Toàn cảnh tàu vũ trụ tỉ USD tự sát trên sao thổ

Sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của toàn bộ giới khoa học và truyền thông thế giới.

Tàu vũ trụ Cassini có kích thước tương đương một chiếc xe buýt, chạy bằng năng lượng hạt nhân và có giá trị khoảng 3,26 tỉ USD. Cassini vừa kết thúc chặng hành trình 20 năm khám phá sao thổ bằng cách tự hủy diệt trên chính hành tinh này vào ngày 15-9. Các chuyên gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tại Trái đất đã điều khiển cho con tàu tự sát bằng cách để nó lao vào bầu khí quyển.

Chặng hành trình huy hoàng

Con tàu bắt đầu tiến vào vũ trụ vào năm 1997. Bảy năm sau, tức năm 2004, tàu thành công tiếp cận sao thổ. Từ đó đến nay, tàu Cassini đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho khoa học với hơn 450.000 bức ảnh gửi về Trái đất và hơn 635GB dữ liệu khoa học.

Trong suốt 13 năm trên sao thổ, tàu Cassani đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Con tàu đã theo dõi những cơn bão quái vật càn quét hành tinh, chứng kiến những hạt băng bay xen kẽ xuyên qua hệ thống vành đai và khám phá khả năng tồn tại sự sống của các mặt trăng sao thổ. Theo ông Mathew Owens, giáo sư vật lý vũ trụ ở ĐH Reading, Anh, con tàu đã phát hiện sáu mặt trăng, chụp 500.000 bức ảnh và chuyển về gần một terabyte dữ liệu làm cơ sở cho hơn 4.000 nghiên cứu khoa học.

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của tàu Cassini có thể kể đến việc tìm thấy một cột nước phóng lên từ Enceladus, một trong những mặt trăng của sao thổ, vào năm 2005. Từ phát hiện này, các nhà khoa học đã xác nhận rằng Enceladus có một đại dương khổng lồ bên dưới lớp băng trên bề mặt. Sau đó đến lượt Titan - một mặt trăng khác với kích cỡ tương đương sao thủy - cũng có dấu hiệu chứa nước dạng lỏng.

Đây là những phát hiện mà các nhà khoa học chưa từng kỳ vọng ở Cassini, con tàu được phóng đi với mục đích ban đầu là để quan sát sao thổ chứ không phải những mặt trăng của nó. “Việc tàu Cassini tìm thấy những đại dương có tiềm năng nuôi dưỡng sự sống ở cách xa mặt trời đã mở ra một hướng đi mới để tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, cả trong lẫn ngoài hệ mặt trời” - bà Linda Spilker, chuyên gia của NASA, cho biết.

Các nhà khoa học của NASA chia sẻ khoảnh khắc xúc động lúc tàu Cassini chính thức mất liên lạc với Trái đất. Ảnh: BBC

Vì sao phải tự sát?

Sau chặng hành trình 20 năm trên vũ trụ, tàu Cassini đã gần cạn kiệt nhiên liệu và không biết trước được tương lai sẽ “lang thang” nơi nào. Thêm vào đó, theo các nhà khoa học, dù môi trường vũ trụ có nhiệt độ vô cùng thấp nhưng trong thân tàu Cassini vẫn khá ấm áp và có khả năng nuôi dưỡng vi khuẩn từ Trái đất. Nếu xảy ra trường hợp tàu đâm vào các mặt trăng có khả năng tồn tại sự sống của sao thổ như Titan và Enceladus, lớp băng dày bao phủ bề mặt các mặt trăng này có thể bị tan chảy và đại dương nước bên trong sẽ bị nhiễm khuẩn.

Do đó, NASA đành phải để con tàu tự hủy diệt trên chính hành tinh nó làm nhiệm vụ suốt hàng chục năm để bảo toàn các mặt trăng, chuẩn bị cho những khám phá tiếp theo. “Chúng tôi cần bảo vệ những địa điểm này cho các chuyến du hành trong tương lai” - ông Jim Green, lãnh đạo chương trình Khoa học hành tinh của NASA, nói.

Kết thúc hành trình vĩ đại

NASA trước đó đã lên kế hoạch cho “Chặng kết lớn” của tàu Cassini gồm 22 cú bổ nhào xuống khí quyển của sao thổ. Con tàu sẽ lao về phía sau thổ, bốc cháy và vỡ tung thành ngàn mảnh. Và cho đến thời khắc cuối cùng, tàu Cassini vẫn làm nhiệm vụ hướng camera về phía hành tinh để chụp những hình ảnh chưa từng thấy về sao thổ và gửi về Trái đất.

“Tôi cảm thấy buồn suốt cả tuần nay. Chúng tôi đều biết việc này rồi sẽ xảy ra. Tàu Cassini đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và đã gửi truyền về mặt đất những dữ liệu tuyệt vời về bầu khí quyển của sao thổ” - ông Jonathan Lunin tại Trường ĐH Cornell (Mỹ) chia sẻ.

Theo hãng tin BBC, việc mất tín hiệu chỉ ra tàu thăm dò đã lộn nhào mất kiểm soát trong khí quyển sao thổ. Tàu Cassini lao xuống sao thổ lần cuối với tốc độ khoảng 120.700 km/giờ, bốc cháy giữa những đám mây trên tầng khí quyển.

Tại phòng kiểm soát sứ mệnh thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Pasadena, bang California, tàu Cassini đã mất liên lạc hoàn toàn với Trái đất vào lúc 11 giờ 55 (giờ quốc tế - khoảng 18 giờ 55 giờ Việt Nam) ngày 15-9, như đúng thời điểm dự tính. Hãng Bloomberg dẫn thông cáo từ NASA cho biết trong khoảng 30 giây sau khi mất tín hiệu, tàu Cassini nổ tung và trong vòng vài phút sau đó, tất cả mảnh vụn của tàu đã chìm vào trong khí quyển.

“Chúc mừng tất cả các bạn. Đây là một sứ mệnh tuyệt vời, một con tàu vũ trụ tuyệt vời và tất cả các bạn là một đội tuyệt vời. Tôi tuyên bố sứ mệnh đã kết thúc” - ông Earl Maize, chuyên gia quản lý dự án tàu Cassini, nói với các đồng nghiệp sau khoảnh khắc tàu Cassini kết thúc hành trình vĩ đại.

“Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Tôi nghĩ tâm trạng của tất cả mọi người đã phản ánh điều đó, thời khắc kỷ niệm của một sứ mệnh kỳ diệu, một huyền thoại vĩ đại” - ông Morgan Cable, nhà khoa học tại JPL, xúc động nói.

Làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết của nhân loại về sao thổ

“Con tàu đã thay đổi hoàn toàn hiểu biết của nhân loại về sao thổ khi truyền về Trái đất những hình ảnh đẹp tới sửng sốt về các đám mây, vành đai và mặt trăng của hành tinh, cho phép chúng ta cảm thấy như thể mình đang ở trên đó cùng với con tàu vũ trụ” - ông Marek Kukula, nhà thiên văn học ở Đài quan sát Hoàng gia Greenwich, nhận xét. “Sứ mệnh của Cassini là một cuộc phiêu lưu vĩ đại. Không nghi ngờ gì, những thành tựu của sứ mệnh sẽ vẫn được nhắc tới trong nhiều thập kỷ sau”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm