'Canh bạc' của Tổng thống Duterte

Khi sức nóng của cuộc bầu cử Mỹ đang vào giai đoạn cao trào bằng các cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton thì bên này địa cầu đồng minh truyền thống của Mỹ là Philippines đang khiến nhiều người bất ngờ với những bước đi ngoại giao dự báo sẽ tạo ra thách thức lớn trong quan hệ giữa Washington và Manila trong thời gian tới.

Tại tọa đàm "Hai tháng sau phán quyết của Tòa Trọng Tài: Thảo luận một số vấn đề chính sách” mới đây do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia (CSS), ĐH  KHXH&NV TP.HCM tổ chức, chuyên gia Richard Javad Heydarian (ĐH De La Salle, Philippines) chỉ ra định hướng chính sách ngoại giao Philippines dưới thời tân Tổng thống Rodrigo Duterte là “tập trung giải quyết an ninh trong nước, giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ”.

Có thể thấy việc hợp tác với Trung Quốc thay vì Mỹ nằm trong chính sách ngoại giao “Good Cop/Bad Cop” (Chính diện/Phản diện) của Manila là một “canh bạc” mạo hiểm.

Chọn lựa “phi nguyên tắc”

Sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc ở biển Đông với kết quả gần như 100% thắng lợi thuộc về Manila, nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế dự báo Philippines với thế thượng phong sẽ dùng phán quyết để mặc cả, yêu sách buộc Bắc Kinh xuống thang căng thẳng.

Một số ý kiến lại cho rằng với đường lối có hơi hướng dân túy của ông Duterte, vị tổng thống này sẽ dùng phán quyết của tòa để thương lượng với Bắc Kinh về các hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu hay các khoảng đầu tư. Kết quả vụ kiện được dự báo là vũ khí dài hạn để Manila “nói chuyện” với Trung Quốc trên bàn đàm phán.

Một cuộc họp của ngoại trưởng Perfecto Yasay của Philippines. Chính sách đối ngoại nước này đang rất khác so với giai đoạn dưới thời Tổng thống Aquino.

Tuy nhiên, ông Duterte không dùng phán quyết của tòa để nâng vị thế đàm phán với Bắc Kinh, Manila đồng thời quay sang thể hiện mong muốn không muốn tiếp tục làm “người em bé nhỏ” của Mỹ. Song song đó, quan hệ Philippines và Trung Quốc, thay vì căng thẳng như nhiều chuyên gia dự báo, lại trở nên nồng ấm hơn bằng nhiều tuyên bố cởi mở, hòa dịu giữa hai bên.

Được mệnh danh là “Duterte Harry” (ghép theo tên nhân vật chính sống “phi nguyên tắc” trong bộ phim Dirty Harry năm 1971), phong cách người đứng đầu Manila trái ngược với giới lãnh đạo Mỹ nhưng dường như phù hợp với tác phong ngoại giao của Trung Quốc.

Đơn cử, trong khi các khoảng đầu tư, hỗ trợ hay viện trợ người Mỹ luôn đi kèm những điều kiện đảm bảo những nguyên tắc cốt lõi thì Trung Quốc thường bỏ qua các rào cản về tiêu chuẩn, đồng thời tỏ ra phóng khoáng trong chi tiền để làm ấm quan hệ.

Rủi ro khi xích lại gần Bắc Kinh

Xu hướng bắt tay với kẻ thua kiện và chưa mặc cả bằng phán quyết của tòa mà ông Duterte đang làm rõ ràng nhận được sự hoang nghênh từ phía Trung Quốc.

Những thỏa thuận về hợp tác khai thác tài nguyên tại biển Đông, cũng như các cam kết tránh va chạm trên biển... có thể sẽ được thảo luận cởi mở trong chuyến thăm của ông Duterte dự kiến diễn ra vào tuần thứ ba của tháng 10 tới đây, sau rất nhiều nỗ lực sát gần lại Bắc Kinh của Manila. Nếu thành công, đây là bước đệm hoàn hảo để ông Duterte tiếp tục mang về nhiều nguồn lợi đong đếm bằng tiền mà rất đông người dân Philippines có thể sẽ vỗ tay khen ngợi. 

Rủi ro dễ nhìn thấy cho “canh bạc” này chính là việc giảm tín nhiệm đối với Philippines - một trụ cột trong giải quyết tranh chấp biển Đông - từ cộng đồng ASEAN. Việc Philipines xích lại quá gần với Trung Quốc tạo ra khó khăn trong việc chống sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông, vốn Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ khiến hầu hết nước ASEAN lo ngại.

Xu hướng bắt tay với bên thua kiện và chưa mặc cả bằng phán quyết của tòa rõ ràng nhận được sự hoang nghênh từ phía Trung Quốc. 

Cho đến thời điểm này, ông Duterte dường như chưa có những động thái đáng kể áp dụng giá trị pháp lý phán quyết của Tòa Trọng tài với Trung Quốc. Nếu vẫn thiếu quyết đoán và làm mờ nhạt phán quyết, không những tạo một tiền lệ thiếu tích cực trên mặt trận pháp lý chống lại yêu sách của Bắc Kinh, mà còn có thể làm giảm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với riêng Philippines.

Những “khoảng trống” như vậy là cơ hội cho Bắc Kinh thừa cơ mở rộng vùng kiểm soát, cải tạo luôn bãi cạn Scarborough - nơi mà Manila đã thắng Trung Quốc tại Tòa Trọng tài.

Mặt khác, rủi ro trong vấn đề phụ thuộc vào nền kinh tế “nhiều bất ổn” Trung Quốc - điều mà chính quyền tiền nhiệm nỗ lực khắc phục và đạt nhiều thành tựu trong đa phương hóa thương mại với EU, Úc, Bắc Mỹ và Nhật - có thể lại sẽ trở lại, đe dọa sự thịnh vượng của Manila nếu Philippines chạy theo các đề nghị đầu tư tài chính, thương mại đầy “hấp dẫn” của Bắc Kinh - bài học mà nhiều quốc gia đã và đang thấm thía.

Cần nhớ rằng những phát ngôn bất nhất của ông Duterte trước đây với Trung Quốc càng khiến Bắc Kinh luôn dè chừng và có toan tính với chính sách đối ngoại của Philippines thời gian tới.

Thách thức trong quan hệ “bình thường mới” với Mỹ

Ông Duterte vừa muốn tranh thủ lợi ích từ Bắc Kinh, đồng thời muốn Mỹ nhìn nhận lại đồng minh Philippines một cách bình đẳng hơn, tức phá bỏ cách nhìn nhận đồng minh kiểu truyền thống - “đứa em bé nhỏ” của Mỹ để tái định vị quan hệ đồng minh “bình thường mới”. Công bằng mà nói đây là tầm nhìn tiến bộ, tích cực cho Philippines.

Ông Duterte vừa muốn tranh thủ lợi ích từ Bắc Kinh, đồng thời muốn Mỹ nhìn nhận lại đồng minh Philippines một cách bình đẳng hơn.

Ngay cả tại Mỹ, các chính trị gia cũng bàn nhiều về quan hệ nhân quả giữa “trách nhiệm quá lớn” và gánh nặng trên vai Mỹ trong quan hệ với các đồng minh (có Philippines).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các phát ngôn “gây sốc” của ông Duterte với Tổng thống Mỹ Barack Obama; khẳng định không muốn tập trận chung với Mỹ và các nước ở biển Đông; muốn quân đội Mỹ đóng ở Mindanao phải rời đi với hàm ý sự có mặt của quân đội Mỹ có thể khiến tình hình căng thẳng hơn... sẽ đẩy Philippines vào thế đối diện với nhiều rủi ro.

Rủi ro ra sao phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2017. Giáo sư Alexander Vuving, chuyên gia nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ), từng nhận định nước Mỹ sẽ chọn lựa “cây gậy” hay “củ cà rốt” trong điều chỉnh quan hệ với Philippines.

Philippines sẽ tiếp tục nhận được “củ cà rốt” từ Mỹ, với những động thái xoa dịu đồng minh nếu Hillary Clinton - người có thể sẽ không có những thay đổi đáng kể so với chính sách đối ngoại so với ông Obama - thắng cử. Nếu Donald Trump vào Nhà Trắng vào năm sau, người chuộng quan điểm “đồng minh phải tự cứu lấy mình”, quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines đứng trước nguy cơ tan vỡ chóng vánh.

Philippines phải nhận thức được rằng “vị thế mới” trong quan hệ với Mỹ phải đi kèm năng lực tương thích. Muốn thi hành chính sách ngoại giao độc lập, muốn được xem là bình đẳng trong quan hệ đồng minh với nước lớn thì năng lực kinh tế - tài chính, quốc phòng, khả năng tự đảm bảo an ninh,... của Philippines cũng phải được đảm bảo tương ứng.

Nếu Mỹ (cùng các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Úc) không tiếp tục hoặc cắt giảm đáng kể hỗ trợ tài chính, các hoạt động kinh tế-thương mại, hiện đại hóa quân sự với Philippines sẽ để lại khoảng trống an ninh không nhỏ đối với nước này - điều mà Manila rất khó khỏa lấp. Trước một Trung Quốc tham vọng và khó lường ở biển Đông, Philippines sẽ khó khăn hơn bao giờ hết.

 

Làm ấm quan hệ với ASEAN

Dù tuyên bố cứng với Mỹ nhưng Manila thận trọng khẳng định không từ bỏ vai trò đồng minh với Washington.

Philippines đang cố gắng nâng cao tầm ảnh hưởng trong quan hệ với Mỹ nhưng không có dấu hiệu đẩy quan hệ với đồng minh hàng đầu vào thế bế tắc. Song song đó, không phải ngẫu nhiên mà Philippines thực hiện các chuyến thăm liên tiếp đến các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam.

Với việc tăng cường gặp mặt, trao đổi thông tin với Việt Nam hay các nước ASEAN, Nhật Bản và các quốc gia khác, Philippines chuyển đi thông điệp nước này đang nỗ lực triển khai một chính sách đối ngoại độc lập như đã tuyên bố.

Trong dài hạn, để thực hiện chính sách đối ngoại độc lập trước các nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc, Philipines cần gắn kết chặt chẽ với các nhân tố thứ ba như Nhật Bản (hay các quốc gia tương tự) và đặc biệt là ASEAN, mà trong đó Philippines cũng được xem là một lãnh đạo then chốt.

Các chuyến thăm song phương sẽ là cần thiết để trao đổi thông tin, tăng cường niềm tin giữa Philippines và các đối tác, khỏa lấp phần nào các rủi ro trong “canh bạc” của tổng thống Duterte.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm