TÔI LÊN TIẾNG - KỲ CUỐI:

Danh tiếng và hiểm họa

Danh tiếng và hiểm họa ảnh 1

Phụ nữ Afghanistan tiếp tục đặt hi vọng của mình vào lá phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 10-2009. Tổng thống Hamid Karzai lại đắc cử lần nữa - Ảnh: Reuters

Thoạt tiên, chủ tịch Mojaddedi dường như không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Những chiếc micro vẫn mở ghi âm hết diễn tiến và rõ mồn một lời ông ta: “Tôi chẳng hiểu cô ta nói gì cả”. Ai đó ngồi cạnh ông ấy nói thầm: “Cô ta vừa giáng một cú đấm vào uy tín của những người jihad (thánh chiến Hồi giáo), bảo họ là những kẻ phản trắc...”.

Mojaddedi nổi giận: “Cô gái, xem cô đã làm gì thế này! Cô gây khó chịu cho mọi người ở đây! Cô nghĩ sao mà lại lăng mạ và làm thất vọng hết mọi người chứ? Cô sai rồi!”. Nhưng Mojaddedi đã lầm. Nhiều người trong hội nghị lại ủng hộ tôi.

Không xin lỗi

Giữa đám huyên náo, một góa phụ tên Ayeesha kéo tôi lùi ra sau và dùng thân mình che chắn cho tôi. Đứng giữa tôi và những kẻ tấn công, bà gào lên khi có một gã vung tay định đấm tôi: “Đây là con gái tôi, không được chạm vào nó! Đạo Hồi cấm mi chạm vào phụ nữ!”. Ayeesha thừa biết những kẻ tức giận này có thể hành động tàn bạo như thế nào. Sau này tôi mới biết em trai bà ấy đã thiệt mạng vì các lãnh chúa này.

Trong lúc đó, Abdul Rasul Sayyaf - một trong những lãnh chúa lớn và tai tiếng nhất từ thời nội chiến - rẽ đám đông bước ra trước hội trường mạt sát tôi: “Khi mi gọi những anh hùng đã giải phóng đất nước này là tội phạm thì ngay chuyện đó mi đã phạm tội rồi!”.

Mojaddedi chờ cho Sayyaf nói xong liền tống tôi ra khỏi hội nghị: “Cô gái này đã đi quá giới hạn của những gì được cho là phép lịch sự thông thường. Tôi tuyên bố trục xuất cô ta khỏi hội nghị, không cho tham gia thảo luận - ông xua tay trên đầu như thể đang đuổi ruồi - Đi ra! An ninh đâu? Đưa cô ta ra ngoài!”.

Trong khi Ayeesha cùng những người ủng hộ khác bao quanh tôi bảo vệ, một lãnh chúa la to đòi tôi phải xin lỗi. Mojaddedi đồng ý và buộc tôi phải xin lỗi trước hội nghị. Tôi không sợ hãi mà lại thấy phấn khích. Tôi đề nghị trả lại micro cho tôi, trong đầu có ý định tiếp tục bài diễn thuyết. Cảm nhận được ý đồ của tôi, Ayeesha cùng các thân hữu giữ tôi lại, ép tôi ngồi xuống. Bà biết rõ sinh mạng tôi đang lâm nguy.

Khi thấy tôi không chịu rút lại những lời đã nói, Mojaddedi càng nổi giận thêm: “Kìa, mi vẫn không xin lỗi à?”. Khi ông ta gọi tôi là “quân phản đạo”, tôi biết đã đến lúc phải rút lui.

Mạng sống mong manh

Những người ủng hộ tôi cùng một nhóm nhân viên LHQ đan cánh tay vào nhau thành hàng rào bảo vệ, đưa tôi ra khỏi gian lều bạt khổng lồ của hội nghị. Chúng tôi nhích từng bước một băng qua đám đông vẫn còn đang gào thét những lời chửi rủa và đe dọa. Cuối cùng, chúng tôi cũng ra được bên ngoài và lên một chiếc xe của LHQ.

Từ giây phút đó tôi không bao giờ sống an toàn được nữa. Khi ấy, tôi không nghĩ ngợi nhiều về chuyện này mà lại thấy hài lòng vì đã có thể vạch trần bản chất của hội nghị này. Tôi cũng bắt đầu nhận ra ngôn từ là vũ khí mạnh mẽ biết bao. Tôi phải tiếp tục nói lên sự thật vì những người dân Afghanistan, những người đã phải câm nín bấy lâu nay. Một trong những lý do mà bài diễn thuyết của tôi gây ra phản ứng điên cuồng như vậy chính vì tôi là phụ nữ, lại là một người rất trẻ.

Với những kẻ cực đoan Chính Thống giáo, phụ nữ chỉ là một nửa con người, một phương tiện chỉ để thỏa mãn mọi dục vọng của đàn ông, để đẻ con và làm việc quần quật trong gia đình. Họ không thể tin rằng một cô gái trẻ lại lột mặt nạ của họ ra trước mắt nhân dân Afghanistan.

Thoát khỏi cảnh hỗn loạn, tôi được các nhân viên LHQ đưa đến một ngôi nhà an toàn trong một khu vực an ninh và đắt đỏ của Kabul. Tôi rất buồn vì phải rời xa những cộng sự, nhưng bây giờ mà ở chung phòng ký túc xá với Nafas - cô bạn kiêm đại biểu tỉnh Farah cùng đoàn với tôi - thì quá nguy hiểm.

Chuyện hiển nhiên ngay đêm đó. Một toán người tức giận vì bài diễn thuyết của tôi đã xông vào ký túc xá đại học, nơi trú ngụ tạm thời cho các đoàn đại biểu khắp Afghanistan về tham dự Loya Jirga. Gậy gộc trong tay, họ lùng sục tìm tôi. Họ xông vào phòng, vừa chửi bới vừa truy vấn Nafas.

“Con đĩ đó đâu rồi? Chúng tao mà tìm ra thì nó đừng hòng toàn mạng!”. Bất chấp mọi giải thích của Nafas, đám người lục tung căn phòng, lật giường lên, vào luôn phòng tắm tìm kiếm tôi. Cuối cùng họ cũng rút lui. Đến lúc này thì đã thấy rõ là ngay cả Loya Jirga cũng không được miễn trừ trước bạo lực Afghanistan.

Sau biến cố này, người của LHQ đưa Nafas đến ở chung với tôi trong nhà an toàn, hay đúng hơn là nhiều nhà an toàn vì chúng tôi phải thay đổi chỗ ở liên tục. Họ định bố trí một số lính Mỹ đứng bảo vệ bên ngoài phòng, nhưng tôi phản đối ý định đó. Tôi nói nếu cần phải có lính gác thì xin bố trí binh sĩ là người Afghanistan.

Những người lính Afghanistan do LHQ huy động đến rất tử tế và họ khen ngợi bài diễn thuyết của tôi. Một anh lính tên Sayed Akbar còn mang cho tôi một chiếc áo khoác vì Kabul đang vào mùa đông giá lạnh. Anh ta còn cho tôi cuốn Thánh kinh Koran nhỏ làm vật hộ mệnh. Sau này anh trở thành người ủng hộ tôi rất nhiệt tình.

Dấn thân trên đường tranh đấu

Tôi không thể quay lại Loya Jirga ngày hôm sau. Nhưng trong khi chỗ ở của tôi được giấu kín, bài diễn thuyết và tên của tôi đã nổi tiếng khắp thế giới qua các kênh truyền thông quốc tế. Tôi chỉ có 90 giây để nói lên thông điệp của mình, nhưng bây giờ hàng triệu người đã nghe thấy. Ở nhà an toàn, tôi có thể theo dõi mọi tường thuật của báo chí Afghanistan, Đài BBC cùng các kênh phát thanh - truyền hình khác. Một nữ cảnh vệ của LHQ đưa tôi sang một căn phòng có tivi và thoăn thoắt chuyển từ đài này sang đài khác: “Hãy xem cô đã làm gì! Cô chính là tin sốt dẻo khắp mọi nơi”.

Với những kẻ cực đoan chính thống giáo, phụ nữ chỉ là một nửa con người, một phương tiện chỉ để thỏa mãn mọi dục vọng của đàn ông, để đẻ con và làm việc quần quật trong gia đình.

Cũng trong hôm đó, báo chí trong nước đưa tin theo nguồn cung cấp của cơ quan tình báo Afghanistan thông báo Malalai Joya là thành viên của một tổ chức phản động.

Cơ quan này - vốn là công cụ của những người jihad - tuyên bố sẽ điều tra cả cá nhân lẫn gia đình tôi. Tuy cơ quan tình báo chỉ hăm dọa chứ không hề tiến hành điều tra, chuyện đẩy gia đình tôi thành trung tâm sự kiện khiến tôi rất căng thẳng. Qua liên lạc điện thoại với gia đình ở Farah, mẹ tôi khóc nức nở bảo tôi phải thận trọng và tự bảo vệ. Cha tôi tự hào về tôi và ông nói sẽ ủng hộ bất cứ điều gì tôi làm.

Ngày 20-12-2003, khoảng 300 phụ nữ và thiếu nữ ở Farah đã tổ chức biểu tình ủng hộ bài diễn thuyết của tôi và phản đối chủ tịch Mojaddedi đã trục xuất tôi khỏi Loya Jirga. Họ đòi ông ta phải xin lỗi dân chúng Farah vì đã ngược đãi người đại diện của họ.

Sau khi nghe tôi trả lời phỏng vấn của Đài BBC sau ngày diễn thuyết, nhiều dân làng ở tỉnh Kapisa quyên góp tiền cho một phụ nữ đi xe buýt cả trăm cây số đến Kabul để tỏ lòng ủng hộ tôi. Tìm đến văn phòng BBC, chị ta nói với các phát thanh viên về ý nguyện của dân chúng Kapisa và BBC biến cuộc tiếp xúc này thành một cuộc phỏng vấn truyền thanh. Tiếng nói lẻ loi của tôi ngày từng ngày lại được cất lên và khuếch đại bởi nhiều người Afghanistan khác.

Những ngày ấy tôi trải qua nhiều cảm xúc khác nhau. Nhiều người, kể cả các nhân viên LHQ, đều khuyên tôi không nên quay lại Loya Jirga. Tôi hiểu được hiểm họa, nhưng cũng biết rằng cuộc đời tôi không là của riêng tôi nữa. Tôi có trách nhiệm không chỉ với nhân dân tỉnh Farah mà với cả đất nước Afghanistan. Sự im lặng của tôi sẽ đồng nghĩa với chiến thắng của các lãnh chúa - những kẻ thù của nền dân chủ. Thế là tôi kiên quyết đòi tiếp tục tham gia Loya Jirga.

Tôi nhớ mãi một câu mà văn hào Đức Bertolt Brecht đã viết trong vở kịch Cuộc đời Galileo: “Ai không biết sự thật thì chỉ là một kẻ khờ khạo. Ai biết sự thật mà gọi đó là dối trá lại chính là một tên tội phạm”. Tôi tin rằng chính phủ lâm thời Afghanistan thà chấp nhận tôi quay trở lại còn hơn là để cho sự oán hận chính quyền ngày càng lớn mạnh. Tôi, Malalai Joya, phải tiếp tục lên tiếng.

Theo AN NHIÊN (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm