Bà Merkel trước cơn địa chấn của phe cực hữu

Không phải Angela Merkel hay chiến thắng hiển nhiên của bà cho nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ tư, chính sự bứt phá mạnh mẽ của phe cực hữu đang làm lục địa già lo ngại.

Với 33,5% phiếu bầu đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) giành được trong cuộc bầu cử ngày 24-9, bà Merkel thắng thêm nhiệm kỳ thủ tướng Đức thứ tư. Tuy nhiên, đây là bước lùi rất lớn so với mức 41,5% phiếu bầu của CDU năm 2013. Bản thân bà Merkel cũng thừa nhận “đã hy vọng một kết quả tốt hơn”.

Xếp thứ hai là đảng đối thủ Dân chủ Xã hội (SPD) với 20,5% phiếu bầu, một con số đáng thất vọng. Thành công nổi bật nhất trong kỳ bầu cử thuộc về đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD), vươn lên vị trí thứ ba với 13% phiếu bầu. Với thắng lợi này, phe cực hữu lần đầu tiên bước vào Quốc hội Đức sau 70 năm kể từ kỳ bầu cử đầu tiên năm 1949, sau Thế chiến thứ hai.

Từ cuộc bầu cử năm 2013, Đức là nền dân chủ cuối cùng ở châu Âu không có phe cực hữu trong Quốc hội. Điều này giờ đây đã thay đổi. Với quan điểm chống Hồi giáo, tuyên bố đạo Hồi không phù hợp văn hóa Đức, AfD phản đối chính sách nhập cư của bà Merkel vốn đã nhận cả triệu người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi năm 2015.

Theo The Washington Post, thành công của AfD làm liên tưởng tới hình ảnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia ở Pháp trong kỳ bầu cử vừa rồi, hay chiến thắng của ông Donald Trump ở Mỹ. Tuy nhiên, với nước Đức, vốn chịu nhiều đau thương từ lịch sử cánh hữu cực đoan dưới thời phát xít và sau Thế chiến thứ hai đã nỗ lực rất nhiều trong đối đầu phe cực hữu, sự lớn mạnh của AfD là một cú sốc quá lớn. Sự bàng hoàng càng tăng khi Đức không có nhiều “yếu huyệt” để phe cực hữu lôi kéo người ủng hộ. Kinh tế Đức ổn định, tỉ lệ thất nghiệp thấp, quyền lực và uy tín của chính phủ Đức với trong nước và cả quốc tế luôn vững vàng.

Sau hàng loạt cú sốc bầu cử từ năm ngoái đến nay, các lãnh đạo châu Âu đã rất mong đợi bà Merkel có thể củng cố lại các giá trị phương Tây. Nhưng bà Merkel, một mỏ neo của sự ổn định châu Âu, giờ gặp phải thách thức lớn ngay trên sân nhà. Kết quả bầu cử này cho thấy bà Merkel sẽ gian nan đàm phán thành lập liên minh để ra mắt chính phủ mới vào cuối tháng 12. Nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư có lẽ sẽ khó khăn hơn nhiều so với ba nhiệm kỳ trước của bà.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.