Robot sắp bị đánh thuế thu nhập?

Các nhà kinh tế, trong đó có ông Bill Gates và chuyên gia kỹ thuật đã thảo luận về nguy cơ tiềm ẩn trong việc sử dụng robot thông minh từ nhiều năm nay, theo Business Insider. Năm 2013, một báo cáo từ ĐH Oxford đã dự đoán robot sẽ thay thế 50% công việc của con người vào năm 2023-2033.

Làm thẩm phán ngon lành

Một nhóm nhà khoa học máy tính của Anh đã phát triển thành công một hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) có khả năng dự đoán phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) với độ chính xác lên tới 79%.

Hệ thống robot “thẩm phán” này do các nhà khoa học của ĐH London và ĐH Sheffield chế tạo. Để tạo ra hệ thống này, nhóm nghiên cứu đã để cho một máy tính xác định mẫu chung từ gần 600 hồ sơ vụ án được xét xử theo Điều 3, 6, 8 của Công ước châu Âu về nhân quyền, đề cập đến quyền không bị tra tấn, xét xử công bằng và các quyền riêng tư tương ứng. Những vụ án này đều đã được xét xử bởi các thẩm phán cao cấp nhất của châu Âu.

Sau khi đọc hết số dữ liệu trên, hệ thống AI này đã có thể “học” được các cụm từ, các sự kiện và tình huống thường xuyên xuất hiện nhất trong các vụ án vi phạm nhân quyền. Hệ thống tự đưa ra phán quyết của riêng mình cho từng vụ án sau khi đã tổng hợp dữ liệu thu thập được. Kết quả cho thấy phán quyết mà AI đưa ra trùng khớp với phán quyết của tòa án trong 79% trường hợp.

Trong đó, tỉ lệ chính xác cao nhất mà hệ thống AI đưa ra là khi phân tích mục “Hoàn cảnh”, nơi chứa các chi tiết liên quan đến hành động và sự kiện xung quanh một vụ án cụ thể. Ngược lại, kết quả kém chính xác nhất là khi AI phân tích mục “Luật”, nơi chứa các lập luận về pháp lý mà nguyên đơn và bị đơn đưa ra. Từ các kết quả này, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng các thẩm phán của Tòa án Nhân quyền châu Âu thường theo thuyết duy thực hơn là chủ nghĩa hình thức, tức là thường đưa ra quyết định dựa trên các tình tiết thực tế nhiều hơn là dựa vào khuôn khổ pháp lý.

Ông Nikolaos Aletras, trưởng nhóm nghiên cứu dự án thuộc ĐH London, cho biết robot trí tuệ nhân tạo có thể trở thành công cụ đắc lực để xác định trường hợp có khả năng vi phạm Công ước châu Âu về nhân quyền hay không. Mặc dù cho rằng robot “thẩm phán” sẽ không thể sớm thay thế các thẩm phán chuyên nghiệp nhưng theo các nhà nghiên cứu, hệ thống trí tuệ này có thể trở thành công cụ hỗ trợ cho các thẩm phán trong khi xử án. “Trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế thẩm phán và luật sư nhưng chúng có thể có ích để xác định khuôn mẫu trong các trường hợp có cùng kết quả nhất định” - ông Aletras nói.

Robot ngày càng thông minh và có nguy cơ “cướp” việc làm của con người. Ảnh: REUTERS

Phải đóng thuế giống hệt con người

Trước khả năng robot có khả năng “cướp” đi nhiều loại công việc của con người, đề xuất của tỉ phú Bill Gates mới đây rằng robot cũng phải đóng thuế thu nhập được nhiều người ủng hộ.

Một báo cáo vào năm 2015 của Viện McKinsey cho thấy các công nghệ hiện tại có thể thay thế khoảng 45% sức lao động của con người. Điều này nếu như thật sự xảy ra sẽ gây ra khoản tổn thất lên đến hàng chục ngàn tỉ USD trên toàn thế giới, đồng thời những phúc lợi xã hội sinh ra từ tiền thuế do người lao động đóng cũng sẽ giảm theo.

“Theo Luật Thuế của Mỹ, nếu thu nhập của một công nhân làm việc trong nhà máy là 50.000 USD thì anh ta phải nộp thuế thu nhập, thuế an ninh xã hội... Vậy nếu một con robot có thể làm ra số tiền như thế thì đương nhiên chúng cũng phải trả mức thuế tương tự” - tỉ phú Bill Gates chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ Quartz.

Đầu tư vào lĩnh vực robot không thể thay thế

Nhà sáng lập Microsoft cho rằng lợi ích khổng lồ mà việc sử dụng robot mang lại là có thể tiết kiệm được nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động. Theo ông, khi robot đã thay con người làm một số công việc nhất định thì con người sẽ có thêm thời gian rảnh rỗi để “làm những công việc tốt đẹp cho những người cao tuổi, giúp đỡ những trẻ nhỏ có nhu cầu đặc biệt”.

Theo vị tỉ phú, khoản tiền thuế thu được từ những robot này nên được dùng để tạo ra những phúc lợi chăm sóc người già, người tàn tật hoặc giáo dục trẻ em. Chính phủ nên là cơ quan trực tiếp quản lý những hoạt động này, thay vì giao về tay các doanh nghiệp. “Bạn nên sẵn sàng nâng mức thuế, thậm chí làm chậm tốc độ của tự động hóa. Một phần nguồn thu chính phủ có thể đến từ lợi nhuận tạo ra bởi hoạt động sử dụng lao động hiệu quả, một phần khác có thể đến trực tiếp từ các loại thuế robot. Tôi không nghĩ rằng các công ty robot sẽ tức giận nếu bị thu thuế” - ông Gates nói. Ý tưởng này trước đó cũng đã được một nhóm nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đề xuất.

Robot phải được đăng ký quyền con người

Nhóm nghị sĩ của Nghị viện châu Âu yêu cầu đề ra quy định robot cũng phải được đăng ký quyền con người với chính phủ. Bản dự thảo đề xuất Ủy ban Liên minh châu Âu đánh thuế đối với những công ty có sử dụng robot hoặc buộc những công ty này phải đóng góp vào hoạt động an ninh xã hội. Số tiền thuế thu được sẽ được sử dụng để đào tạo một công việc mới, loại đang cần nhân lực, cho những người lao động đã bị mất việc vì tiến trình tự động hóa.

Tuy nhiên, bản dự thảo luật này đã bị Nghị viện châu Âu bác bỏ hôm 17-2. Theo Telegraph, nhiều doanh nghiệp sử dụng robot và nhà sản xuất cũng lên tiếng phản đối vì cho rằng động thái này sẽ cản trở sự đổi mới của họ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.