Chiến tranh Iraq: Mỹ rút mà không lui

Cuộc chiến do Mỹ phát động và kéo dài hơn 7 năm qua tại Iraq đã lật sang một khúc quanh mới, khi sứ mệnh tác chiến của quân Mỹ chính thức kết thúc vào ngày 31/8/2010, theo quyết định của Tổng thống Barack Obama.

Như vậy, ông Obama đã giữ đúng lời hứa của mình trong cuộc vận động tranh cử cũng như cam kết của ông khi bước vào Nhà Trắng với tư cách Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.

Chiến tranh Iraq: Mỹ rút mà không lui ảnh 1

Chỉ có điều, chiến sự và tình trạng rối ren ở Iraq chưa thể chấm dứt và không biết đến khi nào mới chấm dứt.

Đó là một hệ lụy lâu dài mà cuộc chiến của Mỹ để lại cho đất nước Tây Á này.

Cũng vì vậy, người Mỹ không thể tuyên bố kết thúc nhiệm vụ tác chiến của họ ở Iraq trong ánh hào quang của chiến thắng.

Cách đây hơn 7 năm, vào ngày 20/3/2003, với thế áp đảo về sức mạnh quân sự theo thuyết "đánh đòn phủ đầu" của Tổng thống Mỹ khi đó là W.G. Bush, lực lượng liên quân, do Mỹ và Anh cầm đầu, đã tiến vào Iraq, lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein.

Ném cả nghìn tỉ USD và hơn 100.000 binh lính (có lúc lên đến 170.000 quân) vào chiến trường này (chưa kể chi phí và binh lính của các nước khác trong lực lượng liên quân), Mỹ đã thu được gì sau hơn 7 năm tác chiến, ngoài việc tiêu diệt được Saddam Hussein và chế độ của ông?  Được gì thì chưa rõ, nhưng mất thì hiển nhiên - mất lòng tin, mất tiền, mất của và nhất là mất người. 4.415 binh sĩ Mỹ (theo thống kê của Lầu Năm Góc) đã chết trận (chưa kể khoảng từ 80.000 đến 100.000 thường dân Iraq bị thiệt mạng). Mà cuối cùng, Mỹ vẫn bị sa lầy ở Iraq.

Dẫu sao, với quyết định chấm dứt nhiệm vụ tác chiến của quân Mỹ tại Iraq kể từ ngày 31/8/2010, chú Sam đã rút được một chân ra khỏi vũng lầy.

"Giờ là lúc lật sang một trang mới", Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố như vậy trong diễn văn đọc tại Nhà Trắng cùng ngày.

Rõ ràng, quyết định kết thúc sứ mệnh tác chiến của quân Mỹ tại Iraq là một sự lựa chọn khôn ngoan, dẫu  là bất đắc dĩ, xét từ góc độ Mỹ rút đi mà không giành được chiến thắng, đồng thời để lại một đất nước Iraq đầy bất ổn về chính trị và an ninh.

Đài BBC dẫn lời Đại sứ Iraq tại Mỹ, ông Samir Sumaidaie, nói rằng: "Đây không phải là việc đã làm xong, từ khía cạnh Iraq hay Hoa Kỳ. Không có người Mỹ nào tin rằng sứ mệnh của Hoa Kỳ đã hoàn thành ở Iraq". Tuy nhiên, ông Samir Sumaidaie vẫn đón nhận quyết định Mỹ chấm dứt nhiệm vụ tác chiến tại Iraq như một tin vui, với lời xác nhận: "Đây là một bước ngoặt, giống như một biểu tượng khắc vào đá vậy".

Người Iraq không khỏi lo sợ trước một tương lai bất ổn, nhưng họ vẫn cảm thấy sung sướng khi Iraq thật sự là một quốc gia độc lập và có chủ quyền.

''Iraq ngày hôm nay toàn vẹn lãnh thổ và độc lập". Thủ tướng Iraq Maliki đã tuyên bố như vậy trong một bài diễn văn trên truyền hình ngày 31/8/2010.

Trong khi đó, một người dân ở Baghdad nói với phóng viên Hãng tin Reuters rằng, ngày nào lính Mỹ còn có mặt ở Iraq, ông xem ngày đó đất nước vẫn còn bị chiếm đóng.

Còn người dân Mỹ, nhất là những gia đình có người thân tham chiến ở Iraq, chắc chắn đã rất vui mừng trước sự kiện này. Dẫu nguy cơ thương vong không phải là đã hết đối với khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ còn ở lại Iraq cho tới cuối năm 2011 (để cố vấn và giúp đỡ các lực lượng an ninh sở tại, hỗ trợ binh sĩ Iraq trong các sứ mệnh chống khủng bố, cũng như bảo vệ thường dân Mỹ ở Iraq), các tầng lớp dân chúng Mỹ vẫn có cơ sở để tin và hy vọng rằng con số thống kê 4.415 lính Mỹ chết trận tại Iraq sẽ được khóa lại.

Chưa đến thời điểm quân Mỹ làm lễ cuốn cờ, đánh dấu việc triệt thoái toàn bộ sự có mặt về quân sự của họ khỏi Iraq như họ đã từng làm ở Việt Nam năm 1973, sau Hiệp định hòa bình Paris, nhưng việc Lữ đoàn Stryker - đơn vị tác chiến cuối cùng của quân Mỹ (với hơn 40.000 quân) - đã rút khỏi Iraq qua ngả Kuwait hôm 19/8 cũng được coi là dấu mốc quan trọng. Sự kiện này không chỉ để thực hiện quyết định chấm dứt hoạt động tác chiến của quân Mỹ, có hiệu lực từ ngày 31/8/2010, mà còn báo hiệu sự khép lại của một chương sử chiến tranh không lấy gì làm hãnh diện của Mỹ tại Iraq.

Chiến tranh Iraq, xét từ góc độ tham chiến của người Mỹ, đã chấm dứt, nhưng hội chứng Iraq, dù không so được với hội chứng Việt Nam,  vẫn sẽ ám ảnh nước Mỹ.

Trong diễn văn ngày 31/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố các lực lượng Mỹ cùng với người Iraq và các đối tác đồng minh đã "hy sinh lớn lao", đã chiến đấu nhằm giúp Iraq kiến tạo một "tương lai tốt đẹp hơn".

Thế nhưng, người Iraq chưa nhìn thấy cái "tương lai tốt đẹp" ấy. Trước mắt họ vẫn là một đất nước bị kiệt quệ vì chiến tranh tàn phá, bị chia năm xẻ bảy vì những bất đồng về chính trị và đức tin, trong khi  mối họa chết chóc vẫn đang treo lơ lửng trên đầu...

Chiến tranh Iraq: Mỹ rút mà không lui ảnh 2

Lữ đoàn chiến đấu của Mỹ rời Iraq

Đài BBC ngày 31/8/2010 mô tả: "Gần như hàng  ngày đều có các cuộc tấn công vào các lực lượng của Iraq, cảnh sát giao thông ở Baghdad và trong tỉnh Anbar, giết hại hơn 85 người trong 3  tuần đầu của tháng 8”.

Mọi hệ lụy mà cuộc chiến tranh do Mỹ phát động để lại cho đất nước Iraq, người dân Iraq phải gánh trọn.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không "rũ áo" ra đi. Nói cách khác, Mỹ không chịu "trắng tay" trong "canh bạc" quá tốn kém suốt hơn 7 năm qua ở Iraq.

Iraq vẫn là một mắt xích quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực không chỉ giàu dầu lửa mà còn có vị trí cực kỳ trọng yếu về địa chính trị và địa an ninh này.

Chính quyền Mỹ đã trù tính cẩn thận cho kế hoạch hậu chiến ở Iraq với mục tiêu không để tạo ra một "khoảng trống chiến lược" ở Tây Á.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ PJ Crowley, theo BBC, đã nói trên kênh truyền hình MSNBC: "Chúng tôi chấm dứt chiến sự, nhưng không chấm dứt công việc tại Iraq. Hoa Kỳ có cam kết lâu dài tại Iraq”.

Như vậy, dù quân Mỹ sẽ rút hết khỏi Iraq vào cuối năm 2011 như lịch trình đã được công bố, người Mỹ vẫn sẽ có mặt lâu dài tại đất nước này.

Thế là Mỹ rút, nhưng không lui.

Theo Nguyễn Quốc Uy (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.