Bài học dân chủ của Brazil: Một chính khách được lòng dân

Sở dĩ được như vậy, trước hết là do nhân cách và phong cách của ông: lối ứng xử thoải mái, uy tín tự nhiên, sự thân tình, sức thu hút người khác (charisma), tài hùng biện…

Chẳng những thế ông còn là một chính khách tài ba, đã góp phần quyết định trong việc biến nước Brazil (8,5 triệu km2 và 193 triệu dân) vốn nghèo đói thành cường quốc kinh tế thứ tám của thế giới, có GDP hiện lên đến 2.025 tỉ USD, có mức tăng trưởng cao (7%) và tỷ lệ thất nghiệp thấp (6,7%).

Nhờ can đảm, kiên trì và trí thông minh, cậu bé đánh giày nghèo khổ và thất học của vùng Đông – Bắc Brazil đã lần lượt trở thành thợ tiện, lãnh tụ công đoàn, người sáng lập ra đảng Lao động Brazil, và tổng thống của nước này vào năm 2002.

Sau khi thất cử tổng thống lần thứ ba vào năm 1998, ông biết rằng nếu muốn giành được thắng lợi ông phải từ bỏ chiến lược cách mạng triệt để mà đảng của ông chủ trương. Tháng 7.2002, ngay giữa cuộc vận động tuyển cử tổng thống, ông đã công bố “bức thư gửi nhân dân Brazil” nhằm trấn an các cử tri, các giới kinh doanh và các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bức thư này, ông hứa sẽ bảo vệ các định chế, sự ổn định về kinh tế và tôn trọng các cam kết quốc tế của Brazil.

Sau khi lên cầm quyền, ông đã tôn trọng trọn vẹn lời hứa đó. Nhưng điều mà ông làm tốt hơn Tổng thống tiền nhiệm Cardoso là đã tấn công mạnh vào đói nghèo, cho dù chưa đến tận gốc rễ của nó.

Nhờ chính sách “bolsa familia” đề ra vào năm 2003, 12 triệu hộ gia đình được trợ cấp tài chính (khoảng 90 USD mỗi tháng cho một gia đình sống ở khu ổ chuột favelas với một mẹ và ba con nhỏ).

Được khởi động năm 2005 nhằm dân chủ hoá giáo dục đại học ở Brazil, chương trình ProUni (đại học cho mọi người) đã ưu tiên cấp học bổng cho các sinh viên nghèo, thường là dân da đen, dân lai hay dân Mỹ – Ấn. Nhờ kinh tế phát triển nhanh, hơn 30 triệu người Brazil đã đạt được mức sống của tầng lớp trung lưu.

Những thành quả nói trên đã nâng cao hơn hẳn uy tín của Brazil trên thế giới: theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Lula hiện nay là chính khách “được lòng dân nhất thế giới”.

Đáng phục hơn là, ông Lula khước từ việc sửa đổi hiến pháp để làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba, điều hoàn toàn có thể do ông rất được lòng dân. Thanh thản chấp nhận trở về với đời thường, ông đã giúp cho dân chủ bám rễ sâu thêm ở Brazil.

Hai nữ chính khách đáng phục

Để kế nghiệp mình, ông Lula đã nhiệt tình ủng hộ bà Dilma Rousseff trong cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra ở Brazil. Ở vòng đầu, bà Rousseff “chỉ” được 46% số phiếu, do phải kháng cự với hai chính khách đáng gờm cũng thuộc cánh tả là ông José Serra (Dân chủ – xã hội, được 34%) và bà Marina Silva (đảng Xanh, được 20%).

Bà Rousseff, 63 tuổi được, Lula bổ nhiệm làm bộ trưởng về mỏ và năng lượng năm 2002, rồi làm Chefe da Casa civil (tương đương với chức thủ tướng).

Còn bà Marina Silva, 52 tuổi, được Tổng thống Lula bổ nhiệm làm bộ trưởng Môi trường năm 2002, bà ra sức chống việc trồng đậu nành có gen biến đổi, chống việc xây các nhà máy thuỷ điện và nạn phá rừng ở Amazonia, nhưng đều thất bại. Năm 2008, do bất đồng chính kiến, bà từ chức bộ trưởng Môi trường và rời đảng Lao động để gia nhập đảng Xanh. Từ chối chọn lựa giữa Dilma Rousseff và José Serra, Marina Silva tìm cách “xanh hoá” tối đa chương trình của họ.

Để thu hút các phiếu đã bỏ cho Marina Silva, bà Dilma Rousseff đã khôn khéo tuyên bố: “Nếu người ta thêm số phiếu của tôi vào số phiếu của Marina, thì sẽ thấy rằng 67% cử tri Brazil muốn có một nữ tổng thống”. Và người đó chắc sẽ là bà Rousseff vào tối 31.10 sắp tới.

Theo Nguyên Thanh (SGTT/ AFP,PRESIDENCIA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm