Ngôi mộ ở Hà Nam là của cháu Tào Tháo?

Ngôi mộ ở Hà Nam là của cháu Tào Tháo? ảnh 1
"Mộ Tào Tháo" ở Tây Cao Huyệt đang được quy hoạch để bán vé cho du khách đến tham quan. Ảnh: CNPhoto.
Quan điểm này được đưa ra bởi Trương Quốc An, một tiến sĩ sử học của trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Vị tiến sĩ này cho biết, ngay sau khi Cục văn vật Hà Nam tuyên bố phát hiện “mộ Tào Tháo” tại Tây Cao Huyệt, An Dương, ông đã đến tại địa điểm khai quật để xem xét. Khi đó, căn cứ vào những gì thu thập được, ông đã đưa ra phán đoán đây có thể là mộ của Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán.

Trương Quốc An cho biết, ông nghi ngờ ngôi mộ ở An Dương không phải mộ Tào Tháo vì ba điểm: Thứ nhất là cách xưng hô “Ngụy Vũ Vương” trên các tấm bia tìm thấy trong mộ. Đáng nói là ở chỗ, sau khi Tào Tháo chết không thể gọi là Ngụy Vũ Vương được. Điều này đã được khá nhiều các chuyên gia đề cập đến trước đó.

Thứ hai, mộ thất của ngôi mộ tìm thấy ở Tây Cao Huyệt có nhiều điểm hoàn toàn không giống với phong cách mộ táng thời đại Tào Tháo. “Đa số các ngôi mộ thời cuối Đông Hán đều có 3 phòng, trong khi đó ngôi mộ ở Tây Cao Huyệt lại chỉ có 2”, vị tiến sĩ lịch sử nói, “Phong cách hai phòng chỉ xuất hiện ở thời Ngụy Tấn, là hình thức mai táng dành cho tầng lớp quý tộc thời đó”.

Thứ ba là niên đại của những tranh đá tìm thấy trong “mộ Tào Tháo” muộn hơn so với thời kỳ Tào Tháo sống, vào khoảng năm 222 (Tào Tháo mất năm 220).

Từ những chứng cứ và lập luận này, Trương Quốc An đã phán đoán ngôi mộ ở Tây Cao Huyệt, An Dương thực tế là mộ của Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán.

Trương Quốc An cho biết, trước đây, người ta vẫn cho rằng, mộ Tào Hoán nằm ở Lâm Chương, Hà Bắc. Tuy nhiên đến 1986, khi các nhà khảo cổ tiến hành khai quật mới phát hiện rằng ngôi mộ đó không phải là mộ của Tào Hoán.

Ông này cũng cho biết, theo những ghi chép của sử sách, sau khi họ Tư Mã cướp ngôi nhà Ngụy đã phong cho Ngụy Nguyên Đế là Trần Lưu Vương rồi đem Tần Hoán lẫn tông thất Tào Ngụy giam lỏng ở Nghiệp Thành (được xác định là nằm ở phía Bắc An Dương, Hà Nam ngày nay).

Tào Hoán mất năm 58 tuổi, sau khi chết đã được chôn cất theo nghi lễ dành cho một Hoàng đế tại nơi đây. Điều này hoàn toàn phù hợp với những đặc điểm phong cách mộ táng thời Tây Tấn tìm thấy ở ngôi mộ tại Tây Cao Huyệt.

Ngoài ra, theo kết quả giám định thì bộ xương đàn ông được tìm thấy trong ngôi mộ có độ tuổi vào khoảng 60. Mặc dù Tào Tháo mất năm 66 tuổi vẫn có thể coi là phù hợp trong mức chênh lệch cho phép, song rõ ràng độ tuổi 58 của Tào Hoán là gần hơn rất nhiều. Đây là một bằng chứng nữa để khẳng định, ngôi mộ ở Tây Cao Huyệt không phải là mộ Tào Tháo mà là mộ Tào Hoán, cháu của ông ta.

Theo Lê Văn (VNN / THX)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm