Cuộc chiến giành vùng đánh bắt cá trên biển Đông

Nạn đánh bắt hải sản trộm được dự đoán sẽ tồi tệ hơn khi nhu cầu cá tăng lên và các nước trở nên quyết đoán hơn trong việc thực hiện quyền của mình ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Kể từ cuối năm 2014, Indonesia đã bắt 153 tàu đánh bắt trộm. Vào tuần trước, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng đã triệu tập đại sứ của Trung Quốc sau khi phát hiện khoảng 100 tàu đánh cá Trung Quốc trái phép vùng biển ngoài khơi tỉnh Sarawak. Argentina vào tháng trước còn đánh chìm một tàu đánh bắt cá trộm của Trung Quốc trong vùng EEZ của nước này.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc ước tính giá trị của thương mại cá toàn cầu năm ngoái lên tới khoảng 130 tỉ USD. Khi dân số ở Trung Quốc và Đông Nam Á phát triển, người tiêu dùng trở nên giàu có và sáng suốt hơn về chế độ ăn uống, áp lực về nguồn cá tự nhiên ở biển Đông sẽ nặng nề hơn. “Sẽ có ít hải sản được đánh bắt tự nhiên ở Đông Nam Á trong tương lai và xuất hiện nhiều cá nuôi hơn” - chuyên gia thủy sản của FAO Simon Funge Smith nói.

Theo một nghiên cứu năm 2015 của ĐH British Columbia, biển Đông cung cấp ít nhất 10 triệu tấn cá hoặc 12% tổng sản lượng toàn cầu mỗi năm nhưng con số thực có thể cao hơn nhiều vì nạn đánh bắt cá trộm bất hợp pháp.

Sự suy giảm của thị trường cá có tác động tiêu cực vì hải sản là nguồn thu nhập chính của hàng triệu người nghèo ở các vùng ven biển. Ngoài ra, việc đánh bắt không được kiểm soát và sử dụng những phương pháp bất hợp pháp như cho dùng chất nổ phá hủy nơi sinh sản của cá còn gây ra sự thiếu hụt trầm trọng.

Tại Philippines, 10/13 ngư dân bị chỉ định đã đánh bắt quá mức. Hậu quả là số lượng và kích thước của các loài cá, chẳng hạn như cá mòi và cá nục đang thu hẹp lại. Số liệu từ Cục thủy sản cho thấy rằng số lượng đánh bắt trung bình hằng ngày của một ngư dân Philippines đã giảm xuống còn 4,76 kg, so với 20 kg vào những năm 70.

Philippines có một hạm đội khoảng 1.000 tàu thuyền thương mại phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm đóng hộp đang bùng nổ và yêu cầu cá ngừ chất lượng cao của Nhật Bản. Mỗi thuyền đem về một mẻ lưới tương đương với 65 thuyền phao và những con cá thường quá nhỏ để tái sản xuất, đe dọa sự tồn tại của thị trường hải sản.

Cá được bày bán tại một khu chợ ở thành phố Paranaque, Philippines. Ảnh: EUROPEAN PRESSPHOTO AGENCY

Việt Nam nằm trong tốp 5 những nhà xuất khẩu thủy sản của thế giới, cùng với Indonesia và Thái Lan, có ngành công nghiệp sản xuất ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giá trị xuất khẩu hải sản (bao gồm loài được nuôi) của Việt Nam đạt 6,57 tỉ USD trong năm 2015.

Indonesia, nơi đánh bắt cá ngừ lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 100.000 tấn cá ngừ mỗi năm. Nhưng trong khoảng 5.400 tàu đánh bắt trong vùng biển Indonesia, có đến 90% tàu không có giấy phép, gây thiệt hại 25 tỉ USD mỗi năm.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng các vùng biển khiến quyền ngư nghiệp cũng bị đe đọa. Trong khi các nước hình thành vành đai của biển Đông như Malaysia, Brunei và Philippines có thể đòi quyền vùng EEZ của mình, Trung Quốc lại sử dụng đường lưỡi bò để tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng biển Đông. Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố rằng đường lưỡi bò đại diện cho “ngư trường truyền thống” của đất nước mình.

Các quốc gia ở Đông Nam Á đang cố gắng giám sát ngư trường của mình, dẫn đến những trường hợp đối đầu trên biển. Các tàu tuần tra trong khu vực đành bất lực vì thủy thủ đoàn và thiết bị hạn chế.

Ngư dân từ miền nam Philippines đã mạo hiểm hơn 500 km đến vùng biển xung quanh quần đảo Sulawesi của Indonesia để đánh bắt trộm, thường thì họ treo cờ Indonesia để qua mắt tàu tuần tra.

Philippines lại là nạn nhân chính của nạn đánh bắt trộm. Phía nam bãi cạn Scarborough, có hơn 300 tàu thuyền đánh cá Trung Quốc được phát hiện mỗi ngày. Để bảo vệ nguồn tài nguyên biển đang dần suy yếu, Philippines đã mua lại 100 tàu tuần tra mới để tăng cường giám sát.

Còn ở Indonesia, quan chức ngư nghiệp cấp cao Slamet Soebjakto nói với các phóng viên hồi tuần trước rằng chính phủ đang có kế hoạch cấm các tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vào vùng biển được coi là khu vực sinh sản của hải sản, bao gồm các khu vực ở Kendari, Sikakap và Natuna.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm