Mỹ sẽ tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc

Nhận định nêu trên đã được TS Tiêu Hung Nghi, Giám đốc Chương trình Trung Quốc của ĐH Marietta College (Mỹ), nêu trên báo Coshocton Tribune (Mỹ) ngày 17-5.

Ông nhận định một mặt Mỹ bảo đảm với đồng minh Philippines rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ nếu Philippines bị nước thứ ba tấn công, mặt khác Mỹ luôn tuyên bố sẽ giữ vị trí trung lập trong căng thẳng Philippines-Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough trong khi căng thẳng có nguy cơ dẫn đến xung đột ở châu Á.

TS Tiêu Hung Nghi cho rằng hiện mọi chú ý đang tập trung về Mỹ, Mỹ sẽ giữ vai trò gì và thực hiện chiến lược gì nếu căng thẳng dẫn đến xung đột? Ông dự kiến các giải pháp:

Đầu tiên Mỹ sẽ giúp Philippines và các nước ASEAN tăng cường quốc phòng và nâng cao khả năng bảo vệ bờ biển. Có thể thấy rõ điều này qua việc Mỹ thỏa thuận sẽ tăng gấp ba viện trợ quân sự cho Philippines trong năm 2012.

Kế tiếp, ngoài ASEAN, Mỹ sẽ tăng cường và mở rộng liên minh đến các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là một phần trong chính sách ngoại giao hướng về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Quan hệ với Úc, Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ được Mỹ đặc biệt chú trọng. Gần đây, Mỹ đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm tạo đối trọng với đà phát triển quân sự và kiềm chế tham vọng của Trung Quốc như lập căn cứ quân sự lâu dài ở Darwin (Úc), hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo với Nhật, tăng cường hiện diện quân sự tại Hàn Quốc, tái lập quan hệ hữu nghị với Ấn Độ.

Và cuối cùng, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện nhiều hơn nữa ở biển Đông.

Theo TS Tiêu Hung Nghi, Mỹ không muốn lặp lại một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai nhưng xác định sẽ đẩy lùi mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm bá chủ châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược này giúp Mỹ kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc nhưng tránh được đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Ông nhận định có thể tóm tắt chiến lược của Mỹ tại biển Đông trong một câu: Hy vọng cho điều tốt nhất nhưng cũng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm