Khi tôn giáo chống biến đổi khí hậu

“Hãy cho tất cả chúng tôi một lòng sùng kính đối với Trái đất như là sự sáng tạo của riêng bạn - sự sáng tạo mà chúng ta có thể sử dụng nguồn tài nguyên của nó một cách đúng đắn trong việc phục vụ những người khác và cho chính danh dự và vinh quang của bạn”.

Lời nguyện cầu thành tâm thường xuyên ấy là của Sally Bingham - một nữ tu ở San Francisco. Nhưng chỉ một năm sau, khi trở thành một tu sĩ Anh giáo (Episcopal Church), bà Bingham nhận ra lời khẩn cầu thơ trẻ trước đó của mình có cái gì đó lạc lõng.

“Đó là trò đạo đức giả khủng khiếp” - bà nói, “Nó chẳng ăn nhập gì với những điều chúng tôi tin và ứng xử”. Điều này dày vò bà nhiều năm liền cho đến năm 1998 - khi ở tuổi 50, bà bắt tay hành động.

Đạo đức thay thế chính trị

Nữ tu Bingham thành lập Interfaith Power and Light (mạng lưới “Điện và Ánh sáng”), một chiến dịch quốc gia thúc đẩy “một phản ứng tôn giáo đối với sự nóng lên toàn cầu” quy tụ được 10.000 giáo đoàn ở 38 tiểu bang.

Khi tôn giáo chống biến đổi khí hậu ảnh 1

Tòa thánh Vatican lắp 2.700 tấm pin mặt trời và hy vọng năm 2014 sẽ trở thành nhà nước đầu tiên chỉ sử dụng năng lượng lấy từ mặt trời.

“Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề có tính thách thức nhất về mặt đạo đức của thời đại chúng ta” - bà nói trong một bài giảng về Ngày Trái đất tại nhà thờ Grace của San Francisco.

Trong khi chính trị bị chia rẽ trước tình trạng biến đổi khí hậu và chính phủ các nước thất bại trong việc thông qua một điều luật chung về khí hậu thì cộng đồng tín hữu đang trở thành một lực lượng mạnh mẽ tác động đến việc chuyển sang năng lượng xanh. Bằng cách tập trung vào giá trị chứ không phải là chính trị, họ trở thành những trợ thủ khổng lồ chống lại thảm trạng biến đổi khí hậu. Bà Bingham giải thích: “Nếu bạn được kêu gọi yêu thương người hàng xóm của bạn, bạn không gây ô nhiễm bầu không khí của vị láng giềng ấy”.

Tại Mỹ, hơn 300 nhà lãnh đạo tôn giáo đã ký vào thỏa ước bảo vệ khí hậu của những người Cơ đốc giáo nhằm kêu gọi hành động, trong đó có các nhà lãnh đạo của giáo hội như Rick Warren và Bill Hybels. Một cuộc thăm dò vào năm 2007 cho thấy 84% người theo đạo ủng hộ quy định về giảm lượng khí thải carbon.

Theo nhà hoạt động chính trị và tôn giáo John C. Green, môi trường sống của người theo Tin lành chính thống, Công giáo La Mã và những người Do Thái cải cách ngày càng tốt hơn. Lực lượng này chiếm 26% dân số Mỹ, bắt tay hành động bảo vệ môi trường do được tác động một cách sâu sắc từ tôn giáo của mình.

“Khi những người theo đạo ngày càng có tiếng nói nhiều hơn về biến đổi khí hậu, họ có khả năng để thay đổi vị trí của đảng Cộng hòa” - ông Green, Giám đốc Học viện Ứng dụng chính trị trong nghiên cứu tôn giáo C. Ray Bliss của Trường ĐH Akron và là ủy viên cao cấp Diễn đàn về Tôn giáo và Đời sống cộng đồng Pew, khẳng định.

Khi tôn giáo chống biến đổi khí hậu ảnh 2

Nữ tu Sally Bingham cạnh những tấm pin mặt trời trên mái nhà thờ chính tòa Grace ở San Francisco.

Những chuyển động tích cực

Dan Lashof, Giám đốc Trung tâm Khí hậu của Hội đồng Bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia Mỹ, cho rằng: “Cộng đồng tín hữu ưu tiên bảo đảm cho nước Mỹ đóng vai trò xác đáng vào những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển”. Nhiều chính sách về môi trường của chính phủ Mỹ phản ánh sự ảnh hưởng của tôn giáo. Mùa hè này, Thượng viện Mỹ đề xuất mức ngân sách hơn 1,2 tỉ USD đầu tư cho các nước đang phát triển để các nước này giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu, đẩy nhanh tiến độ thay đổi năng lượng sạch và giảm phá rừng nhiệt đới.

Phong trào hành động vì môi trường góp phần tích cực xóa đi sự chia rẽ tôn giáo. Mạng lưới những người có tín ngưỡng khác nhau (Interfaith) hợp lại phát động một chiến dịch nhằm xúc tiến dự án tái tạo yêu cầu “tăng cường sự kết nối giữa sinh thái học và đức tin”. Theo đó, nhà thờ sử dụng năng lượng mặt trời, giáo đường Do Thái sử dụng hệ thống địa nhiệt và thánh đường Hồi giáo xanh tuyệt đối ở thủ đô Washington.

Năm 2008, Vatican lắp 2.700 tấm pin mặt trời và hy vọng sẽ có được một nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời với công suất 100-megawatt vận hành vào năm 2014, trở thành nhà nước đầu tiên chỉ sử dụng năng lượng lấy từ mặt trời. Trung tâm văn hóa của thánh đường Hồi giáo Ground Zero ở TP New York dự định sẽ được chứng nhận thiết kế xây dựng xanh (LEED).

Bảo vệ môi trường bằng đức tin

Giống như mạng lưới giáo hữu Cơ đốc, mạng lưới “Điện và Ánh sáng” cũng dấn thân vào chính trị. Nữ tu Bingham thuyết phục Quốc hội ban hành dự luật về khí hậu và khuyến khích các nhà lãnh đạo tôn giáo nói về thay đổi khí hậu “như một vấn đề của đức tin, chứ không phải là một vấn đề của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ”.

Bà nói: “Nếu chúng tôi có thể đưa thông điệp đến các nhà lập pháp, chúng tôi sẽ có đóng góp vào việc xây dựng pháp luật về khí hậu tốt hơn so với giới hữu trách về môi trường hoặc, thậm chí còn hơn một nhà khoa học thực thụ”.

Bên ngoài lĩnh vực chính trị, các cộng đồng tín hữu cũng tiến hành các hoạt động tại các địa phương. Thông qua một chương trình gọi là Cool Congregations, các gia đình có đạo thi nhau trong việc làm giảm lượng khí thải carbonic. Họ hứa nghiêm chỉnh trên cơ sở đức tin thiêng liêng về việc giảm lượng carbon dioxide xuống 10%, xem như đó là số tiền thuế thập phân (tithe - một phần mười sản phẩm hằng năm trả thuế và ủng hộ giáo sĩ, nhà thờ vào ngày xưa).

Trong tháng 4, Giáo hội Thống nhất (Unity Church) ở Boulder, Colorado đã chuyển qua dùng năng lượng mặt trời. 130.000 USD được quyên góp để có kinh phí lắp các tấm pin mặt trời trên các tháp chuông nhà thờ. Trong những bài giảng và buổi học ngày Chủ nhật, linh mục Groverland yêu cầu các tín hữu của mình tham gia giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ngay trong cuộc sống cá nhân của bản thân bằng cách lái xe ít hơn, tiết kiệm nước và sử dụng loại bóng đèn tiết kiệm điện.

Giáo hội Thống nhất không ngần ngại việc dấn sâu vào đời sống chính trị của địa phương.Trong Hoạt động 350 ngày vì môi trường vào năm ngoái ở Boulder, Groverland và nhiều tín hữu của Giáo hội Thống nhất đã đạp xe đến nhà máy than đá gần Valmont để góp phần vào mục tiêu năng lượng sạch.

Trong cuộc bầu cử năm nay, Giáo hội Thống nhất ủng hộ một đề xuất của địa phương xung quanh vụ việc có liên quan đến chiến lược của công ty năng lượng Xcel Energy tại địa phương này và đồng ý để Boulder mua nhiều hơn năng lượng xanh. 

Phía sau chính trị, phong trào bảo vệ môi trường dựa trên đức tin đã “đơn giản hóa” một vấn đề vốn được xem là phức tạp như biến đổi khí hậu - đến mức dường như chỉ có tôn giáo mới có thể làm được. 

“Nếu bạn yêu hàng xóm của bạn, bạn không làm ô nhiễm không khí của người láng giềng ấy” - nữ tu Bingham nhắc lại, “và chắc chắn bạn không phá hủy sự ổn định cơ bản của các quốc gia nghèo trên thế giới”.

Đối với những nhà lập pháp không đưa ra nổi dự luật về khí hậu của liên bang, nữ tu Bingham dành cho họ những lời lẽ khắc nghiệt hơn: “Họ đang phạm những tội ác chống lại nhân loại”.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo scientificamerican.com)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.