ASEAN nên ưu tiên phát triển kinh tế trong khu vực

Trả lời báo Mỹ Wall Street Journal ngày 30-11, ông Surin Pitsuwan đánh giá vai trò của ASEAN trên toàn cầu ngày càng gia tăng và ASEAN còn nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành.

Một trong những nhiệm vụ đó là xây dựng Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), hay ASEAN+6. Tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, 10 nước ASEAN và sáu đối tác đối thoại (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand) đã nhất trí khởi động đàm phán từ đầu năm tới.

Chuyên gia Alan Oxley, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu APEC ở Úc (ĐH RMIT), ghi nhận câu hỏi còn bỏ ngỏ là làm thế nào để ASEAN+6 thực hiện RCEP mà không chồng chéo đến Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện chưa có câu trả lời thống nhất cho câu hỏi này vì bản chất của tình hình phức tạp kinh tế bắt nguồn từ mối quan hệ chính trị phức tạp.

Sau Hiệp định chung về thuế quan và thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong những năm 1980, đến nay đã có khoảng 200 hiệp định thương mại khu vực và song phương được thiết lập. Đàm phán hiệp định thương mại đã trở thành nghi thức chính trị chứng minh tình hữu nghị. Gần đây, WTO đã chấp nhận quan điểm các hiệp định nhỏ vẫn không làm suy yếu sứ mệnh tạo thị trường mở toàn cầu của WTO.

Chuyên gia Alan Oxley ghi nhận ASEAN đã tạo một vị thế chính trị đáng kể trên chính trường thế giới và Trung Quốc đã nhận ra điều này nên đã tích cực vận động thương mại-chính trị. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ít nhiều tác động khiến Tokyo cảm thấy hơi nóng của Trung Quốc phả sau gáy. Thế rồi Trung Quốc đã đạt được nhiều thỏa thuận thương mại với ASEAN và sau đó là với hầu hết các nước ở Đông Thái Bình Dương.

Cảm thấy bị Trung Quốc qua mặt, Mỹ đã chuyển hướng kinh tế sang Đông Á thông qua khái niệm về một thỏa thuận châu Á-Thái Bình Dương giữa các nước thành viên APEC nhằm bảo đảm các sắp xếp ở châu Á sẽ không hình thành mà không có Mỹ.

Trên thực tế, như chuyên gia Alan Oxley nhận xét, có quá nhiều rào cản để một thỏa thuận tự do mậu dịch hoàn toàn ở Đông Nam Á trở thành hiện thực. Nếu các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương chịu cải thiện tính chất cạnh tranh trong kinh tế nội địa, thỏa thuận tự do mậu dịch mới đạt được lợi ích to lớn. Dù vậy ở châu Á, khu vực kinh tế công là một trong những khu vực mang tính cạnh tranh kém nhất.

ASEAN hiện đã thông qua thỏa thuận cam kết loại bỏ rào cản thương mại, mở cửa thị trường đầu tư và dịch vụ, tuy nhiên hầu hết các nước thành viên vẫn khá chậm trong quá trình thực hiện. Bởi thế ASEAN cần hạn chế sa đà ký kết các thỏa thuận với các nền kinh tế lớn mà cần tập trung nhiều hơn nữa về các biện pháp tăng trưởng kinh tế bên trong khu vực.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm