Máy bay không người lái và hội chứng tâm bệnh lý

Đội ngũ những người điều khiển máy bay không người lái, như Brandon Bryant (đề cập trong số báo Pháp Luật Chủ nhật ngày 27-1-2013), bị dè bỉu là “chỉ biết ngồi ghế salon và bấm nút”.

Ám ảnh sau thất bại đầu tiên

Sau khi học xong trung học, Brandon Bryant mơ ước trở thành phóng viên báo chí nhưng trong một khoảnh khắc tình cờ, anh thay đổi ý định. Một người bạn đi đăng ký tòng quân và Brandon đi theo chơi cho vui, trong dịp đó anh được giới thiệu là trong Không quân Mỹ có riêng một trường đào tạo bậc đại học, có thể dự tuyển vào học mà không cần đóng bất cứ một xu học phí nào. Thế thì hay quá! Brandon háo hức ôn luyện và trúng tuyển. Sau đó, anh được gửi vào khóa huấn luyện ngành tình báo thu thập thông tin. Anh được dạy điều khiển camera và các thiết bị laser của máy bay không người lái, được học cách phân tích không ảnh, cách đọc bản đồ và các thông tin về dự báo thời tiết.

Vào năm 2007, Brandon Bryant nhận công việc đầu tiên: Tại bang Nevada, ngồi trong một container mát dịu, anh có nhiệm vụ theo dõi một đoàn lính Mỹ đang quay trở về căn cứ bên Iraq xa xôi. Brandon sẽ là “vệ sĩ” của đoàn lính từ trên không, bảo vệ an toàn cho họ. Bỗng qua màn hình vi tính, Brandon phát hiện ra một “con mắt” trên mặt đường nhựa. Anh kể: “Trong quá trình đào tạo, tôi đã được học để biết được “con mắt” đó là gì. Đó chính là một chiếc vỏ xe được kẻ địch đốt cháy trên mặt đường để làm mềm đi lớp nhựa đường trước khi hắn cài xuống lòng đường một thiết bị kích nổ tự tạo. Phần nền đường bị cháy xém đó có hình giống như một con mắt”.

Đoàn xe vẫn đang di chuyển và cách xa “con mắt” khoảng vài cây số, Brandon thông báo tình huống này cho cấp trên và thông tin được chuyển tiếp lên ban chỉ huy tối cao. Nhiệm vụ của Brandon trong vài phút sắp tới là theo dõi tình hình di chuyển của đoàn xe lính kia ngay trên thực địa. Rủi thay, ngay sau đó, Brandon không thể nào liên lạc vô tuyến với đoàn xe lính trên mặt đất được nữa nên anh đành phải kích hoạt một thiết bị gây nhiễu. Brandon đã nhìn thấy chiếc xe đầu tiên chạy vượt ngang qua “con mắt”. Không có động tĩnh gì cả. Rồi chiếc xe thứ hai. Một vệt sáng lóe lên bên dưới chiếc xe, rồi một vụ nổ xảy ra: Năm binh sĩ Mỹ đã bỏ mạng ngay tại hiện trường!

Kể từ hôm đó, Brandon luôn ray rứt về cái chết của năm đồng hương tại một đất nước xa lạ.

Máy bay không người lái và hội chứng tâm bệnh lý ảnh 1

Hai “phi công” trong buồng điều khiển máy bay không người lái Predator tại căn cứ không quân Balad, Iraq tháng 8-2007.

Suy sụp vì “tay trót nhúng chàm”

Brandon lao ngay vào việc học thuộc ngấu nghiến các tài liệu nói về Predator và các tên lửa được trang bị trên đó. Anh muốn mình ngày càng được tôi luyện và thuần thục hơn để một thảm cảnh tương tự không còn xảy ra trước mắt anh nữa.

Hai năm sau đó, bên không quân điều Brandon về một đơn vị đặc biệt đóng tại Cannon, bang New Mexico với nhiệm vụ điều khiển máy bay không người lái hoạt động trên bầu trời Afghanistan.

Brandon không thể nào quên được hình ảnh tên lửa loại Hellfire được phóng đi từ một máy bay không người lái ngay sau khi Brandon bấm nút. Vài giây sau, những vạt tường của một ngôi nhà bị nổ tung và đứa trẻ lấp ló bên ngoài ngôi nhà biến mất. Ruột gan Brandon như quặn thắt.

Thế rồi, đến một ngày kia, Brandon đã ngã quỵ ngay tại nơi làm việc, rã rời, khạc ra máu. Bác sĩ yêu cầu Brandon ngưng ngay công việc và chỉ cho phép anh làm việc trở lại nếu anh có thể ngủ được 4 tiếng mỗi đêm, trong suốt 15 ngày liền. Theo chẩn đoán của bác sĩ thì Brandon Bryant bị “hội chứng hậu chấn thương”.

Trở về quê nhà để nghỉ ngơi thuộc vùng ngoại ô thành phố nhỏ Missoula, bang Montana. Khung cảnh nơi đây thật tuyệt vời, đầy vẻ lãng mạn. Trong căn nhà gỗ màu vàng sẫm, Brandon Bryant nói: “Bốn tháng nay tôi cố dỗ giấc ngủ để không phải nằm mơ thấy mình đang dán mắt vào màn hình hồng ngoại nữa…”.

Brandon đã có sáu năm phục vụ trong không quân Mỹ với tổng cộng 6.000 giờ “bay”. Chưa bao giờ anh tưởng tượng ra được là mình đã làm tổn hại đến sinh mạng của nhiều người. Anh kể lại: “Trong vòng sáu năm, tôi đã thấy nhiều người đàn ông, phụ nữ và trẻ em gục ngã”. Trước khi bước vào công việc điều khiển máy bay không người lái trong “văn phòng hộp” container, Brandon thậm chí còn không hình dung nổi là mình có thể xuống tay hạ sát dù chỉ một mạng người.

Sức khỏe tâm thần của các “phi công”

Ngồi cách xa trận địa hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn kilômét, cặp mắt dán chặt vào màn hình máy vi tính, các “phi công” lái máy bay không người lái phải luôn theo sát từng chi tiết một trong suốt trận đánh và họ thường không thoát khỏi “hội chứng hậu chấn thương”.

Giới chuyên trách quân sự đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tâm bệnh lý này khi việc sử dụng máy bay không người lái ngày càng gia tăng.

Họ phải quan sát để bảo vệ các nhóm lính Mỹ trên mặt đất, công việc này phải được bảo đảm 24/24 giờ không nghỉ, ngày này qua ngày nọ. Đây là một nhiệm vụ đơn điệu, nhàm chán, song lại gây ra nhiều rối loạn và tổn thương tinh thần. Bởi vì chính họ là những người tận mắt chứng kiến cảnh đồng đội mình bị tấn công hoặc bị tử thương. Rồi họ sẽ “zoom” cận cảnh các xác chết để đếm số thương vong. Trên thực địa, họ và các đồng đội đang ở cách xa nhau hàng ngàn cây số; song về mặt tinh thần, họ lại đang ở sát cạnh nhau và chính yếu tố này khiến các chuyên viên điều khiển máy bay không người lái, từ trong đáy lòng, sẽ cảm thấy mình luôn bất lực trước tổn thất sinh mạng của đồng đội.

Đại tá quân y Hernando Ortega giải thích: “Tâm lý mất kiểm soát là một trong những nguyên nhân chính gây stress cho những người làm nghề này”.

Dù cách xa nhau nhưng các nhóm chuyên viên điều khiển máy bay không người lái luôn giữ liên lạc chặt chẽ với các nhóm binh sĩ trên mặt đất tại chiến trường, vì họ phải thường xuyên thông báo cho nhau qua sóng vô tuyến. Từ đó, theo lời bác sĩ tâm lý của không quân Mỹ là Đại tá Kent McDonald, người đã tham gia vào một nghiên cứu trên 600 chuyên viên điều khiển máy bay không người lái, “Họ có thể rơi vào cảm giác tội lỗi, chỉ vì họ thấy mình hoàn toàn thúc thủ trước các thảm cảnh xảy đến với đồng đội của họ”. Cuộc nghiên cứu cho thấy 46% các đối tượng đang thực thi nhiệm vụ phải chịu mức độ stress cao và 29% có biểu hiện suy sụp.

Tuy nhiên, đa số họ từ chối nhìn nhận hiện trạng tâm lý mà họ đang phải chịu đựng. Họ không bao giờ thốt lên đại loại như “trận đánh ác liệt quá”, “phá hủy mục tiêu này khó khăn quá” hoặc “binh sĩ chết nhiều quá”… mà họ chỉ than phiền về giờ làm việc kéo dài, thiếu nhân sự hoặc khó khăn trong việc chăm sóc gia đình.

Đại tá Hernando Ortega kết luận: “Dù đây là một hình thái chiến tranh hoàn toàn khác so với kiểu chiến tranh truyền thống, song đó vẫn là chiến tranh, là những trận đánh nhau. Và trong thâm tâm, mỗi một chuyên viên điều khiển máy bay không người lái đều cảm nhận được rất rõ điều này”. Đó vẫn là một cuộc chiến tranh thật sự đối với họ, dù họ đang ngồi trên chiếc ghế bành êm ái ngay trên đất Mỹ.

Máy bay không người lái chống khủng bố tại Mỹ

Từng là một công cụ đắc lực được giới quân sự ưa chuộng từ thập niên 1990, những chiếc máy bay không người lái ngày càng được sử dụng nhiều hơn vào lãnh vực dân sự, đặc biệt là để bay quan sát an ninh trong các thành phố và tuần tra biên giới. Trên bầu trời nước Mỹ hiện nay có 348 máy bay không người lái đang hoạt động.

Máy bay không người lái và hội chứng tâm bệnh lý ảnh 2

MQ-8B Fire Scout là một “thiết bị bay không người lái” có kiểu dáng trực thăng, dùng để thực hiện các phi vụ thu thập thông tin tình báo, quan sát và thám thính. (Nguồn: US Navy)

Tuy nhiên, theo báo USA Today, việc sử dụng các thiết bị bay không người lái này ngày càng bị phản đối: Quốc hội Mỹ và 10 bang tại nước này đã sẵn sàng bắt tay vào việc xem xét soạn thảo ra các dự luật nhằm giới hạn việc sử dụng máy bay không người lái, có trang bị camera, bay trên không phận Mỹ. Thượng nghị sĩ bang Florida thuộc đảng Cộng hòa là Joe Negron đã phát biểu thừa nhận các máy bay không người lái “là công cụ tuyệt vời để tiêu diệt bọn khủng bố”, tuy nhiên “chúng không thể được sử dụng để rình rập cuộc sống của công dân Mỹ”.

Theo Courrier International ngày 24-1-2013

TƯỜNG NGUYỄN (Theo báo Der Spiegel, Los Angeles Times)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm