Châu Âu: Thảm kịch nhập cư lậu

Theo số liệu từ Tổ chức Nhập cư Thế giới, 20 năm qua đã có ít nhất 20.000 người châu Phi bỏ mạng trong các chuyến hải hành qua Địa Trung Hải đến miền đất hứa châu Âu.

Những năm gần đây, số chuyến đi đầy rủi ro này càng nhiều vì làn sóng Mùa xuân Ả Rập. Theo số liệu từ Cao ủy LHQ về người tị nạn, chín tháng đầu năm 2013 đã có khoảng 35.000 người nhập cư trái phép từ châu Phi và Trung Đông vào đến châu Âu. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra gần 130 vụ tàu chở người nhập cư chìm trên Địa Trung Hải.

Những thảm kịch đau lòng

Tháng 4-2013, có 63 người chết đuối trên Địa Trung Hải khi tàu chở họ tiến về châu Âu gặp nạn. Một trong những thảm kịch hàng hải trên Địa Trung Hải xảy ra vào ngày 3-10 khi chiếc tàu chở hàng trăm người châu Phi đi qua Địa Trung Hải về nước Ý đã chìm tại vùng biển đảo Lampedusa, Ý. Hơn 360 người chết, chủ yếu là người Eritrea, Syria. Ngày 11-10, một tàu chở gần 300 người nhập cư trái phép chìm trong vùng biển đảo quốc Malta, khu vực gần đảo Lampedusa của Ý, khoảng 50 người thiệt mạng.

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều thảm kịch hàng hải xảy ra với các chuyến tàu chở người nhập cư trái phép từ châu Phi qua Địa Trung Hải vào châu Âu.

Theo chính sách hiện hành của Liên minh châu Âu (EU), người nhập cư trái phép sau khi vượt Địa Trung Hải thành công và đặt chân được đến EU thì mới được EU cho phép nộp đơn xin tị nạn.

Châu Âu: Thảm kịch nhập cư lậu ảnh 1

Cảnh sát Ý đang đưa một tàu chở người vượt biên trái phép từ các nước Bắc Phi vào bờ ở đảo Lampedusa, Ý. Ảnh: DAILYMAIL

Nhiều nghị sĩ EU từ lâu chỉ trích chính sách nhập cư của EU là thiếu nhân đạo và vi phạm luật pháp quốc tế. Theo nghị sĩ Marie Christine Vergiat trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng 11, ngăn người nhập cư vào châu Âu để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn bằng những biện pháp cứng rắn và làm áp lực để các nước thành viên thực hiện chính sách nhập cư hà khắc là không thực tế. Đã đến lúc EU phải có sự thay đổi trong chính sách nhập cư cho phù hợp với các giá trị dân chủ và các nguyên tắc mà các lãnh đạo EU giữ gìn, phù hợp với nghĩa vụ quốc tế.

Bên cạnh đề nghị thay đổi chính sách nhập cư, nghị sĩ Connie Ernst còn yêu cầu EU lập khung pháp lý dễ dàng hơn cho người nhập cư được vào và ở lại châu Âu, cải tiến hoạt động cứu hộ trên biển, lập các trung tâm đón và hỗ trợ ở biên giới châu Âu dọc Địa Trung Hải. Nghị sĩ Jürgen Klute thì đặc biệt lo ngại đến thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhập cư.

Châu Âu động lòng?

Ý, Malta, Hy Lạp - ba điểm đến chính của dân nhập cư trái phép từ lâu đã kêu gọi EU có chính sách hỗ trợ. Đầu năm nay, EU đã thống nhất sẽ nỗ lực hơn để giải quyết những làn sóng vượt biên trái phép vào châu Âu.

Động thái mới nhất, trong một nỗ lực ngăn chặn các thảm kịch chìm tàu, tháng 12, EU đã đưa vào thực hiện hệ thống giám sát biên giới châu Âu (Eurosur), tăng cường tuần tra và cứu hộ trên biển.

Sau thảm kịch chìm tàu tại vùng biển đảo Lampedusa, Ủy ban châu Âu (EC) đã xúc tiến bàn bạc các biện pháp nhằm giảm thiểu những chuyến tàu vượt biên trái phép đầy hiểm nguy từ châu Phi qua Địa Trung Hải đến châu Âu. Đề xuất các biện pháp này được EC công khai vào ngày 4-12 và sẽ được nghị viện châu Âu bàn thông qua tại hội nghị thượng đỉnh EU ngày 18 và 19-12 tại Bỉ tới đây.

Một trong những điều khoản trong đề xuất là mở rộng cho phép dân ngoài EU được tị nạn tại các nước châu Âu. Mỗi cá nhân được nhận tị nạn sẽ được hỗ trợ 6.000 euro cho chi phí di chuyển họ bằng máy bay từ các trại tị nạn hoặc từ các vùng có xung đột ở quê nhà sang châu Âu và tái định cư cho họ. Hiện chỉ có một ít nước thành viên có chương trình tị nạn cho dân Syria. Theo EC, năm 2012, EU chỉ đồng ý nhận chưa tới 5.000 người tị nạn vào, so với 50.000 người được Mỹ nhận vào.

Bên cạnh đó, EU sẽ tăng cường tuần tra Địa Trung Hải. Cơ quan tuần tra biên giới châu Âu Frontex (sẽ quản lý Eurosur) sẽ huy động tàu thuyền từ các nước thành viên để tuần tra Địa Trung Hải, đặc biệt vùng biển từ đảo quốc Cyprus đến Tây Ban Nha, tuyến đường đi đến châu Âu của dân các nước Bắc Phi và Tây Phi. Theo EC, EU sẽ phải mất khoảng 14 triệu euro mỗi năm để thực hiện đề xuất này. Theo đó hằng năm tổ chức cảnh sát châu Âu Europol sẽ được nhận khoảng 400.000 euro để điều tra, truy quét các mạng lưới buôn người.

EC cũng kêu gọi EU nỗ lực hơn nữa trong phối hợp với các nước châu Phi quản lý và hạn chế nhập cư trái phép từ châu Phi vào EU. Hiện EU đã có thỏa thuận hợp tác với Tunisia và Morocco. Tuy nhiên, Libya - điểm xuất phát của nhiều chuyến tàu mạo hiểm vượt biên trái phép qua Địa Trung Hải vào EU nhất - lại là nước khó đàm phán để có thỏa thuận hợp tác nhất vì lý do bất ổn chính trị. Libya là nơi trung chuyển dân từ các nước châu Phi, từ đó vượt Địa Trung Hải vào châu Âu. Tuyến đường này là nơi đã diễn ra rất nhiều thảm kịch hàng hải.

Nhiều hy vọng

Ủy viên châu Âu phụ trách đối nội Cecilia Malmström kêu gọi các nước thành viên thống nhất thông qua đề xuất. Trước đây EC cũng đã từng có nhiều sáng kiến hạn chế nhập cư trái phép, tuy nhiên không nhận được sự đồng thuận của tất cả thành viên. Dù thế, bà Elizabeth Collett, Giám đốc Viện Chính sách nhập cư châu Âu, nhận định đề xuất lần này có nhiều khả năng được thông qua vì ban soạn thảo gồm tất cả thành viên EU.

Ông Michael Diedring, Tổng Thư ký Hội đồng Người tị nạn và lưu vong châu Âu, hoan nghênh đề xuất mở đường cho người ngoài châu Âu tị nạn một cách hợp pháp của EC sẽ không những giúp người nhập cư mà còn ngăn chặn nạn buôn người. Vì để được lên các chuyến tàu này dân các nước châu Phi phải trả một khoản tiền không nhỏ cho những kẻ buôn người, do đó cho họ cơ hội được tị nạn đồng nghĩa sẽ hạn chế được nạn buôn người.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đề xuất trên chỉ gây khó thêm cho người nhập cư và rốt cục chỉ nhằm bảo vệ châu Âu khỏi làn sóng người nhập cư. Chẳng hạn, việc Frontex tăng cường tuần tra trên Địa Trung Hải sẽ chỉ khiến người nhập cư phải có chuyến đi dài hơn, nguy hiểm hơn (vì phải trốn tránh lực lượng tuần tra) để đến được châu Âu, theo nghị sĩ EU Ska Keller.

Có ý kiến cho rằng nếu thật sự EU có thiện chí hãy tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người muốn tị nạn nộp đơn xin xem xét. Chẳng hạn, có thể học hỏi mô hình của Thụy Sĩ - nơi tỉ lệ người tị nạn trên dân địa phương gấp đôi mức trung bình của châu Âu - cho phép người muốn tị nạn nộp đơn tại các đại sứ quán của mình ở các nước.

Còn theo bà Ska Keller, EU nên cho phép người nhập cư vào châu Âu bằng thị thực thông thường, sau đó hỗ trợ họ thủ tục pháp lý để họ xin tị nạn sau khi vào châu Âu, vì có thể họ sẽ không dám xin tị nạn khi còn ở nước mình.

Không chỉ Địa Trung Hải mà sa mạc Sahara cũng là một tuyến đường nguy hiểm của những người di cư vì đây là tuyến đường dân di cư, đặc biệt từ Cộng hòa Niger (Tây Phi) thường vượt qua để đến được các nước Bắc Phi rồi từ đó lên tàu vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Tháng 10, Niger đã phát hiện gần trăm thi thể chết khát trên sa mạc Sahara khi xe chở họ bị hỏng giữa sa mạc. Trong tháng 11, Niger đã cứu hộ hàng trăm người di cư bị nạn trên sa mạc này và chuyển trả họ về lại quê nhà. Giữa tháng 11, Niger đã bắt 30 người liên quan đến hoạt động buôn người, trong đó có nhiều nhân viên quốc phòng và an ninh nước này. Chính phủ thừa nhận hoạt động của các mạng lưới buôn người có sự giúp sức của một số nhà chức trách.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm