Duterte thật sự nghĩ gì về tam giác Mỹ-Phi-Trung Quốc?

Tuần rồi trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có một loạt tuyên bố về việc sắp xếp lại chính sách đối ngoại Philippines theo hướng rời xa Mỹ, thân thiết hơn với Trung Quốc và Nga.

“Thưa quý vị, tại nơi này, tôi thông báo cắt đứt khỏi Mỹ cả về quân sự và kinh tế… Có thể tôi sẽ sang Nga để gặp Tổng thống Putin và nói với ông ấy rằng ba chúng ta Trung Quốc-Philippines-Nga có thể đối đầu cả thế giới”.

Đây không phải là lần đầu ông Duterte đe dọa chấm dứt quan hệ đặc biệt giữa Philippines với Mỹ. Đầu tháng này, ông Duterte cảnh báo ông đang chuẩn bị yêu cầu Mỹ rút quân khỏi một số căn cứ quân sự của Philippines.

“Mỹ đã hiện diện ở Philippines 50 năm. Họ có hội chứng thực dân, nghĩ rằng chúng tôi vẫn dưới quyền họ.” Philippines vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha, được Tây Ban Nha chuyển cho Mỹ từ năm 1898 và độc lập khỏi Mỹ từ năm 1946, tuy nhiên Mỹ vẫn duy trì quân tại đây.

Trước đó nữa, ông Duterte nói rằng đang cân nhắc khả năng mua một số loại vũ khí đặc thù từ Nga và Trung Quốc nếu Mỹ từ chối bán cho Philippines.

Tuy nhiên, kế hoạch tách khỏi Mỹ này của ông Duterte thực tế đến đâu? Báo Sputnik (Nga) đã trao đổi với một số chuyên gia về châu Á ở Nga để xác định điều này.

Sẽ vẫn đi hai đường để cân bằng lợi hại

Từ khi nhậm chức tổng thống Philippines, ông Duterte nổi danh trên truyền thông quốc tế chủ yếu vì những phát ngôn gây sốc về các lãnh đạo quốc tế, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Chuyên gia về châu Á Yuri Tavrovsky, Giáo sư tại ĐH Hữu nghị Nhân dân Nga nhận định những phát ngôn khó nghe của ông Duterte chỉ có thể khơi gợi sự thông cảm của người dân Philippines và cả người dân các nước đang phát triển.

“Nhiều người nói ông ấy là một người theo chủ nghĩa dân tộc, người khác nói ông ấy là người yêu nước. Là tổng thống do người dân Philippines bầu lên, ông Duterte bảo vệ các quyền lợi quốc gia của Philippines mà ông cảm thấy phù hợp.”

Chuyên gia Tavrovsky cho rằng trước khi đánh giá về vị chính khách phi đảng phái này, cần thiết nên cân nhắc mọi việc theo cách nhìn của ông Duterte. “Mỹ đưa Philippines đến bờ vực chiến tranh với Trung Quốc. Quý vị có thể tưởng tượng quy mô cuộc chiến hay không? Trung Quốc với tiềm lực quân sự đầy sức mạnh và Philippines với chỉ ba tàu chiến lạc hậu…”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 20-10.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 20-10. Ảnh: REUTERS

Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực bác tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, cũng như một số quyết định khác đã đẩy Philippines vào thế đối đầu với Trung Quốc. Mỹ thúc giục Philippines đứng lên vì quyền lợi của mình và Mỹ sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, Mỹ có thật sự hỗ trợ hay không vẫn còn là điều chưa rõ. Và theo chuyên gia Tavrovsky, có thể ông Duterte thấy rằng việc đưa đất nước vào một cuộc chiến với Trung Quốc là điều thật sự vô nghĩa và cố gắng tránh điều này.

Chuyến thăm và các phát biểu của ông Duterte tại Trung Quốc có thể xem là nhằm để tránh xung đột quân sự và ngoại giao với Trung Quốc, đồng thời cả bảo đảm quyền lợi của ngư dân Philippines vốn đang bị Trung Quốc cản trở đánh bắt ở biển Đông, theo chuyên gia Tavrovsky. Và “Trung Quốc dĩ nhiên sẽ hỗ trợ Philippines nếu Philippines không nêu vấn đề chủ quyền biển Đông ra”.

Trong khi đó, với các thỏa thuận hợp tác với Mỹ hiện tại, không có nhiều khả năng ông Duterte sẽ hủy bỏ chúng. “Duterte không phải là một người lý tưởng hóa, vì thế mà ông ta nói không muốn phá bỏ các thỏa thuận đang có với Mỹ. Ông ta sẽ đội cả hai cái mũ…” chuyên gia Tavrovsky nhận định.

Bằng chứng là ngày 22-10, sau khi rời Trung Quốc, ông Duterte đã lên tiếng minh định lại rằng không có chuyện cắt đứt quan hệ với Mỹ. “Tôi nói chia tách - cái tôi thật sự muốn nói đến là sự chia tách trong chính sách đối ngoại.”

Nga nên giữ vai trò thế nào trong tam giác Mỹ-Philippines-Trung Quốc?

Về khả năng hợp tác giữa Nga và Philippines, chuyên gia cấp cao Ekaterina Koldunova tại Trung tâm ASEAN thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nga cho rằng Nga “cần tận dụng mọi cơ hội mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á”.

Trong tình hình đó “cần thiết phải đối thoại với tổng thống Philippines, xác lập sự tương tác lớn hơn. Trong trường hợp như ông Duterte nói rằng muốn đa dạng hóa quan hệ kinh tế thông qua tăng đối thoại thì Nga không nên bỏ lỡ cơ hội này.” Theo chuyên gia Koldunova, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, trao đổi văn hóa, nông nghiệp, năng lượng mang tiềm năng lớn cho quan hệ Nga-Philippines.

Trong khi đó, trao đổi với báo Svobodnaya Pressa (Nga), GS Larisa Efimova nghiên cứu về châu Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Nga khá thận trọng khi nhận định về thái độ ngả về Trung Quốc của ông Duterte. Theo GS Efimova, “Philippines cần Trung Quốc để làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ để không bị Mỹ dắt mũi, phải đồng ý nhượng bộ về tài chính, đầu tư và cả ngoại giao với Philippines.”

Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines trong lễ khai mạc cuộc tập trận đổ bộ ở Manila ngày 4-10.
Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines trong lễ khai mạc cuộc tập trận đổ bộ ở Manila ngày 4-10. Ảnh: REUTERS

GS Efimova cho rằng cần thận trọng và cân nhắc kỹ với các tuyên bố của ông Duterte. Vì “Mọi tuyên bố đều có thể được đưa ra. Không ngạc nhiên chuyện bộ trưởng tài chính Philippines gần đây nói rằng chỉ lời nói thôi thì không đáng để tâm. Hôm nay họ có thể như này, ngày mai họ sẽ khác. Chúng ta nên chú ý đến thực tế Mỹ, dù tức giận ông Duterte nhưng đã không đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào, hay hủy bỏ bất cứ thỏa thuận nào với Philippines.”

Mặt khác, chuyên gia Efimova cho rằng trong bất cứ trường hợp nào, ông Duterte dù có thật sự muốn tách khỏi Mỹ thì cũng có nhiều lý do khiến ông phải e ngại, khi quân đội và phần lớn chính trị gia Philippines vẫn đang chịu ảnh hưởng của Mỹ.

“Tôi nghĩ ông ấy biết mình đang làm gì và sẽ không để đất nước phải chứng kiến một cuộc đảo chính hay buộc tội ông” - theo chuyên gia Efimova.

Đây cũng là điều được chuyên gia Tavrovsky đồng ý. Ông cho rằng ông Duterte biết rõ bên chịu hậu quả nặng nề hơn trong cuộc tranh cãi giữa ông với Mỹ quanh cuộc truy quét tội phạm ma túy của Philippines nhiều khả năng sẽ là ông.

“Chính sách đối với buôn lậu ma túy của Mỹ khác với của ông Duterte. Ông Duterte quyết định bảo vệ quyền lợi quốc gia dù làm Mỹ không hài lòng. Mọi người đều biết sự bất bình này có thể dẫn tới điều gì. Thêm nữa, tỉ lệ dân Philippines ủng hộ Mỹ cũng rất cao. Nếu Mỹ quyết định ra tay thì ông Duterte rất có thể sẽ mất quyền lực. Đó là lý do ông Duterte đã không lơ là tìm kiếm sự ủng hộ từ người dân Philippines”.

Dù thế nào, GS Efimova cảnh báo Philippines nếu có ý tách xa khỏi Mỹ thì cũng không nên nghiêng quá gần về Trung Quốc. Lý do, lượng thương nhân Philippines gốc Trung Quốc vốn đang kiểm soát phần lớn kinh tế Philippines. Và “nếu cán cân quá nghiêng về Trung Quốc, ảnh hưởng của người Trung Quốc sẽ nhấn chìm Philippines, điều này cực kỳ không tốt cho Philippines”.


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.