MAFIA QUỐC TẾ ĐỔ BỘ VÀO PHÁP

Bài 3: Paris trong tầm ngắm của Tam Hoàng

Theo lịch sử Trung Hoa, hội Tam Hoàng bắt nguồn từ các vị sư chùa Thiếu Lâm từ thế kỷ thứ 17. Vào thời điểm đó, do bất mãn triều đình nhà Thanh, các vị sư người Hán tại chùa đã tập hợp và phát động các phong trào “kháng Thanh”. Nhưng do mang tính tự phát, các phong trào này đã nhanh chóng bị triều đình trấn áp. Tuy nhiên, khi ấy, tôn chỉ hoạt động của hội Tam Hoàng hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực.

Dưới bóng hội Tam Hoàng

Bài 3: Paris trong tầm ngắm của Tam Hoàng ảnh 1

Hình xăm trên người các thành viên hội Tam Hoàng.

Hội Tam Hoàng tại Sài Gòn trước đây:

Năm 1955, Mỹ nhảy vào thay chân Pháp tại miền Nam VN, dựng lên chính quyền họ Ngô. Anh em Diệm-Nhu đã đặt cược vào “Hồng Hội” do thủ lĩnh Chang “mũi đỏ” chỉ huy. “Hồng Hội” sau đó kiểm soát được hầu hết các quán thuốc phiện và ổ điếm tại Sài Gòn. Ngô Đình Nhu được chia chác 15% doanh thu và trở thành người bảo trợ việc cung cấp thuốc phiện cho “Hồng Hội”.

Đến cuối năm 1965, tướng Nguyễn Hữu Loan đã đưa 4/6 băng đảng tội phạm của Sài Gòn vào hệ thống cai trị của y. Từ năm 1970, dưới thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ma túy được bán đại trà cho binh lính Mỹ. Tính đến mùa hè năm 1971, 20% binh sĩ Mỹ tại VN nghiện ma túy.

Từ sau khi triều đình nhà Thanh sụp đổ trong Cách mạng Tân Hợi 1911, hội Tam Hoàng mất phương hướng đấu tranh. Rất nhiều thành viên hội Tam Hoàng không theo kịp xu thế phát triển mới của đất nước khi họ kết luận rằng gần 200 năm tranh đấu của hội là vô nghĩa mà thậm chí đến thời điểm này, các thành viên Tam Hoàng còn bị xem là những “kẻ tạo phản”. Họ suy sụp tinh thần và trở nên manh động. Rốt cuộc, hội lui về hoạt động chủ yếu tại Hong Kong. Năm 1997, Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc, hội Tam Hoàng đã nhanh chân chuyển địa bàn hoạt động ra nước ngoài, cố gắng “vươn mình” đến nhiều quốc gia nơi có Hoa kiều sinh sống.

Khác với mafia Ý, thủ lĩnh của một hội Tam Hoàng không là người đứng đầu duy nhất chỉ huy mọi hoạt động của hội, bởi một hội Tam Hoàng có thể có tới trên 20.000 thành viên và “đàn em” không cần phải thông báo mọi hoạt động tội phạm và không cần phải xin phép “đại ca” trước. Trong khi đó, các “ông trùm” tham gia vào các hoạt động xã hội hợp pháp và thường được biết đến như những doanh nhân thành đạt. Các “ông trùm” chỉ ra tay can thiệp để giải quyết xung đột khi cần.

Giả thiết về sự “hiện hữu có thể có”

Riêng tại châu Âu, Pháp là điểm đến hấp dẫn của các băng nhóm tội phạm Trung Hoa, xuất phát từ các mối liên hệ cũ thời thuộc địa tại Đông Dương và một cộng đồng người Hoa đông đảo tại Paris, chủ yếu xuất thân từ TP Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang). Các gia đình người Hoa này đã tổ chức một làn sóng đưa người thân và con cái họ từ Trung Quốc sang Pháp định cư và bối cảnh trên đã giúp hình thành nhiều “căn cứ địa” do các tổ chức mafia Trung Hoa kiểm soát.

Tuy nhiên, trên thực tế, hội Tam Hoàng chưa “cắm rễ” sâu tại Pháp. Theo lời vị trưởng Cơ quan thông tin, tình báo và phân tích chiến lược về tội phạm có tổ chức của Pháp (Sirasco) là Dimitri Zoulas, tại thời điểm hiện nay, cơ quan này vẫn “chưa phát hiện bất cứ một nhân vật nào khả dĩ được cho là thành viên của hội Tam Hoàng” mặc dù “vẫn đang xảy ra nhiều hoạt động tội phạm ngay bên trong cộng đồng người Hoa tại đất Pháp”.

Tuy nhiên, vẫn có những biểu hiện giúp củng cố thêm giả thiết về một sự “hiện hữu có thể có” của hội Tam Hoàng tại Pháp. Đó chính là việc có nhiều nhân vật “lớn” trong cộng đồng người Hoa đang đầu tư vào các quán rượu có tổ chức cá cược. Đặc biệt tại Paris, cảnh sát tư pháp đã thụ lý nhiều hồ sơ có tình tiết khá giống nhau. Có nhiều công dân Pháp gốc Trung Hoa rất muốn mua lại các quán rượu dạng này, đã lập được hồ sơ vay tiền ngân hàng, song các bảo đảm thế chấp lại là các hồ sơ giả mạo được soạn thảo từ… Trung Quốc.

Ông Dimitri Zoulas cho biết thêm: “Một quán bar có cá cược như thế có thể là nơi để các tổ chức tội phạm rửa tiền. Và một khi chúng ta xác định được danh tánh của những ai được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động này, chúng ta có thể lần ra manh mối các thủ lĩnh. Song, các thủ lĩnh đó có thể không là người hội Tam Hoàng mà chỉ là từ các tổ chức tội phạm người Trung Hoa tại địa phương”.

Hội Tam Hoàng tại châu Âu

Mặc dù có hoạt động được đánh giá là trải rộng ra trên khắp thế giới nhưng tại châu Âu, có lẽ chỉ có cơ quan cảnh sát Anh “Scotland Yard” là am hiểu thấu đáo nhất về hội Tam Hoàng. Nguyên do, Hong Kong là trung tâm đầu não của Tam Hoàng với khoảng 50-60 hội và đã từng một thời là thuộc địa của Vương quốc Anh.

Các hội Tam Hoàng thường sử dụng nhà hàng và các công ty kinh doanh làm bình phong cho các hoạt động tội phạm của mình. Thật vậy, nhiều nhà hàng Trung Hoa trên đất châu Âu có khu vực tầng hầm được thiết kế để tổ chức đánh bạc và là nơi phân phối ma túy (được cất giấu trong những quả bóng bàn). Song, nhà chức trách địa phương rất khó khăn thâm nhập điều tra do ngôn ngữ bất đồng. Các thành viên của các tổ chức tội phạm này nói tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, Phúc Kiến... trong khi chính quyền ít khi kiếm được các phiên dịch đáng tin cậy.

Mafia Nigeria với ma túy và mại dâm

Bài 3: Paris trong tầm ngắm của Tam Hoàng ảnh 2

Tác giả Misha Glenny trong quyển McMafia (NXB Denoël, 2009) giải thích rằng quyền lực của mafia Nigeria mạnh lên một cách chóng mặt kể từ khi các tập đoàn tại Lagos (thành phố cảng chính của Nigeria) kiểm soát được thị trường “vàng trắng”, tức ma túy, trên toàn khu vực Tây Phi.

Nigeria có diện tích rất rộng nhưng người dân lại rất nghèo. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để các cơ quan công quyền phất lên nhờ tham nhũng. Và cũng từ đó, các ông trùm ma túy từ Colombia, Thái Lan, Brazil… đã triệt để tận dụng những “khoảng tối” và dễ dàng sử dụng Nigeria làm nơi tập kết và trung chuyển hàng trắng trước khi chuyển sang châu Âu tiêu thụ.

Kế đến, mại dâm là lãnh vực mà mafia Nigeria rất “ưa chuộng”. Trên thực tế, có đến 1/3 số gái mại dâm đang “hành nghề” tại Pháp là người da đen, đặc biệt là Nigeria. Các cô này đông hơn cả “gái” đến từ các nước Đông Âu như Bulgaria hay Romania. Nếu như ban đầu mạng lưới mại dâm Nigeria hoạt động chủ yếu tại các thành phố lớn của Pháp như Paris, Lyon, Bordeaux hay Nantes, thì nay đã lan tỏa đến tận các hang cùng ngõ tận tại các vùng quê với khoản lợi nhuận hằng năm lên đến trên 15 triệu euro.

Các khoản tiền thu được từ hoạt động kinh doanh gái điếm tại nước ngoài sẽ được “tái đầu tư” vào các công ty làm ăn hợp pháp trên “đất khách”. Song, đôi khi tiền cũng được chuyển trực tiếp về Nigeria qua các công ty xây dựng, các doanh nghiệp nhỏ lẻ hoặc các công ty kinh doanh Internet. Rồi sau đó, đến lượt mình, các công ty tại Nigeria sẽ “bơm” tiền ngược ra nước ngoài để rót vào các hoạt động tội ác. Về phần mình, các “tú bà” người Nigeria luôn có kinh phí riêng từ một nguồn quỹ chung để chi cho việc “tuyển mộ”, “đào tạo” và “tìm việc” cho những cô gái trẻ Nigeria.

***

Bài 3: Paris trong tầm ngắm của Tam Hoàng ảnh 3

Tính từ cuộc khủng hoảng xã hội năm 1967 đến nay, đã có ba tổ chức lớn của người Hoa kiểm soát các hoạt động tội phạm tại nhiều nơi trên thế giới. Đó là “14K”, “Tân Ý An” và “Hòa Thắng Hòa”.

TƯỜNG NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm