BP vượt qua khủng hoảng ra sao?

Vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon ngày 20-4 năm ngoái làm thiệt mạng 11 công nhân và gây ra vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khi sự cố tràn dầu vượt khỏi tầm kiểm soát, nghĩa vụ pháp lý về mặt tài chính của BP dường như đủ lớn để nhấn chìm công ty này.

Nhờ "thiên thời, địa lợi"

Các chi phí rắc rối nhất khiến BP phải bóp trán chính là từ hàng trăm vụ kiện của bất kỳ nguyên đơn nào. Những người đánh bắt tôm, khai thác sò, nhân viên lái thuyền, nhân viên nhà hàng, những người sở hữu tài sản cố định trong vùng và cả công nhân giàn khoan đang kiện BP vì cho rằng công ty này đã làm cho họ mất việc. Các chuyên gia luật pháp cảnh báo rằng khó mà dự kiến được mức án phí khi Công ty BP bị thua kiện trong vụ kiện có nhiều nguyên đơn.

Tuy nhiên, theo AP, các khoản tiền phạt, các vụ kiện, chi phí pháp lý và những khoản tiền đền bù có thể sẽ vượt quá 40 tỉ USD mà BP ước tính. Nhưng con số này sẽ thấp hơn nhiều mức tính toán từng được đưa ra bởi các chuyên gia pháp luật và các ngân hàng nổi tiếng.

BP vượt qua khủng hoảng ra sao? ảnh 1

Giàn khoan Deepwater Horizon bị nổ và chìm, suýt nữa kéo BP chìm theo. Ảnh: alabama-oilspill.com

Phân tích của AP cho thấy công ty có thể đối mặt với các khoản chi phí từ 38 tỉ đến 60 tỉ USD có liên quan đến vụ tràn dầu. Những khoản chi này gồm 10,7 tỉ USD mà BP sẵn sàng chi để bịt cái giếng dầu tai hại của mình. Một quỹ 20 tỉ USD được BP lập vào tháng 8-2010 dành cho các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân đã bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu, làm sạch dầu tràn, nộp tiền phạt, những khoản bồi thường thiệt hại và các chi phí khác. Riêng lệ phí pháp lý và thù lao cho luật sư, chuyên gia đã có thể lên đến 2 tỉ USD.

BP sẽ trụ được bởi một số lý do chính yếu: nợ ít, các thương vụ toàn cầu được dự báo tăng trưởng lên mức 26 tỉ USD vào năm tới; các tác động môi trường do vụ tràn dầu này gây ra không xấu đến mức như người ta lo ngại; và có lẽ chính phủ không cấm BP hoạt động từ vụ gây tràn dầu vùng vịnh. Để củng cố tài chính của mình, BP đã cắt giảm cổ tức, thoát khỏi nợ nần và bán được hơn 21 tỉ USD tài sản. “Tình hình có thể khá hơn nhiều” - ông Tyler Priest, thành viên Ủy ban Điều tra vụ tràn dầu của Tổng thống Barack Obama, nói, “BP sẽ trở lại từ đây”.

23 công ty lớn với số tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán trên 1 tỉ USD đã tăng hơn gấp đôi cổ phần của họ tại BP từ tháng 7 đến tháng 9-2010.

BP đã cật lực xoay xở để bảo vệ “lưng vốn” của mình. Công ty đã ngưng chia cổ tức hằng quý (vốn đạt tổng giá trị 10,5 tỉ USD vào năm 2009). Đồng thời, BP sở hữu giá trị tài sản (có thể bán để trả nợ) lên 21 tỉ USD bao gồm: 7 tỉ cổ phần tại Pan American Energy; 7 tỉ tại các mỏ dầu ở Mỹ, Canada và Ai Cập; 1,9 tỉ của các công ty thành viên đang thăm dò tại Colombia và 1,8 tỉ tài sản tại Việt Nam và Venezuela. BP cũng bán được lượng kỳ phiếu với tổng giá trị 3,5 tỉ USD vào ngày 1-10-2010.

Một vài tuần sau khi giàn khoan Deepwater Horizon nổ và chìm, các nhà khoa học lo ngại các vết dầu loang sẽ trôi đến vùng Loop Current mà như thế là tiềm ẩn nguy cơ quặt lại bao vây Florida và vùng bờ biển phía đông. Nhưng BP đã gặp may. Những cơn gió ở vùng vịnh đổi hướng, ghìm lượng dầu loang tập trung ở vùng biển phía nam của tiểu bang Louisiana và những cơn bão hầu như cũng “phớt lờ” khu vực này.

Các nhà khoa học không tìm được tiếng nói chung về việc còn bao nhiêu dầu loang trong vùng vịnh vì số dầu loang còn lại sẽ tỉ lệ thuận với khả năng bùng nổ các vụ kiện về thiệt hại môi trường.

Dù vẫn còn, “nó - tức dầu loang - sẽ không ảnh hưởng lâu dài đến việc kinh doanh” - nhà phân tích dầu mỏ của Citigroup là Mark Fletcher khẳng định.

BP vượt qua khủng hoảng ra sao? ảnh 2

BP vượt qua khủng hoảng ra sao? ảnh 3

Nỗ lực quây phao ngăn dầu tràn. Ảnh: wildlifeprofessional.org

Tái cấp phép khai thác: Sức ép từ dầu mỏ

Sau sự cố dầu tràn, tháng 5-2010, Tổng thống Barack Obama công bố một lệnh cấm khai thác trong thời hạn sáu tháng. Dù động thái này xuất phát từ chất lượng cuộc sống nhưng lệnh cấm khai thác vẫn gặp phải sự chỉ trích ngày càng tăng từ ngành công nghiệp dầu mỏ và các chính trị gia xuất thân từ lĩnh vực này.

Người ta cáo buộc rằng sự chậm trễ trong việc cấp phép tái khai thác đã làm tổn hại cho cả ngành công nghiệp dầu mỏ và nền kinh tế của các địa phương ven vùng vịnh (vốn đang gặp khó khăn bởi sự suy giảm kinh tế). Ngay chính quyền cũng ước tính rằng 8.000-12.000 công nhân có thể bị mất việc làm tạm thời do lệnh cấm. Bộ Năng lượng dự đoán rằng sản lượng dầu được sản xuất ngoài khơi trong nước sẽ giảm 13% do lệnh cấm khai thác.

Erik Milito, một viên chức có kinh nghiệm của Viện Xăng dầu Mỹ - nhóm vận động hành lang chính của ngành công nghiệp dầu mỏ, cho biết nhiều giàn khoan sẽ sớm rút lui nếu nghề khai thác dầu của họ không được cấp phép tiếp tục hoạt động. Một số công ty đang chuyển hướng đầu tư sang các khu vực khác.

Tốc độ tái cấp phép chậm chạp đã châm ngòi cho sự bùng nổ của phe dân chủ trong Quốc hội. Thượng nghị sĩ tiểu bang Louisiana Mary Landrieu quy kết chính sách của chính phủ đã làm cho nền kinh tế của khu vực duyên hải bị tử thương.

Cũng hôm 4-1-2011, chính phủ thông báo đã cho phép 13 công ty, trong đó có Chevron Corp. and Royal Dutch Shell PLC tiếp tục khai thác ở một số giếng dầu. 16 dự án khác vẫn phải tuân thủ quy định về an toàn mới rất nghiêm ngặt được ban hành sau thảm họa tràn dầu.

Theo Michael Bromwich, Giám đốc Cục Quản lý, điều phối năng lượng biển (BOEMRE) - cơ quan trực thuộc chính phủ mới được thành lập chịu trách nhiệm quản lý việc khoan dầu ngoài khơi, “Đối với những công ty đang hoạt động vào thời điểm lệnh cấm khai thác được ban hành, thông báo này là một sự xúc tiến đầy ý nghĩa nhằm nối lại hoạt động hợp pháp của mình”.

Chút bất lợi về “nhân hòa”

Đó là việc BP bị chỉ trích khi dùng quỹ đền bù các nạn nhân của vụ tràn dầu để chi trả tiền cho một chuyên gia tư vấn.

Cho đến nay, quỹ đền bù các nạn nhân của vụ tràn dầu của BP đã được giải ngân khoảng 2,6 tỉ USD. Người quản lý quỹ này là Ken Feinberg (ảnh) đang mong muốn mọi người chấp nhận các khoản thanh toán cuối cùng để đồng ý không kiện BP. Trong khi đó, các luật sư - những người đã khởi hơn 300 vụ kiện đề nghị một thẩm phán liên bang dùng quyền ngăn chặn việc phát hành mẫu đơn mà mọi người có liên quan phải ký vào khi họ chấp nhận một khoản chi phí cuối cùng từ Feinberg.

BP vượt qua khủng hoảng ra sao? ảnh 4

Hôm 30-12-2010, Feinberg cho hay ông được đồng ý trả cho Giáo sư Stephen Gillers của Trường ĐH New York để có được sự tư vấn của vị giáo sư này. Tổng số tiền Gillers sẽ được chi trả không rõ ràng. Ông trả lời với AP rằng ông được thanh toán 950 USD một giờ và một trợ lý của ông được 475 USD/giờ. Gillers nói ông và người trợ lý không tính chính xác là hai người đã làm việc bao nhiêu giờ cho vụ này.

Một số nạn nhân, luật sư và các quan chức nghi ngờ về vai trò hành xử độc lập của ông Feinberg. Anthony Kennon, thị trưởng thành phố Orange Beach, tiểu bang Alabama - nơi chịu ảnh hưởng nặng từ vụ tràn dầu, thì hồ nghi về mối quan hệ giữa Feinberg và BP. Ông nói: “Điều duy nhất phơi bày sự độc lập thật sự ở đây là ông Feinberg có làm gì cho các nạn nhân của vụ tràn dầu hay không”.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo law.com, online.wsj.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm