Obama đối diện lịch sử tại Hiroshima

“Chúng tôi đến đây để suy tưởng về một sức mạnh khủng khiếp đã bùng nổ trong quá khứ không xa. Chúng tôi đến đây để khóc thương những người quá cố”.

Sau khi đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm hòa bình Hiroshima vào chiều 27-5, Tổng thống Obama đã phát biểu như trên với Thủ tướng Shinzo Abe bên cạnh trước hàng ngàn người dân, trong đó có nhiều nạn nhân sống sót sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima 71 năm về trước.

Với giọng đau buồn, Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi nghĩ đến những người vô tội chết trong cuộc chiến khủng khiếp ấy. Chúng ta đều có trách nhiệm chung đối diện với lịch sử. Chúng ta phải tự hỏi điều cần phải thay đổi để những nỗi đau khổ như thế sẽ không còn xảy ra nữa”.

Tổng thống Obama đã trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến Hiroshima.

Chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima lần này của Tổng thống Obama không nhằm xin lỗi mà nhằm tưởng nhớ những người đã chết trong Chiến tranh thế giới thứ hai và kêu gọi xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân.

Ngày 27-5, tại Hiroshima, Tổng thống Obama ôm lấy ông Shigeaki Mori, một nạn nhân sống sót sau vụ ném bom nguyên tử. Ảnh: NEW YORK TIMES

Trước khi đến Hiroshima, Tổng thống Obama cùng các nhà lãnh đạo các nước G7 đã thông qua tuyên bố chung dài 32 trang tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở tỉnh Mie (Nhật).

Báo The Japan Times đưa tin về kinh tế, tuyên bố chung khẳng định “tăng trưởng thế giới là ưu tiên khẩn cấp của chúng tôi”.

Tuyên bố chung nhận định kinh tế thế giới đang tăng trưởng trung bình và có nguy cơ tăng trưởng thấp.

Các nước G7 nhất trí sẽ áp dụng các biện pháp cải cách tiền tệ, thuế và cấu trúc mềm dẻo tùy điều kiện riêng mỗi nước nhằm kích thích kinh tế thế giới.

Tuyên bố chung phản đối Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vì như thế sẽ đe dọa tăng trưởng, làm đảo lộn thương mại, đầu tư quốc tế và việc làm.

Về ngoại giao, tuyên bố chung của Hội nghị G7 đã bày tỏ quan tâm về tình hình căng thẳng hàng hải ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Đối với khủng hoảng Ukraine, tuyên bố chung khẳng định lệnh cấm vận đối với Nga sẽ được dỡ bỏ một khi Nga thực hiện đầy đủ các cam kết. Các nước G7 nhấn mạnh duy trì đối thoại với Nga là điều quan trọng.

Liên quan đến khủng hoảng nhập cư, tuyên bố chung cam kết sẽ gia tăng cứu trợ quốc tế đồng thời khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ song phương tăng cường giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật.

Hội nghị G7 đã thông qua chương trình hành động về đầu tư chống khủng bố và khẳng định kiên quyết không trả tiền chuộc cho bọn khủng bố.

Tuyên bố chung cũng cam kết thúc đẩy thỏa thuận về biến đổi khí hậu có hiệu lực trước cuối năm nay.

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp tục khẳng định cam kết tôn trọng tự do hàng hải và hàng không đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp. Tuyên bố chung ghi nhận các yêu sách phải dựa trên luật pháp quốc tế, các nước phải kiềm chế hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hay ép buộc trong khi đưa ra yêu sách. Báo South China Morning Post nhận xét tuyên bố của Hội nghị G7 không nêu cụ thể quốc gia nào nhưng muốn nhắm đến Trung Quốc.

______________________________________

Linh hồn của họ nói với chúng ta, họ yêu cầu chúng ta phải nhìn lại tận sâu trong đáy lòng chúng ta.

Tổng thống OBAMA phát biểu tại Hiroshima

Chúng tôi quan tâm đến tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh G7

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm