Giải mã bí ẩn đá biết chạy ở Thung lũng chết

Các hòn đá chạy trong lòng hồ khô cạn Racetrack Playa ở Thung lũng chết đã trở thành hiện tượng bí ẩn gây chú ý kể từ những năm 1940. Những hòn đá với kích thước to lớn, có thể tới 320kg nằm rải rác khắp bồn địa trong sa mạc, với các đường trượt dài phía sau chúng, cư như chúng đã cùng thực hiện một vũ điệu nhịp nhàng.

Mặc dù có nhiều giả thuyết về cách thức các hòn đá có thể tự dịch chuyển như thế nào, chẳng hạn như lốc xoáy kéo theo bụi, các trận cuồng phong, những mảng tảo trơn trượt hay các phiến băng dày, ... nhưng không có giả thuyết nào trong số này từng được xác thực hay ai đó từng chứng kiến những hòn đá này thực sự "chạy" như thế nào trước đây.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi. Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Viện Hải Dương học thuộc Đại học California, San Diego, Mỹ đã quyết định họ sẽ giải mã bí ẩn trên một lần và mãi mãi. Vào mùa đông năm 2011, họ mang theo một trạm khí tượng có độ phân giải cao để đo gió cách quãng 1 giây, cũng như 15 hòn đá được gắn thiết bị định vị toàn cầu GPS (do cơ quan quản lý Các công viên quốc gia Mỹ không cho phép họ sử dụng những hòn đá tự nhiên trong vùng).

Vì các hòn đá tự nhiên hiếm khi dịch chuyển, có thể cứ 10 năm một lần, nên nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị tinh thần sẽ phải chờ đợi rất lâu. Dẫu vậy, họ đã may mắn khi tới thăm vùng lòng hồ Racetrack Playa vào tháng 12/2013 và phát hiện nơi này được bao phủ trong nước, sâu tới 7cm.

"Vào ngày 21/12/2013, việc nứt vỡ băng đá xảy ra vào khoảng giữa trưa với những tiếng nổ lách tách từ mọi bề mặt nước đóng băng. Tôi gọi Jim và nói: Đây chính là thứ chúng ta cần tìm", tác giả nghiên cứu Richard Norris nhớ lại.

Dấu vết chạy của đá 

Hóa ra, sự dịch chuyển của các hòn đá đòi hỏi sự móc nối hoàn hảo giữa các sự kiện. Trước tiên, vùng lòng hồ phải ngập nước, đủ sâu để hình thành băng đá nổi trong mùa đông, nhưng vẫn đủ nông để các hòn đá không bị che chắn. Khi nhiệt độ ban đêm giảm xuống, hồ đóng băng thành các phiến băng đá mỏng như kính cửa sổ, vừa đủ độ dày để chịu lực, vừa đủ mỏng để dịch chuyển tự do.

Cuối cùng, khi mặt trời ló rạng, băng tan và nứt vỡ thành các mảng trôi nổi. Những mảng băng này được gió nhẹ thổi trôi đi khắp vùng bồn địa sa mạc, đẩy các hòn đá tiến lên trước chúng.

Và điều ngạc nhiên là, các mảng băng chỉ dày 3 - 5mm, dịch chuyển nhờ những cơn gió có vận tốc 3 - 5m/s đã đẩy các hòn đá trượt dài với vận tốc chỉ vài cm/s - một tốc độ gần như không thể nhận ra ở một cự ly, trừ khi bạn biết mình cần phải tìm kiếm cái gì.

"Chúng tôi đã ghi nhận bằng chứng về 5 lần dịch chuyển trong 2 tháng rưỡi hồ nước tồn tại và một số lần dịch chuyển này có sự tham gia của hàng trăm hòn đá chạy. Chúng tôi đã quan sát thấy rằng, ngay cả ở Thung lũng chết, nơi nổi tiếng về sức nóng, băng trôi nổi vẫn tạo lực ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự dịch chuyển của đá", nhà nghiên cứu Richard Norris nhấn mạnh.

Toàn văn nghiên cứu đã được đăng tải trực tuyến trên tạp chí PLOS One.

Theo khampha

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm