Chính phủ Mỹ mắc kẹt trong thỏa thuận hạt nhân Iran

Chính phủ Mỹ đang mắc kẹt trong thỏa thuận hạt nhân Iran, hãng tin AP (Mỹ) nhận định trong một bài viết ngày 10-4.

Mỹ hiện đang trong quá trình thực hiện và củng cố thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Mỹ cũng đang hứng nhận nhiều chỉ trích từ nhiều phía: Iran, châu Âu, châu Á, Trung Đông, đó là chưa nói là nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ, trong đó có cả những người đã từng ủng bộ thỏa thuận.

Theo thỏa thuận này, Iran chấp nhận ngừng chương trình hạt nhân, đổi lại Mỹ ngừng các lệnh trừng phạt nhắm vào chương trình hạt nhân Iran. Tới thời điểm này Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận.

Tuy nhiên, Iran ca cẩm lợi ích kinh tế từ việc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân vẫn khiêm tốn, không đủ như Iran đã kỳ vọng, vì Mỹ vẫn duy trì trừng phạt các thái độ quân sự khác của Iran.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cáo buộc Mỹ không thực hiện bổn phận của mình đã thống nhất trong thỏa thuận.

Theo trang tin GulfNews (UAE) ngày 10-4, ngay sau khi các lệnh trừng phạt chương trình hạt nhân Iran được dỡ bỏ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nhanh chóng thông báo đến các công ty phương Tây mong được hợp tác. Nhưng tất cả đến giờ này vẫn chỉ dừng lại ở mức thông báo.

Lý do là gì các chính phủ, công ty, ngân hàng lớn ở châu Á và châu Âu hiện vẫn đang chần chừ làm ăn với Iran vì chưa biết chắc số phận các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ sẽ thế nào.

Các nước muốn có một chỉ dẫn rõ ràng về luật pháp và các quy định tài chính của Mỹ mà họ được phép làm, cũng như muốn có một lời hứa rằng Mỹ sẽ không phạt nếu họ làm ăn với Iran.

Một số lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Francois Hollande đã từng đặt nêu vấn đề này với cá nhân Tổng thống Obama.

Lo ngại này càng tăng trong bối cảnh Mỹ sắp bầu cử tổng thống, mà đảng Cộng hòa đã dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận Iran nếu tổng thống mới là người đảng này.

Vì phàn nàn của Iran và lo lắng của các nước, chính phủ Mỹ đang cân nhắc làm rõ các quy định tài chính trong làm ăn với Iran.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - những người trực tiếp thương lượng thỏa thuận - cho rằng chính phủ Mỹ cần phải tuân thủ nội dung và tinh thần của việc hủy bỏ trừng phạt chương trình hạt nhân Iran.

Theo họ, Iran đã tuân thủ đúng thỏa thuận thì Mỹ cũng phải tôn trọng thỏa thuận dù Iran có tiếp tục các hành động quân sự khác đi nữa. Hai bộ trưởng còn để ngỏ khả năng dỡ bỏ thêm trừng phạt, nhằm giúp các nước tự tin làm ăn với Iran.

Biếm họa của NATE BEELER rằng Mỹ đã bị Iran lợi dụng trong thỏa thuận hạt nhân. Chú thích: Israel must be wiped out!-Iran = Israel phải bị xóa sạch!-Iran; Thanks for letting me to use your pen again! = Cám ơn vì cây viết của ông; Nuke Deal = Thỏa thuận hạt nhân.

Chưa đủ căng thẳng trong thực hiện bổn phận của mình trong thỏa thuận với Iran, Mỹ cũng đang rất căng thẳng đối phó với làn sóng chỉ trích từ các nghị sĩ và các đồng minh.

Từ ngày Mỹ đạt thỏa thuận với Iran đến nay, Tổng thống Obama thường xuyên nhận được chỉ trích từ các nghị sĩ Cộng hòa.

Mới đây nhất, ngày 10-4, nghị sĩ Cộng hòa Richard Hudson viết một bài báo chỉ trích thỏa thuận này đang đe dọa an ninh toàn thế giới khi nhà tài trợ khủng bố toàn cầu Iran đang tiếp tục làm bất ổn Trung Đông.

Israel cũng như các bên ủng hộ Israel, các nước Ả Rập đang điên đầu vì Iran vẫn tiếp tục thử tên lửa đạn đạo và ủng hộ nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, chính phủ tổng thống Syria Bashar Assad, nhóm phiến quân Houthi ở Yemen. Với các nước này, Iran vẫn chưa bớt nguy hiểm sau thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.

Rất nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ cũng đồng ý điều này và yêu cầu chính phủ gia tăng trừng phạt Iran.

Lo ngại càng cao khi ngày 10-4, Ngoại trưởng Iran Moham­mad Javad Zarif khẳng định chương trình tên lửa Iran là “năng lực quốc phòng của Iran và không thể thương lượng”.

Chính phủ Mỹ dù thừa nhận Iran vẫn còn nguy hiểm với việc thử tên lửa và có các hoạt động quân sự làm bất ổn Trung Đông nhưng khẳng định thỏa thuận hạt nhân đã làm giảm bớt sức đe dọa của Iran. Nếu không có thỏa thuận này, tình hình sẽ còn bất ổn và nghiêm trọng hơn.

Chính phủ Mỹ trấn an hiện vẫn tiếp tục lên án và cố gắng trừng phạt các hành động quân sự khác của Iran nằm ngoài lĩnh vực hạt nhân, như việc Iran ủng hộ các nhóm mà Mỹ liệt vào hàng khủng bố và thái độ thù địch với Israel - đồng minh của Mỹ.

Những điều trên cho thấy đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Mỹ-Iran là một phần di sản của Tổng thống Mỹ Obama. Tuy nhiên, chính phủ ông Obama đang mắc kẹt với áp lực lớn phải làm hài lòng tất cả các bên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm