Đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ tổn thương châu Á

Đồng tiền mạnh đồng nghĩa hàng hóa xuất khẩu sẽ trở nên đắt hơn, kém cạnh tranh hơn, sẽ dễ mất thị phần hơn so với hàng hóa các nước có đồng tiền yếu hơn. Hậu quả xảy ra với một nước có đồng tiền mạnh trong khi các đối thủ về sản xuất như Nhật, TQ có đồng tiền yếu hơn là tỉ lệ xuất khẩu - sự sống còn của nền kinh tế sẽ giảm mạnh.

Đồng nhân dân tệ giảm giá có thể dẫn tới chiến tranh tiền tệ khắp châu Á.

Đồng tiền mạnh sẽ khiến các sản phẩm công nghệ của các con hổ châu Á, như điện thoại Samsung của Hàn Quốc, linh kiện máy tính của Đài Loan trở nên đắt đỏ hơn tại các thị trường châu Âu, Mỹ - các thị trường lớn nhất.

Hiện xuất khẩu ở nhiều nước châu Á đã phải chịu ảnh hưởng dù cuộc chiến tranh tiền tệ ở châu Á chưa thành hình rõ rệt. Tỉ lệ xuất khẩu của Hàn Quốc tháng 12-2015 giảm 14% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tính cả năm 2015, tỉ lệ xuất khẩu Hàn Quốc giảm 8%, mức tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2009. Tỉ lệ xuất khẩu của Singapore giảm 6% trong quý IV-2015, của Đài Loan cũng giảm 10% trong năm 2015.

Do đó các nước phụ thuộc vào thương mại nước ngoài thường phải cân nhắc giảm giá đồng tiền mình một khi nó có dấu hiệu mạnh hơn các đồng tiền khác.

Một hệ lụy nữa của việc đồng tiền bị giảm giá là trái phiếu chính phủ kém đi sức hấp dẫn, khả năng huy động vốn đầu tư bằng phát hành trái phiếu không còn cao. Điều hấp dẫn của trái phiếu với các nhà đầu tư là lợi tức cao và sự ổn định của đồng tiền.

Hai điều này không còn thì họ sẽ không ngần ngại gì quay lưng với trái phiếu nước đó. Đây là điều đã xảy ra với trái phiếu các nước Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Sáu tháng qua, đồng won của Hàn Quốc và đô của Singapore đã giảm 5%, đô của Đài Loan giảm 7%. Thậm chí ở Ấn Độ - nền kinh tế đang nổi được các nhà đầu tư toàn cầu ưa chuộng nhất, đồng rupi cũng giảm giá 7%. Theo dự đoán của một số chuyên gia thì đồng tiền Singapore và Hàn Quốc sẽ giảm 20%-30% nữa.

Các nước này đang phải chịu áp lực giảm giá đồng tiền mình thêm nữa vì dự kiến đối thủ xuất khẩu chính là TQ sẽ chưa ngừng giảm giá đồng nhân dân tệ.

Theo New York Times, cuộc chiến tranh tiền tệ ở châu Á nếu xảy ra, đà tăng trưởng của châu Á - nơi từng hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 sẽ chậm lại rất nhiều trong năm nay và sau đó nữa. Việc Hàn Quốc và Singapore giảm xuất khẩu có thể là những dấu hiệu.

Hiện đã có hiện tượng một số tổ chức đầu tư đã bắt đầu rút tiền ra khỏi thị trường châu Á.

Kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ vì theo ý kiến của các chuyên gia ngoại hối thì cuộc chiến tranh tiền tệ ở châu Á nếu xảy ra sẽ làm suy giảm thêm nữa đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu - vốn đang bị đà suy yếu của kinh tế TQ kéo trì.

Đầu tuần trước, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,3% trong năm 2016 xuống còn 2,9%, cùng với đó là các nền kinh tế chính đều sẽ giảm tăng trưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm