Khỏi cần tình dục vẫn duy trì được nòi giống

Một nghiên cứu mới đây về sự phát triển của công nghệ tế bào gốc cho biết con người trong tương lai sẽ không cần quan hệ tình dục nhằm mục đích sinh sản duy trì nòi giống nữa. Điều này sẽ bắt đầu xảy ra tại các nước đang phát triển, sớm nhất là sau 20 năm nữa. Còn đối với phần đông thế giới là 40 năm nữa, theo GS Henry Greely, Giám đốc Trung tâm Luật và Đạo đức Sinh học, ĐH Standford.

Phụ nữ chỉ cần… da để có con

Theo GS Henry Greely, tác giả quyển sách Sự chấm hết của tình dục và tương lai của sự sinh sản loài người, đa số trẻ em tại các quốc gia có nền khoa học đủ phát triển sẽ có thể được thụ tinh trong phòng thí nghiệm, chứ không cần thông qua quan hệ tình dục như từ trước đến nay. Ông cũng cho rằng đến thời điểm đó, quá trình thụ tinh “truyền thống” có khả năng sẽ bị gán những định kiến xấu.

“Trong vòng từ 20 đến 40 năm nữa, khi một cặp đôi muốn có con, người nam sẽ cung cấp tinh trùng và người nữ sẽ chỉ cần cung cấp một… mẫu da” - ông Greely trả lời phỏng vấn của tờ The Times. Ông cho biết khoa học trong tương lai đủ khả năng tạo ra tế bào gốc chỉ từ một mẫu da phụ nữ. Sau đó nhiều tế bào trứng sẽ được tạo ra từ tế bào gốc này. Các tế bào này sau đó sẽ được cho thụ tinh trong ống nghiệm và sau đó các phôi thai sẽ được chọn lọc để “thiết kế” lên em bé lý tưởng.

Những công nghệ sinh sản mà ông Greely mô tả không phải là không tưởng. Những bước tiến mới về tìm hiểu bộ gen của con người, cũng như khả năng tạo ra tế bào trứng từ da người, đều có thể được hiện thực hóa và phổ biến trong tương lai gần, theo tờ The Independent. Những công nghệ tương lai mà Henry Greely nói đến không quá xa lạ với thực tế hiện nay. Trong 25 năm qua, nhiều trẻ em trên thế giới đã được sinh ra bằng phương pháp chẩn đoán gen di truyền tiền cấy phôi (PGD). Những phôi thai 3-5 ngày tuổi được kiểm tra gen, sau đó cặp đôi sẽ nhận được sự tư vấn của bác sĩ xem có nên cấy phôi thai hay không. Riêng tại Mỹ trong năm 2015 vừa qua, đã có 3.000-4.000 em bé được sinh ra có sử dụng phương pháp PGD mà không gặp vấn đề an toàn sinh sản nào.

Các cặp đôi trong tương lai có thể không cần đến tình dục vẫn sinh con được.

Tình dục chỉ phục vụ cho cảm giác

Chi phí bỏ ra để xác định trình tự mã gen phục vụ PGD đang liên tục giảm mạnh. Từ mức giá gần 500 triệu USD vào năm 2003, nay việc xác định trình tự mã gen còn khoảng 1.500 USD. Trong 20-40 năm nữa, con số này sẽ còn thấp hơn nhiều.

Trong viễn cảnh được tư vấn một cách cặn kẽ về các phôi thai, những cặp đôi trong tương lai sẽ có đủ cơ sở để lựa chọn phôi thai lý tưởng nhất, sau đó mới cấy phôi thai vào tử cung của người mẹ. Quá trình “thiết kế” trẻ em trong tương lai, cùng với khả năng tạo ra những thế hệ con cái ưu việt, nhiều khả năng sẽ khiến mục đích duy trì nòi giống truyền thống của hoạt động tình dục trở nên kém hấp dẫn.

Tuy nhiên, tờ The Sun bình luận viễn cảnh “chấm hết” của tình dục mà ông Greely đề cập đến trong quyển sách của mình chỉ cho thấy rằng: Tình dục chỉ sẽ không còn nhằm mục đích duy trì nòi giống. Nhưng trong xã hội tương lai đó, tình dục vẫn sẽ tồn tại trong các hoạt động của xã hội loài người để phục vụ những nhu cầu khác về tinh thần, cảm giác và tình cảm. Theo Tạp chí Sức khỏe tâm lý và các chất gây nghiện, trụ sở tại British Columbia (Canada), tình dục là một dạng nhận thức chứ không đơn thuần là những gì cơ thể đòi hỏi “được làm”. Trang IBTimes cũng có một bình luận tương tự, cho rằng tình dục chỉ “chấm hết” một chức năng sinh học nhưng sẽ không biến mất khỏi xã hội loài người.

Thay đổi cả xã hội

Với sự phát triển của công nghệ tế bào gốc, theo ông Henry Greely, phụ nữ có thể sẽ chẳng cần đến người nam để sinh con. Họ có thể tạo ra được cả tế bào trứng và tế bào tinh trùng từ da của mình, rồi tạo ra phôi thai để mang thai. Những bước tiến khoa học này có thể khiến xã hội nhiều nước bị thay đổi mạnh, khi phụ nữ sẽ không còn nhu cầu lập gia đình. Bên cạnh đó, ông Greely cũng cho rằng phương pháp mới này cũng có thể giúp các cặp đôi đồng giới sinh con có đầy đủ gen di truyền của cả hai người.

Giáo sư của ĐH Standford cho rằng những tiến bộ và tính hiệu quả của việc “thiết kế trẻ em” trong tương lai có thể tạo ra một dạng chuẩn giá trị xã hội mới. Theo đó, những người phụ nữ mang thai bằng phương cách truyền thống có thể phải đối mặt với định kiến rằng mình là một người vô trách nhiệm. Với nhiều quốc gia phương Tây, đặc biệt là châu Âu, các quỹ bảo hiểm xã hội toàn quốc được lấy ra từ tiền thuế. Đây cũng là một xu thế của thế giới, mà điển hình là Mỹ cũng đang từng bước xây dựng. Việc không lựa chọn phôi thai tốt nhất để mang thai, sinh ra những đứa trẻ mang bệnh tật và cần được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt có thể bị xem là hành động gây ra những gánh nặng cho xã hội, theo GS Greely.

Theo tờ The Guardian, mức độ tiếp nhận đối với viễn cảnh này sẽ khác biệt ở mỗi quốc gia. Có thể nó sẽ trở nên thịnh hành tại Mỹ, khu vực Đông Á và Úc. Tuy nhiên, ở những nước có giá trị truyền thống cao như Đức và Ý, điều này sẽ khó có thể được chấp nhận.

Ý kiến trái chiều về đạo đức

Viễn cảnh khoa học “thiết kế em bé” cũng đồng thời khiến một bộ phận không nhỏ các chuyên gia trên thế giới cảm thấy lo ngại. Trả lời trang IBTimes, Giám đốc Viện Tìm kiếm trí thông minh ngoài hành tinh Seth Shostak, nhận định: “Việc cho ra đời những em bé được thiết kế sẵn và trí thông minh nhân tạo cũng sẽ là dấu chấm hết của nhân loại. Thiết kế lại con cháu chúng ta sẽ khiến cho loài người thay đổi nhanh hơn nhiều. Chúng ta có thể sẽ sinh ra những đứa con khác biệt hoàn toàn so với “con người” như chúng ta vẫn hiểu”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.