Các bên sẽ làm gì ở Syria?

Nhóm hành động vì Syria gồm các nước ủng hộ và phản đối chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, đang họp ở Munich (Đức) tìm cách giải quyết nội chiến Syria trong lúc phe chính phủ đang thắng thế phe nổi dậy ở chiến trường.

Giao tranh ở TP Aleppo - cứ điểm quan trọng nhất của phe nổi dậy - ngày càng căng thẳng. Cơ hội chiếm được TP Aleppo, đến được biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, và chấm dứt cuộc chiến của phe chính phủ đang nhiều hơn bao giờ hết.

Hãy xem các bên liên quan nội chiến Syria sẽ làm gì tiếp theo, theo quan điểm của hãng tin AP (Mỹ).

Nga bắt đầu chiến dịch không kích Syria từ tháng 9-2015 và chủ đông đề xuất ngừng bắn từ ngày 1-3. Nga muốn trong vòng ba tuần tới thời hạn 1-3 sẽ tìm cách tiêu diệt phe nổi dậy. Mỹ nhận ra điều này nên đã không đồng ý, rút ngắn thời gian xuống còn một tuần phải thực thi ngừng bắn.

Nga vừa thông báo đã không kích 1.900 mục tiêu ở Syria trong một tuần vừa qua. Và trong thời gian tới Nga sẽ tiếp tục tích cực không kích, hỗ trợ quân chính phủ Syria chiếm TP Aleppo và cả cứ điểm Azaz của phe nổi dậy ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, chặn đứng đường tiếp tế chính của phe nổi dậy.

Chính phủ Syria sẽ tiếp tục cố gắng chiếm lại càng nhiều lãnh thổ càng tốt, nhờ có sự không kích hỗ trợ của Nga. Mục tiêu chính của chính phủ Syria trong thời gian tới không khác mục tiêu của Nga, là chiếm được TP Aleppo và tiếp cận được biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khả năng khôi phục cuộc hòa đàm do LHQ làm trung gian ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 25-2 tới rất thấp khi chính phủ Syria đang thắng thế trên chiến trường.

Mỹ liệu có gia tăng vai trò và trang bị vũ khí cho phe nổi dậy để đảo ngược tình hình phe chính phủ ngày càng thắng thế? Khả năng này hầu như không có. Mỹ đã chi hàng triệu USD cho các chương trình hỗ trợ và đào tạo phe nổi dậy nhưng hiệu quả không nhiều so với việc Nga can thiệp hỗ trợ phe chính phủ. Thực tế này đã khiến một bộ phận phe nổi dậy cho rằng có khả năng Mỹ và Nga thỏa thuận ngầm để giữ quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad.

Iran đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tổ chức Hezbollah bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad. Với việc được phương Tây dỡ bỏ trừng phạt kinh tế liên quan thỏa thuận hạt nhân gần đây, Iran sẽ không có lý do gì để ngưng giúp đỡ Tổng thống Bashar al-Assad.

Phe nổi dậy Syria đang ở trong thời điểm vô cùng khó khăn trên chiến địa khi bị tấn công cùng lúc cả từ trên không và dưới đất. Những gì mà các nước ủng hộ phe nổi dậy như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia làm tiếp theo mang tính quyết định đến số phận phe nổi dậy.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đưa quân vào Syria dưới hình thức chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong tình hình phe chính phủ Syria ngày càng tiến đến gần biên giới. Rủi ro Thổ Nhĩ Kỳ xung đột với Nga từ hành động này rất cao.

Saudi Arabia đã đề nghị đưa bộ binh vào Syria đánh IS nếu liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu đồng ý. Khả năng này dù khó xảy ra nhưng nếu nó thành hiện thực thì tình hình sẽ rất phức tạp vì sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu giữa quân đội hùng mạnh nhất thế giới Ả rập và các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad.

Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels (Bỉ), hàng chục nước trong liên minh chống IS ở Syria và Iraq đã thống nhất kế hoạch tăng cường chiến dịch tấn công của Mỹ. Tuy nhiên thực tế hỗn loạn của nội chiến Syria và nguy cơ can thiệp từ bên ngoài sẽ làm giảm hiệu quả chiến dịch tấn công IS. Trong khi đó, việc phe nổi dậy thất thế sẽ khiến lực lượng IS mạnh hơn, vì một số phần tử nổi dậy đào ngũ sang đầu quân cho IS.

Lực lượng dân quân người Kurd đang khai thác tình hình hỗn loạn ở Syria để phục vụ mục đích riêng và mở rộng kiểm soát dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.