Điều gì xảy ra nếu Nhật không tấn công Trân Châu Cảng?

Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt xem ngày Trân Châu Cảng bị Nhật tấn công, 7-12-1941, là “ngày ô nhục”, chính thức tuyên bố chiến tranh với Nhật, đưa nước Mỹ tham gia quân sự vào Thế chiến thứ II.

Vào “ngày ô nhục” 7-12-1941, Trân Châu Cảng bị 325 máy bay xuất phát từ sáu tàu sân bay của Nhật bất ngờ không kích. Có 2.402 binh sĩ Mỹ và 68 dân thường thiệt mạng, 1.282 binh sĩ bị thương, 188 máy bay bị phá hủy, 19 tàu chiến bị đánh chìm.

Để tạo đòn bất ngờ cho nước Mỹ, từ ngày 26-11, Nhật đã đưa đội tàu ngầm và tàu sân bay rời Nhật, áp sát Trân Châu Cảng.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt gọi ngày Trân Châu Cảng bị tấn công là “ngày ô nhục”.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt gọi ngày Trân Châu Cảng bị tấn công là “ngày ô nhục”. Ảnh: SALON

Tạp chí Time lúc đó đã gọi đó là “chiến thắng kinh hoàng”, “người bé nhỏ Nhật đã đánh hạ người to con Mỹ”. Tuy nhiên, người to con Mỹ đã phản pháo lại. Và trận đánh Trân Châu Cảng giờ bị xem là một “hành động khờ dại”, đưa Nhật vào một cuộc chiến không thể thắng, với kết thúc tàn khốc khi nước Nhật phải hứng hai quả bom nguyên tử khiến gần 220.000 người thiệt mạng.

Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tư lệnh Hải quân Nhật, là người ra kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng. Tác giả Steve Twomey của cuốn sách Đếm ngược với Trân Châu Cảng nhận định khả năng Đô đốc Yamamoto đã từng hy vọng việc phá hủy Trân Châu Cảng sẽ làm suy yếu sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như có thể thuyết phục Mỹ tham gia dàn xếp chính trị theo ý Nhật. Bằng không, ông Yamamoto cũng biết rõ Nhật không có cơ hội thắng được Mỹ trong một trận chiến lâu dài.

Trong bức thư gửi Bộ trưởng Hải quân Nhật ngày 29-9-1941, Đô đốc Yamamoto đã từng viết “Trong một cuộc xung đột kéo dài, nguồn lực của Nhật sẽ bị suy yếu, tàu chiến và vũ khí sẽ bị hư hại, mà nguồn cung cấp, thay thế lại không có. Nhật sẽ chỉ tàn tạ. Bất kỳ cuộc chiến nào mà cơ hội chiến thắng quá ít thì đều không nên đánh”.

Từ đó, Đô đốc Yamamoto đã hình dung ra một trận đánh phủ đầu, bất ngờ đến mức làm nhuệ khí, tinh thần của nước Mỹ xuống thấp tới mức không thể phục hồi. Đó là trận đánh Trân Châu Cảng.

Không may, nước Mỹ đã không mất tinh thần như Đô đốc Yamamoto hy vọng, mà còn bị trận tấn công làm cho kích động. Và Nhật đã phải lãnh hậu quả.

Đô đốc Nhật Isoroku Yamamoto – người thiết kế trận đánh Trân Châu Cảng.

Đô đốc Nhật Isoroku Yamamoto - người thiết kế trận đánh Trân Châu Cảng. Ảnh: PINTEREST

Mọi thứ có thể khác đi? Chưa có cuộc xung đột nào trong thời hiện đại đưa ra nhiều viễn cảnh lịch sử thay thế nhau như Thế chiến thứ II. Đã hàng thập kỷ qua, vẫn còn rất nhiều tác giả, các sử gia không chuyên, cả Hollywood nghiền ngẫm với các viễn cảnh: điều gì sẽ xảy ra nếu phe Trục - đế quốc Nhật, Đức Quốc xã, phát xít Ý - chiến thắng, nếu Đức Quốc xã đánh bại Xô Viết, nếu Mỹ không triển khai bom nguyên tử hoặc nếu Tổng thống Roosevelt không đưa nước Mỹ vào cuộc chiến?

Vậy nếu Nhật không tấn công Trân Châu Cảng thì sao? Theo tác giả Steve Twomey, khả năng lớn là rồi Nhật và Mỹ sẽ vẫn giao chiến với nhau.

Với đế quốc Nhật, Mỹ là một rào cản lớn đối với sự bành trướng của Nhật ở Thái Bình Dương. Nhật có một ham muốn tột bực là được khẳng định mình trên trường quốc tế như cách các cường quốc châu Âu đã làm ở các thế kỷ trước. Vào mùa hè năm 1941, Nhật đã đánh chiếm một dải lớn ở Đông Á, từ Mãn Châu -đông bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga - đến Triều Tiên ở phía bắc, đến cả nhiều nước Đông Nam Á ở phía nam.

Thời điểm đó, Mỹ áp dụng nhiều lệnh trừng phạt nhằm kiềm chế Nhật: cấm vận dầu và nhiều loại hàng hóa cần thiết cho Nhật sử dụng trong chiến tranh. Các lệnh trừng phạt này cũng như những cản trở của Mỹ đã khiến Nhật phải tăng cường bành trướng để tìm nguồn tài nguyên thay thế.

Nhật nhắm đến Đông Nam Á và biết chắc hành động này sẽ gặp phản ứng mạnh của Mỹ vốn lúc đó đang kiểm soát Philippines và một số đảo ở Thái Bình Dương.

Trong cuốn sách Không có lựa chọn nào khác ngoài chiến tranh: Cấm vận của Mỹ với Nhật và Sự nổ ra chiến tranh ở Thái Bình Dương, sử gia Roland Worth Jr. viết: “Đừng áp lên một sức mạnh quân sự lớn, một chính sách mà có thể dẫn chúng ta đến chiến tranh, trừ khi chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối mặt với sức mạnh đó”.

“Đừng ngạc nhiên khi họ quyết định trả đũa, khi họ tìm kiếm một thời điểm và địa điểm có thể gây ra sát thương và ô nhục lớn nhất”.

Những câu này dành cho cả Mỹ và Nhật với những chính sách và hành động cản trở của Mỹ với Nhật, với trận tấn công Trân Châu Cảng của Nhật với Mỹ, với hệ lụy au đó Nhật phải hứng chịu từ Mỹ.

Theo huyền thoại phi công, nhà văn Mỹ Charles Lindbergh (1902-1974), Tổng thống Roosevelt đã muốn chiến tranh với Nhật từ trước vụ Trân Châu Cảng.

Từ tháng 3-1941, Tổng thống Roosevelt đã thuyết phục Quốc hội thông qua luật cho các đồng minh ở châu Âu mượn vũ khí và tàu chiến để đấu với phe Trục. Tổng thống Roosevelt đã có nhiều tháng ngoại giao bí mật với Thủ tướng Anh Winston Churchill nhưng vẫn chưa chính thức tuyên bố tham gia chiến tranh.

Huyền thoại phi công Charles Lindbergh nhận định Tổng thống Roosevelt đã muốn chiến tranh với Nhật trước vụ Trân Châu Cảng. Ảnh: PINTEREST

Huyền thoại phi công Charles Lindbergh nhận định Tổng thống Roosevelt đã muốn chiến tranh với Nhật trước vụ Trân Châu Cảng. Ảnh: PINTEREST

Và vụ Trân Châu Cảng đã khiến Tổng thống Roosevelt không còn ngần ngại tuyên bố chiến tranh, theo ông Lindbergh. Đức - một đồng minh của Nhật trong phe Trục tuyên bố chiến tranh với Mỹ bốn ngày sau đó.

Nếu Mỹ không tham gia vào Thế chiến thứ II, có thể Nhật sẽ củng cố được vị thế của mình ở Đông Á và chiến tranh ở châu Âu có thể sẽ kéo dài hơn, theo ông Lindbergh.  

Trong nhiều thập niên vẫn tồn tại thuyết âm mưu xung quanh vai trò của Tổng thống Roosevelt trong trận Trân Châu Cảng. Có không ít sử gia theo chủ nghĩa hoài nghi nghi ngờ ông cố tình cản trở tình báo và hợp tác quân sự để xảy ra trận Trân Châu Cảng, cái cớ để Mỹ chính thức bước vào chiến tranh.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn NPR đầu tuần này, tác giả Jean Edward Smith -người viết tiểu sử cho Tổng thống Roosevelt bác bỏ nghi ngờ này. “Ông ấy đã hoàn toàn bị sốc. Không có chứng cứ gì Mỹ biết trước Nhật kéo đến Trân Châu Cảng”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.