Kỷ nguyên của Trump: Tương lai nào cho Hàn-Mỹ?

Ông Trump đã từng phát biểu chú trọng đến lợi ích Mỹ hơn là giá trị quan hệ đồng minh. Vì lẽ đó, chưa rõ quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vốn được chính quyền của Tổng thống Obama đánh giá “tuyệt vời hơn bao giờ hết” liệu sẽ tiếp tục duy trì? Và quan hệ này rồi sẽ phát triển ra sao?

Ba vấn đề then chốt có thể ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ:

Chia sẻ chi phí quân sự: Ông Trump không ngừng kêu gọi Seoul phải tăng phần đóng góp về chi phí cho các đơn vị Mỹ đóng quân trên lãnh thổ Hàn Quốc. Thậm chí ông Trump còn đặt câu hỏi “tại sao không phải 100%”. Chắc chắn đây sẽ là chủ đề thảo luận giữa hai bên ngay sau khi ông Trump nhậm chức.

Nỗi lo ngại Mỹ cổ xúy chủ nghĩa biệt lập đã có phần giảm bớt khi ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và ứng viên bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố sẽ củng cố quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, bảo vệ lợi ích Mỹ cùng lợi ích các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương. Cố vấn an ninh quốc gia tương lai Michael Flynn cũng cam kết tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn.

Yonhap ghi nhận trong bối cảnh căng thẳng ngày càng lộ rõ giữa chính quyền mới ở Mỹ và Trung Quốc, quan hệ đồng minh và hợp tác phải trở thành các yếu tố quan trọng. Nếu đàm phán giữa hai bên về chia sẻ chi phí quân sự gặp trở ngại, lời đe dọa Mỹ rút quân có thể tác động đến nhiều vấn đề như công tác chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến trong thời chiến.

Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và giải pháp quân sự: Để đối phó với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, cần thiết phải duy trì chính sách hiện nay là cấm vận và gây sức ép đối với Triều Tiên.

Ngày 20-1, ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật đã bắt đầu tập trận hải quân trong ba ngày nhằm đối phó với đe dọa tên lửa Triều Tiên. Ba nước đã từng tiến hành tập trận tương tự vào tháng 6-2016 và 11-2016.

Trước mối đe dọa Triều Tiên, ông Trump cho rằng khả năng Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ sẽ không xảy ra. Ngược lại, các ứng viên được ông đề cử giữ chức ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc phòng và giám đốc CIA ở Mỹ đều mô tả Triều Tiên là “kẻ thù” và vấn đề hạt nhân Triều Tiên là “đe dọa nghiêm trọng”.

Như vậy, nếu chính quyền mới ở Mỹ (gồm nhiều tướng lĩnh) thực hiện chính sách cứng rắn và dự kiến giải pháp quân sự đối với Triều Tiên, căng thẳng Mỹ-Hàn có thể gia tăng. Yonhap nhận định dù chính phủ nào cầm quyền ở Hàn Quốc sau khi Tổng thống Park Geun-hye ra đi, rất khó chấp nhận giải pháp quân sự có thể tác động chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên.

Các yếu tố trong nội bộ Hàn Quốc: Các yếu tố này có thể gây căng thẳng với Mỹ. Với khả năng Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn, cách thức chính phủ mới ở Hàn Quốc xử lý vấn đề bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và hồ sơ hạt nhân Triều Tiên sẽ tác động rất lớn đến quan hệ tương lai giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Một số ứng cử viên tổng thống của các đảng đối lập đã ám chỉ sẽ hoãn thực hiện kế hoạch triển khai THAAD hoặc thậm chí sẽ hủy bỏ kế hoạch này, đồng thời nối lại dự án khu công nghiệp liên Triều ở Kaesong và chương trình du lịch núi Kim Cương. Các biện pháp nêu trên, đặc biệt về dự án THAAD, đều có thể gây tác động xấu đến quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.