Lộ nguyên nhân thảm họa nghìn tỉ đô của Mỹ

Lộ nguyên nhân thảm họa nghìn tỉ đô của Mỹ ảnh 1

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ F-35
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Không lực bên ngoài Washington DC, Thiếu tướng Christopher Bogdan đã chỉ trích gay gắt mối giao kèo giữa Lầu Năm Góc và các nhà thầu Lockheed Martin Corp, DoD khi họ vẫn tiếp tục tìm cách 'vượt rào' về giá cả trong dự án phát triển chiếc máy bay chiến đấu tối tân nhất hiện nay của Mỹ.

Theo ước tính mới đây nhất, dự án F-35 sẽ ngốn của Mỹ 1,5 nghìn tỉ USD đến khi hoàn tất. Mức chi phí cho F-35 đang bị đội lên chất ngất và khó có khả năng hoàn thành theo đúng thời hạn. Theo ông Bogdan, mối liên hệ giữa Lầu Năm Góc và các nhà sản xuất máy bay đang khiến cho vấn đề này trở nên rắc rối và bị 'ghét bỏ'.

"Đây là điều dở nhất mà tôi từng chứng kiến" - ông Bogdan nói về mối quan hệ này.

Ông Bogdan sẽ là người chính thức đảm nhiệm dự án F-35 vào cuối năm nay sau khi người quản lý hiện nay nghỉ hưu. Và nếu như những tuyên bố này của ông Bogdan biểu thị những dự định của ông sẽ tiến hành trong thời gian tới, thì hãng Lockheed sẽ gặp tương đối khó khăn khi làm việc với khách hàng lớn nhất của họ hiện nay là Bộ Quốc phòng Mỹ.

"Rồi sẽ phải có một cuộc đối thoại thẳng thắn hơn" - ông Bogdan nói trong buổi hội thảo hôm thứ Hai vừa qua. "Hiện giờ, tôi sẽ quản lý chương trình này như thể tiền và thời gian đã cạn kiệt".

Văn phòng Dự án Chung sẽ "phải thay đổi về căn bản cách thức mà chúng tôi làm việc với hãng Lockheed Martin" - ông Bogdan nói. "Lockheed Martin đang cho thấy một số tiến triển trong việc sản xuất chiếc máy bay này. Nhưng liệu nó có đủ nhanh cho chúng ta không ư? Không hề".

Ông Bodgan cũng đề cập đến việc hãng này nên hoàn tất cả dự án sớm hơn một chút nữa.

"Liệu chi phí có giảm nhanh như chúng ta muốn hay không? Không hề" - ông Bogdan nói về khả năng giảm giá thành của sản phẩm vốn đã bị đội giá lên gấp nhiều lần so với thời điểm ban đầu.

Ông Michael Donley thuộc Bộ Không lực Mỹ cũng nhắc lại một số quan điểm tương tự với phát biểu của ông Bogdan, và loại trừ khả năng Lầu Năm Góc bơm thêm tiền vào chương trình này.

"Bộ đã hoàn tất các việc cơ cấu quan trọng liên quan tới chuyển giao hàng tỉ USD cho chương trình F-35 từ các nơi khác trong ngân quỹ quốc phòng. Sẽ không có chuyện linh hoạt thêm hay nới rộng hơn trong cách làm việc này"- ông Donley nói.

Theo hãng tin Bloomberg, khi Bộ này mới bắt đầu dự án F-35, hãng Lockheed ước tính chi phí của chương trình sẽ chỉ là 233 tỉ USD. Hiện nay, chi phí này tăng 70% so với ước tính ban đầu, và có thể sẽ còn tăng thêm nữa cho tới khi chương trình kết thúc vào năm 2050. Tuy nhiên, ông Bogdan tuyên bố rằng ông sẽ không để cho điều này xảy ra.

"Không còn tiền và thời gian để phát triển chương trình này nữa. Vấn đề là như vậy. Chúng tôi sẽ không trở lại và yêu cầu thêm gì nữa".

"Không nên kéo dài thêm 10 hay 11,12 tháng nữa để đàm phán một thỏa thuận với người mà chúng ta đã làm việc cùng suốt 11 năm qua" - ông Bogdan nói.

Trả lời về bình luận của ông Bodgan, hãng Lockheed cho biết họ vẫn muốn duy trì nhiệm vụ sản xuất máy bay cho Lầu Năm Góc.

"Chúng tôi đồng tình với Thiếu tướng Bogdan rằng các bên đều phải hết mình để có được thành công. Hãng Lockheed Martin sẽ tiếp tục làm việc với nhóm thuộc Văn phòng Dự án Chung F-35 để cho ra đời thành công chiếc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 có khả năng chiến đấu. Chúng tôi vẫn tiếp tục cam kết duy trì công việc của mình để giải quyết các thách thức và xây dựng dựa trên đà và thành công mà chúng tôi đã đạt được suốt những năm qua" - ông Michael Rein, người phát ngôn của chương trình F-35 của hãng máy bay trả lời.

Theo Lê Thu (VNN / RT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm