Lời giải cho nỗi ám ảnh bạo lực ở Mexico vẫn bỏ ngỏ

Lời giải cho nỗi ám ảnh bạo lực ở Mexico vẫn bỏ ngỏ ảnh 1
Hai ứng viên Enrique Peña Nieto (trái) và Andres Manuel Lopez Obrador. (Nguồn: visionradio.com.mx)
Ra tranh cử tổng thống Mexico năm nay có bốn ứng cử viên, song cuộc tranh đua thực chất diễn ra giữa hai ứng cử viên hàng đầu là ông Enrique Peña Nieto - đại diện liên minh giữa đảng Thể chế Cách mạng (PRI) và đảng Xanh-Môi trường (PVEM), và ông Andres Manuel Lopez Obrador - đại diện liên minh cánh tả gồm đảng Cách mạng Dân chủ (PRD), đảng Lao động (PT) và Phong trào Công dân (MC). Ông Nieto, năm nay 45 tuổi, được biết đến như một gương mặt mới của PRI, đảng từng cầm quyền tại Mexico trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20 trước khi uy tín của PRI bị hoen ố bởi các cáo buộc tham nhũng và chuyên quyền. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Nieto cho biết ông sẽ dẫn dắt PRI theo một đường hướng mới và lập lại trật tự ở Mexico. Trong lĩnh vực kinh tế, ông sẽ mở cửa ngành công nghiệp dầu mỏ của Mexico vốn đang thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí Nhà nước PEMEX cho đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, ứng cử viên Lopez Obrador vốn không xa lạ với cử tri Mexico. Sáu năm trước, ông Obrador từng tham gia tranh cử tổng thống và chỉ chịu thua người thắng cuộc là Tổng thống đương nhiệm Calderon chưa đầy 1% số phiếu. Trong lần vận động tranh cử này, ông Obrador chủ trương tăng thuế đối với các công ty khai thác mỏ của nước ngoài cũng như thương lượng lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ. Ứng cử viên cánh tả này đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri tại các khu vực trung tâm và miền Nam Mexico, nơi nạn đói nghèo đang diễn ra phổ biến. Trước thềm cuộc bầu cử, cả hai ứng cử viên đều lạc quan về cơ may chiến thắng của mình. Tuy vậy, cho dù ai là người chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn của đất nước như vực dậy nền kinh tế ốm yếu do ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế Mỹ, đối phó với hoạt động buôn bán vận chuyển ma túy và tình trạng bạo lực tràn lan. An ninh đang là mối quan tâm hàng đầu ở Mexico bởi có tới hơn 50.000 người đã thiệt mạng kể từ tháng 12/2006 khi Tổng thống Calderon phát động cuộc chiến chống các băng nhóm ma túy và tội phạm có tổ chức. Hàng chục nghìn binh sỹ quân đội đã được huy động vào cuộc chiến này, nhưng tình trạng bạo lực ngày càng tồi tệ. Hơn một nửa số người chết trong các vụ bạo lực xảy ra hai năm qua không chỉ bao gồm tội phạm mà cả lực lượng an ninh, chính khách, các nhà hoạt động xã hội và nhiều hơn cả là dân thường vô tội. Nhà báo cũng trở thành mục tiêu của các vụ bạo lực tại Mexico đến mức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đã xếp Mexico là một trong tám nước nguy hiểm nhất đối với nhà báo. Chính vì sự vô vọng của cuộc chiến chống ma túy và bạo lực mà vô hình chung chủ đề này bị các ứng cử viên “lờ đi” trong cả cương lĩnh tranh cử của họ cũng như trong các buổi tranh luận trên truyền hình. Mặc dù cuộc chiến do Tổng thống Calderon phát động đang phải hứng chịu quá nhiều chỉ trích, song các ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống năm nay dường như chưa tìm ra được đấu pháp nào hữu hiệu. Ngay cả ông Nieto cũng chỉ đưa ra cam kết chung chung là sẽ "giảm bớt vai trò của quân đội" trong cuộc chiến chống ma túy, nhưng sẽ chỉ rút bớt quân khi nào việc đó đủ độ an toàn, và ông vẫn phải tiếp tục chính sách của người đương nhiệm. Tại cuộc tranh luận trên truyền hình gần đây nhất, không ứng cử viên nào đưa ra được giải pháp cho vấn đề chống ma túy và bạo lực mà chỉ nhấn mạnh rằng công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ bất công xã hội, ưu tiên phát triển giáo dục và tạo thêm việc làm là những điều kiện tiên quyết để giải quyết tình hình tội phạm và bạo lực trên toàn quốc. Có thể thấy tình trạng bạo lực gia tăng đang phủ bóng đen ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mexico. Những bất ổn trong xã hội và thiếu trật tự an ninh không những gây hoang mang cho cử tri nước này mà còn bào mòn lòng tin của họ đối với chính phủ. Người dân Mexico đang hy vọng nỗi ám ảnh “sống trong sợ hãi” vì tình trạng bạo lực hoành hành suốt nhiều năm qua sẽ được tổng thống mới hóa giải.
Theo Đỗ Sinh (TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm