Liệu thắng nổi IS hay chiến sự kéo dài?

Kênh truyền hình France 24 đưa tin sau hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter đã nhận định hết sức lạc quan.

Theo đánh giá, nỗ lực của liên minh đã gặt hái kết quả. IS đang co cụm vì chúng đã suy yếu. Trong tháng 12-2015, 2.500 tên đã bị tiêu diệt. Chúng đã mất 22.000 km2 (40%) lãnh thổ xâm chiếm ở Iraq và 2.000 km2 (10%) ở Syria. Về các nguồn tài chính, sản lượng dầu của chúng giảm gần 30% và các cơ sở ngân hàng đã bị đánh phá.

Sắp tới, hội nghị nhất trí sẽ đánh mạnh hơn. Ba mục tiêu then chốt là tiêu diệt trung tâm quyền lực của IS ở Raqqa (Syria) và Mosul (Iraq), ngăn chặn IS bành trướng và bảo vệ nhân dân.

Trong ba tuần nữa, các bộ trưởng Quốc phòng của toàn bộ 26 nước tham gia liên minh sẽ họp tại Bỉ để thảo luận mức đóng góp. Hiện thời liên minh đang cần thêm thiết bị thám sát trên không, lực lượng đặc nhiệm, phương tiện vận tải và hậu cần. Công tác quan trọng là bổ sung cố vấn huấn luyện. Hai bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Mỹ đổ lỗi cho Nga vừa đánh IS vừa tấn công cả quân nổi dậy ở Syria nên liên minh sẽ không hợp tác với Nga.

Trong không khí phấn khởi đó, báo Le Point dẫn nguồn từ các bộ tham mưu nhận định ít lạc quan hơn: Đó là không thể một ngày một bữa có thể cải thiện tình hình chiến sự ở Syria và Iraq.

Đầu tiên là khả năng xoay sở của kẻ thù IS. Trong 18 tháng qua chúng mất 25% diện tích kiểm soát nhưng ngược lại chúng cố thủ mạnh hơn tại các khu vực chiếm đóng, đặc biệt tại Raqqa và Mosul. Ví dụ: Các tay súng IS di chuyển theo một hệ thống hết sức phức tạp và tinh vi qua các đường hầm mà máy bay rất khó phát hiện.

IS cũng đang lùng mua máy bay không người lái. Nghiêm trọng hơn, chúng đã chiếm được các kho khí độc chlorine và khí mù tạt từ quân đội chính phủ Syria và đã từng đem ra thử. Lầu Năm Góc đã nghĩ đến khả năng chúng sử dụng khí độc cho hành động khủng bố.

Thế nhưng đang có bất đồng giữa các nhà chính trị và giới lãnh đạo quân sự. Giới quân sự Mỹ rất ngạc nhiên khi phát biểu thông điệp liên bang, Tổng thống Obama lại nhận định khủng bố không phải là đe dọa thực sự của Mỹ. Với quan điểm này thì Mỹ chỉ lo phòng thủ thay vì tấn công.

Các chuyên gia địa-chính trị đã gọi đây là “chính sách ngăn chặn” vốn rất thịnh hành dưới thời Chiến tranh lạnh. Bởi thế các tướng đang trực tiếp đánh IS ở Trung Đông đã đưa ra kết luận: Muốn thắng IS phải mất cả chục năm nữa nếu các nhà chính trị không quyết định mở rộng cuộc chiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm