Hoảng với máy bay không người lái

Trong một báo cáo mới đây của cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang (FAA), công bố ngày 20-8, phi công các hãng hàng không dân sự tại Mỹ trong năm nay đã cho biết có đến gần 700 trường hợp suýt va chạm giữa máy bay vận tải hành khách và máy bay không người lái. Tạp chí Fortune thống kê con số này nhiều gấp ba lần số 234 vụ “đụng độ” vào năm 2014. Trong khi số trường hợp tương tự vào năm 2013 là hoàn toàn bằng không.

Lượn lờ khiến phi công không kịp trở tay

Theo trang USA Today, riêng tại sân bay quốc tế Newark Liberty (bang New Jersey) ngày 16-8 vừa qua đã có đến bốn chuyến bay xác nhận nhìn thấy máy bay không người lái trên vùng trời sân bay, ở độ cao 600-900 m. May mắn, cả bốn chuyến bay đều đáp an toàn mà không cần phải phát báo động khẩn.

Trong đợt cháy rừng vào tháng 6 vừa qua tại vùng núi San Bernardino (bang California), lực lượng cứu hỏa đã nhiều lần ra lệnh cho máy bay cứu hỏa ngưng hoạt động do phát hiện máy bay không người lái xuất hiện trong không phận chiến dịch. Một máy bay cứu hỏa hoạt động ở độ cao hơn 3.000 m trước đó đã phát hiện máy bay không người lái cách mình chỉ 150 m.

Máy bay không người lái đang làm tăng rủi ro tai nạn tại các sân bay. Ảnh: AP

Tờ Fortune cho biết mặc dù đã có những quy định cấm máy bay không người lái hoạt động gần sân bay hoặc bay quá độ cao 120 m, nhiều phi công báo cáo họ vẫn nhìn thấy các máy bay không người lái gần vùng trời đường băng sân bay, với độ cao có lúc lên đến gần 3.000 m. Theo các báo cáo, những máy bay không người lái dân sự này bay gần các máy bay hành khách đến mức phi công không có đủ thời gian để phản ứng. May mắn là cho đến nay vẫn chưa xảy ra một vụ tai nạn hàng không nào liên quan đến các máy bay không người lái tự phát này.

Cơ trưởng Chesley Sullenberger, cựu phi công của hãng US Airways, người từng đáp khẩn cấp thành công xuống sông Hudson (New York) vào năm 2009, cho rằng những máy bay không người lái với cấu tạo cứng và các thiết bị điện tử có mức đe dọa còn lớn hơn cả chim trời. Chiếc Airbus A320 do ông Sullenberger cầm lái vào tháng 1-2009 đã va vào một bầy ngỗng trời di trú từ Canada. Nhờ có ông Sullenberger, toàn bộ 155 người trên chuyến bay đều sống sót.

Tờ Fortune nhận định các máy bay không người lái quá nhỏ để có thể được phát hiện trên màn hình rađa của máy bay. Điều này càng làm cho việc tránh né máy bay không người lái thêm khó khăn. Mặc dù đa số các thiết bị bay này chỉ có khối lượng vài kilogram, các chuyên gia hàng không lo sợ các tai nạn khủng khiếp vẫn có khả năng xảy ra, đặt trường hợp một thiết bị “vô tình” bị hút vào động cơ máy bay, va vào cánh hoặc cửa kính máy bay. Các phi công trong lúc tập trung hạ cánh với vận tốc 250-300 km/giờ khó có thể quan sát và phát hiện hết các máy bay không người lái cỡ nhỏ này.

Đau đầu tìm cách kiểm soát

Theo tờ Washington Post, Hiệp hội Người tiêu dùng hàng điện tử của Mỹ từng ước đoán doanh số các máy bay không người lái trong năm 2015 sẽ tăng đến gần 63%, đẩy tổng số máy bay không người lái hoạt động tại Mỹ lên đến gần 700.000 đơn vị. Nhóm vận động hành lang Global Gateway Alliance tại New York đang cố nài nỉ FAA thắt chặt kiểm soát các vùng cấm bay tại các sân bay quốc tế lẫn quốc nội. Các nhà sản xuất máy bay không người lái dân sự đang cố tìm cách khắc phục hiện tượng này bằng cách cài đặt thêm các phần mềm ngăn không cho sản phẩm của họ hoạt động trong một số khu vực nhất định, cụ thể là gần các sân bay. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa mang tính triệt để do người dùng cuối cùng cũng sẽ tìm ra cách để “bẻ khóa” các phần mềm này.

FAA hiện đang xây dựng một bộ luật toàn diện đối với các loại thiết bị bay không người lái. Theo các quy định hiện nay, những người có “chơi” thiết bị bay theo sở thích không được phép bay quá 120 m. Các máy bay không người lái thương mại cũng không được vượt quá mức 150 m. Cả hai diện trên đều phải tránh xa các sân bay trong phạm vi 8 km, trừ phi được kiểm soát không lưu cho phép tiếp cận khu vực. Các thiết bị này cũng chỉ được phép hoạt động duy nhất vào ban ngày mà thôi.

FAA đã chủ động phối hợp với các lực lượng chấp pháp địa phương để điều tra những vụ máy bay không người lái xâm phạm khu vực cấm bay. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng trên bộ khó có thể được huy động đủ nhanh để xác định những người sử dụng thiết bị bay vi phạm luật. Khi những răn đe từ các mức phạt dân sự lẫn hình sự vẫn chưa đủ, FAA đã phải tiến hành tổ chức các chiến dịch giáo dục nhận thức cho các doanh nghiệp và người “chơi” máy bay không người lái tuân thủ đúng khuôn khổ luật pháp. Thế nhưng rõ ràng những biện pháp này vẫn không mang lại hiệu quả thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.