Đối ngoại Obama: Thành công nhiều, thất bại không ít

Theo đánh giá của tạp chí Time (Mỹ), nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama được ghi dấu bằng một số thành tựu trong đối ngoại nổi bật, bên cạnh đó vẫn có một số sai lầm.

1. Dỡ bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam

Bước đi này được Time xếp đứng đầu danh sách. Time nhận định chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á và thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông đã thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam.

Việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam là một tín hiệu gửi đến Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không đứng yên để Trung Quốc thể hiện sức mạnh ở châu Á.

Tổng thống Barack Obama (phải) gặp Chủ tịch Trần Đại Quang trong chuyến thăm Việt Nam ngày 23-5.

Tổng thống Barack Obama (phải) gặp Chủ tịch Trần Đại Quang trong chuyến thăm Việt Nam ngày 23-5. Ảnh: REUTERS

Theo Time, nếu ông Obama thông qua được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian còn tại vị thì chính sách đối ngoại của ông ở châu Á có thể được coi là thành công toàn diện.

2. Khôi phục quan hệ với Cuba

Đây là một thành tựu khác về đối ngoại của Tổng thống Obama. 97% người dân Cuba đồng ý việc cải thiện quan hệ với Mỹ sẽ có lợi cho Cuba.

Động thái cải thiện quan hệ với Cuba đã làm gần 80% người dân Cuba yêu mến ông Obama, tương đương mức yêu mến dành cho Giáo hoàng Francis.

Tổng thống Barack Obama (trái) gặp Chủ tịch Cuba Raul Castro trong chuyến thăm Cuba tháng 3-2016.

Tổng thống Barack Obama (trái) gặp Chủ tịch Cuba Raul Castro trong chuyến thăm Cuba tháng 3-2016. Ảnh: FRONTPAGEMAG

79% người dân Cuba chưa hài lòng với kinh tế của đất nước. Trong nhiều năm, Cuba xuất khẩu hàng ngàn bác sĩ sang Venezuela để đổi lại 100.000 thùng dầu mỗi ngày cùng hàng tỉ USD tài trợ mỗi năm. Tiền từ Venezuela chiếm 15% GDP của Cuba. Hai năm trở lại đây chuyện này đã không còn khi Venezuela chìm ngập trong khó khăn, đói kém. Ông Obama đã nhìn thấy được điều này và quyết định nắm lấy cơ hội. Và thành công đã đến cùng với cầu nối là Giáo hoàng Francis.

3. Ký thỏa thuận hạt nhân với Iran

Trước khi các lệnh trừng phạt bị siết chặt năm 2012, Iran xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày. Đến năm 2014, lượng dầu xuất khẩu chỉ còn hơn một triệu thùng/ngày, cộng thêm vào đó là việc giá dầu giảm không phanh. Với một đất nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu như Iran - chiếm ¼ GDP thì đây là một thất thoát rất lớn.

Iran là nước có nền giáo dục tốt nhất Trung Đông, tỉ lệ người dân được giáo dục bài bản cao nhất khu vực. Tuy nhiên, điều này lại trở thành vấn đề khi thị trường không cung cấp đủ việc làm cho bộ phận nhân lực giáo dục cao này. Mỗi năm trung bình có 1,2 triệu thanh niên Iran học ra và phải đối mặt với thách thức tìm việc rất lớn khi tỉ lệ thất nghiệp ở Iran tới hơn 50% - tỉ lệ không chính thức do các tổ chức tư nhân thống kê. Thực tế này càng làm người dân Iran khó có thể chấp nhận việc chính phủ khăng khăng từ bỏ các lợi ích về kinh tế để theo đuổi chương trình hạt nhân.

Ông Obama biết được mình cần làm những gì. Bằng việc siết chặt trừng phạt và linh động trong cách tiếp cận, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã đưa được Iran trở lại bàn đàm phán với cán cân lợi thế nghiêng về phía mình hơn so với thời gian trước.

Thỏa thuận hạt nhân giúp mở đường cải thiện quan hệ Mỹ-Iran. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Joh Kerry tại LHQ ngày 19-4.

Thỏa thuận hạt nhân giúp mở đường cải thiện quan hệ Mỹ-Iran. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại LHQ ngày 19-4. Ảnh: EPA

Tám năm dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ từ chối mọi cuộc đàm phán với Iran chừng nào Iran không ngừng hoạt động làm giàu uranium. Với yêu cầu này, Iran không chỉ từ chối mà còn trả lời bằng cách càng mở rộng làm giàu hạt nhân. Từ vài trăm, Iran tăng lên vài ngàn máy ly tâm vào thời điểm ông Obama nhậm chức tổng thống năm 2009.

Ông Obama và chính phủ Mỹ biết rõ chỉ có thể can thiệp ngăn chặn sức mạnh hạt nhân Iran khi có một quyết định thực dụng: Từ bỏ điều kiện tiên quyết buộc Iran phải ngưng làm giàu uranium, thay vào đó thương lượng một thỏa thuận có thể chấp nhận được với cả Iran và Mỹ. Kết quả là thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đã xuất hiện.

Theo Time, quan hệ Mỹ với Iran dĩ nhiên sẽ chưa được cải thiện trong tương lai gần, tuy nhiên thỏa thuận hạt nhân đã giúp mở đường cho khả năng này, dù là về dài hạn.

4. Bế tắc với Triều Tiên

Vấn đề Triều Tiên có thể coi là một thất bại với ông Obama khi chẳng những không thể đưa Triều Tiên quay lại vòng đàm phán hạt nhân mà Triều Tiên còn manh động và hiếu chiến hơn với hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa, đặc biệt từ đầu năm 2016 đến nay.

Chỉ trong 10 tháng năm 2016, Triều Tiên đã hai lần thử hạt nhân, khoảng 20 lần phóng tên lửa và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Obama chẳng những không đưa được Triều Tiên quay lại đàm phán hạt nhân mà Triều Tiên còn manh động và hiếu chiến hơn.

Ông Obama chẳng những không đưa được Triều Tiên quay lại đàm phán hạt nhân mà Triều Tiên còn manh động và hiếu chiến hơn. Ảnh: KNCA

Mỹ và Triều Tiên từng bên bờ vực chiến tranh năm 1994 khi Mỹ lên kế hoạch ngăn chặn Triều Tiên thu thập nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân. Và giờ đây, viễn cảnh này vẫn còn đó khi thái độ thù địch của Triều Tiên với Mỹ không giảm mà còn ngày càng tăng, thường xuyên đe dọa tấn công phủ đầu hạt nhân Mỹ.

5. Quan hệ với Nga ngày càng xấu

Xử lý quan hệ với Nga và khủng hoảng Ukraine là một thất bại của chính phủ ông Obama. Cách tiếp cận đối đầu trực diện của Mỹ chỉ càng làm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thêm thủ thế.

Ông Putin dùng xung đột bên ngoài để tăng ảnh hưởng của mình ở trong nước. Kết quả khảo sát của Trung tâm thăm dò Pew (Mỹ) thực hiện mùa hè rồi cho thấy 88% người Nga vẫn tin ông Putin đang làm “điều đúng đắn” với các vấn đề đối ngoại. Hơn 80% người Nga đồng ý cách xử lý của ông Putin trong các quan hệ song phương với Mỹ, Ukraine, và với Liên minh châu Âu.

Cách đối đầu trực tiếp của Mỹ càng làm Nga thủ thế. Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) ngày 5-9.

Cách đối đầu trực diện của Mỹ càng làm Nga thủ thế. Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái)và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) ngày 5-9. Ảnh: AFP

Giá dầu giảm cộng với các lệnh trừng phạt đã đánh một đòn đau vào kinh tế Nga. Năm 2015, GDP của Nga giảm 3,7% trong khi tỉ lệ thất nghiệp tăng 7,4%.

Tuy nhiên, ông Putin vẫn có thể dùng tiền tích trữ từ thời điểm giá dầu còn cao - khoảng 600 tỉ USD - để chi tiêu cho các trường hợp khẩn cấp trong lúc ngặt nghèo này. Ước tính khoảng dự trữ này hiện còn hơn 375 tỉ USD.

Từ thực tế này và từ tỉ lệ ủng hộ đang còn cao ngất thì có vẻ ông Putin sẽ chưa cần phải cải thiện quan hệ với Mỹ, ít nhất trong thời gian gần.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.