Lần đầu tiên quân Nhật có quyền nổ súng ở nước ngoài​

Từ ngày 20-11, các binh sĩ thuộc Sư đoàn 9 đóng tại Aomori (miền Bắc Nhật) sẽ được điều động đến Nam Sudan tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS). Tổng cộng sẽ có 350 binh sĩ tham gia chiến dịch mà người Nhật gọi là “kaketsuke-keigo”, nghĩa là đến những vùng đất xa xôi làm nhiệm vụ bảo vệ.

Báo Asahi Shimbunghi nhận quyết định đưa quân Nhật ra nước ngoài được đưa ra căn cứ đạo luật về an ninh quốc gia đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 9-2015 nhằm mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật ra nước ngoài.

Trước đây, lực lượng phòng vệ Nhật chỉ có thể tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của UNMISS tại các khu vực không có xung đột. Nay họ được phép đến Nam Sudan bảo vệ các nhân viên của LHQ và các tổ chức phi chính phủ. Trong khi đó, tình hình Nam Sudan đang căng thẳng. Nội chiến đã bùng nổ từ cuối năm 2013 giữa quân của tổng thống và quân của phó tổng thống. Có lúc quân đội chính phủ Nam Sudan đã chạm súng với quân của LHQ.

Trước đây, lực lượng phòng vệ Nhật chỉ được phép sử dụng vũ khí để bảo vệ quân ta. Nay, trong khi thi hành nhiệm vụ tại Nam Sudan, họ được quyền sử dụng vũ khí để bắn cảnh cáo hoặc bắn thẳng nếu bị tấn công hay bị đe dọa.

Văn phòng thủ tướng Nhật đã công bố văn kiện giải thích “kaketsuke-keigo” là một biện pháp chỉ được áp dụng cực kỳ hạn chế trong tình huống khẩn cấp và tạm thời khi đã thực hiện hết mọi khả năng. Khu vực thực hiện “kaketsuke-keigo” được hạn chế ở thủ đô Juba của Nam Sudan và vùng phụ cận.

Biện pháp “kaketsuke-keigo” sẽ không được áp dụng để bảo vệ quân đội các nước khác. Ngoài ra, quân Nhật ở Nam Sudan chỉ được điều động ứng cứu khi chính quyền Nam Sudan hay quân đội LHQ không thể đáp ứng yêu cầu khẩn cấp.

Tại Nhật, các đảng đối lập đã bày tỏ thái độ lo lắng về nguy hiểm đối với quân Nhật ở Nam Sudan. Các đảng đối lập khẳng định không hội đủ năm điều kiện để đưa quân Nhật tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Bằng như xảy ra chạm súng với quân đội chính phủ Nam Sudan, quân Nhật sẽ vi phạm Điều 9 Hiến pháp hòa bình Nhật.

Lo sợ lực lượng phòng vệ Nhật tham chiến, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ngày 15-11 trước văn phòng của Thủ tướng Shinzo Abe ở Tokyo. Họ đặt câu hỏi: Nếu tình hình ở Nam Sudan không nguy hiểm thì tại sao quân Nhật cần đến súng?

Tại Trung Quốc, trong cuộc họp báo hôm 16-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc hoan nghênh các nước có khả năng tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ.

Tuy nhiên, ông cảnh báo căn cứ vào lịch sử của Nhật, các xu hướng của Nhật về quân sự và an ninh chắc chắn sẽ gây chú ý. Ông cho rằng Nhật phải trung thành với cam kết tiếp tục con đường phát triển hòa bình, đồng thời giữ vai trò tích cực và xây dựng trong bảo vệ hòa bình và ổn định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.