dưng một ngày nào đó đột ngột chán chê cơ thể của mình và đòi thay mới bằng một cơ thể cường tráng khác? Nếu thế, tính sao đây?

Từ đầu năm 2015, BS Sergio đã tổ chức một chiến dịch truyền thông rộng rãi. Thế nhưng cũng từ đó ông bị giới khoa học phản bác nặng nề với các cụm từ như “kinh khiếp”, “không thể được”, thậm chí “lố bịch” bởi họ không tin đây là một ý tưởng đột phá tiên tiến trong ngành y. Họ hình dung ra họa nhiều hơn phúc, điềm rủi nhiều hơn điềm lành.

BS Sergio Canavero không muốn tiết lộ những dụng cụ “mật” để ông ghép đầu mà chỉ minh họa bằng một thiết bị cầm tay dùng để biến đổi điện trường não.

Tốn 12 triệu USD cho một chiếc đầu

Để tiến hành cuộc vi phẫu thuật quy mô lớn như vậy cần khoảng 100-150 người gồm các bác sĩ, phẫu thuật viên, chuyên gia gây mê, người chịu trách nhiệm kỹ thuật phòng mổ, y tá, hộ lý… phối hợp liên tục trong suốt một ngày rưỡi, tức đến 36 giờ đồng hồ. Còn kết quả thành bại thì vô cùng… khó đoán. Và chi phí dự kiến cho toàn bộ quá trình phẫu thuật này là 12 triệu USD.

Cần phải có hai thao tác song hành trong quá trình ghép đầu. Đầu tiên, phần đầu của người nhận sẽ được làm lạnh ở nhiệt độ 15°C để giảm thiểu quá trình chuyển hóa và hạn chế mô bị phá hủy trong thời gian ghép. Tại vị trí phần cổ, phẫu thuật viên sẽ cắt đứt lìa các cơ, mạch máu, khí quản và thực quản nhưng phải cẩn thận giữ nguyên tuyến giáp. Bên cạnh đó, kíp mổ thứ hai cũng thực hiện các thao tác tương tự trên một bệnh nhân đã bị chết não nhưng cơ thể vẫn còn nguyên vẹn. Không được quên rằng: Hai đối tượng cho và nhận phải có tầm thước cơ thể ngang nhau và cùng giới tính.

Bước thứ hai sau đó, tủy sống được gọt bằng một loại dao mổ cực sắc bén nhằm hạn chế tối đa rủi ro phá hỏng các mô thần kinh. Tại thời điểm này, khối đầu - mặt - cổ của người nhận được giữ trong tình trạng gọi là “chết được kiểm soát” và sẽ nhanh chóng được lắp vào cơ thể của người cho. Hai đầu ống tủy, các mạch máu và cơ sẽ phải gấp rút được “hàn” lại để nối đầu liền vào thân. Sau cùng là bước điều trị ức chế miễn dịch để tránh hiện tượng thải ghép. Khi tỉnh lại, bệnh nhân sẽ được theo dõi tâm lý và phục hồi các chức năng trong một thời gian để cơ thể trở lại sinh hoạt bình thường.

Không thể thu hồi chiếc đầu và thay quyền tạo hóa!

BS Ignacio Anegon thuộc Trung tâm Nghiên cứu cấy ghép và miễn dịch học tại Nantes, Pháp bình luận: “Vấn đề quan trọng nhất ở đây là phản ứng thải ghép. Các cơ quan chính thuộc hệ miễn dịch của cơ thể như tủy xương, lách và hạch sẽ phản ứng chống lại mô ngoại lai xâm nhập ở phần đầu - mặt như mô cơ, da cho đến não bộ”. Hậu quả đưa đến sẽ là cơ thể không chấp nhận não hoặc toàn bộ phần đầu của người… lạ! Dù hiện nay y học đã rất thành công trong điều trị chống thải ghép nhưng theo BS Ignacio Anegon: “Các phần ghép có một vòng đời giới hạn mà thôi. Cho nên đến một lúc nào đó, lâu hay mau còn tùy, khâu điều trị chống thải ghép sẽ không còn tác dụng gì. Mà nếu như trong các ca ghép khác, ví dụ như ghép chi, chúng ta có thể cắt đứt để thu hồi lại một bàn tay bị cơ thể thải ghép thì trong trường hợp này, chúng ta không thể chặt đứt để thu hồi lại cái đầu”. Vị bác sĩ này cũng cảnh báo rằng trước tiên nên thử nghiệm chống thải ghép trên vài chục con khỉ rồi hãy áp dụng trên người chứ đừng nóng vội. Và cũng không nên xem nhẹ khía cạnh tâm lý, bởi đối với đại bộ phận công chúng, chỉ cần nghe hai từ “ghép đầu” thôi là họ đã ớn lạnh xương sống và rởn tóc gáy rồi.

Còn bác sĩ ngoại khoa thần kinh Sorin Aldea, BV Foch de Suresnes của Pháp thì cho rằng: “Đạo đức y - sinh học phải đi trước các giải pháp khoa học kỹ thuật, nếu ít nhất thì cũng phải đi song song. Khoa học công nghệ cứ tiến bộ mãi mà bỏ qua đạo đức luận thì y học sẽ mang màu của chủ nghĩa phát-xít. Chúng ta muốn thay quyền tạo hóa để tạo ra những quái vật - người ư? Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên tự xem mình là một tạo vật được sinh ra để bất tử”.

Rốt cuộc thì dù sao đi nữa BS Sergio Canavero cũng hy vọng một khi được hội đồng đạo đức sinh học cho phép và có được nguồn tiền thì ông sẽ chỉ cần hai năm để chuẩn bị mọi thứ. Hiện nay BS Sergio chưa tìm được 150 bác sĩ và chuyên viên kỹ thuật cho các kíp mổ nhưng ông tiết lộ: “Người Nga đã mời tôi giới thiệu đề tài này trước các nhà bảo trợ giàu có vào mùa hè năm nay”.

Vào tháng 6 tới đây, BS Sergio Canavero sẽ đến dự và trình bày tham luận về đề tài ghép đầu tại một hội nghị về ngoại khoa thần kinh được tổ chức tại Annapolis, bang Maryland, Mỹ. Bệnh nhân người Nga Valery Spiridonov cũng được mời.

Ghép đầu thành công: Đầu được trẻ hóa và… chuyển giao ký ức

BS Sergio Canavero trả lời phỏng vấn tạp chí Paris Match vào tháng 2 năm nay:

. Tạp chí Paris Match: Ai là những bệnh nhân tiềm năng của ông?

+ BS Sergio Canavero: Đó là những người bị thiểu năng thần kinh - cơ hay các bệnh nhân Alzheimer ở giai đoạn đầu. Phẫu thuật này sẽ hữu ích cho họ vì hầu như toàn bộ các mô mới của phần cơ thể
bên dưới sẽ giúp làm trẻ hóa các cơ của phần đầu nhờ vào
tuần hoàn máu.

. Ý tưởng của ông bị chỉ trích gay gắt, ông nghĩ sao?

+ Tôi nghiên cứu phương pháp này là để cứu người. Phẫu thuật này mở ra khả năng mang lại một cuộc sống vĩnh cửu cho con người. Cái khó ở đây là về đạo đức sinh học: Ai sẽ được hưởng cuộc sống vĩnh cửu đó?

. Toàn bộ ý thức của chiếc đầu người nhận còn tồn tại và điều khiển được phần cơ thể của người cho sau khi được ghép vào không, thưa bác sĩ?

+ Tôi nghĩ và nhiều chuyên gia về thần kinh cũng nghĩ rằng não chỉ là một bộ lọc và ý thức được tạo ra ở nơi khác. Việc chuyển giao các ký ức đã được quan sát thấy trong một ca ghép tim!

Từng ghép đầu cho nhiều chó và khỉ

Ngay từ đầu thế kỷ 20, y học thế giới đã thử phẫu thuật ghép đầu. Cụ thể:

. Năm 1908: Giáo sư người Mỹ Charles Guthrie gắn đầu một con chó con vào đầu của một con chó trưởng thành và hai “con vật” này cùng chia sẻ một cơ thể chung trong vòng tám ngày.

. Năm 1954: Giáo sư Liên Xô Vladimir Demikhov thực hiện ghép đầu cho nhiều con chó và chỉ duy nhất một con sống được 29 ngày.

. Năm 1970: Bác sĩ ngoại khoa thần kinh người Mỹ Robert J. White thực hiện ca ghép trên khỉ. Kết quả: Cái đầu thì “sống” được hơn một tuần nhưng cơ thể con khỉ thì bị liệt hoàn toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm