TÔI LÊN TIẾNG - KỲ 2:

Náo động kabul

Náo động kabul ảnh 1

Sau chiến tranh, thủ đô Kabul đã hồi sinh nhưng dấu vết chiến tranh vẫn còn nguyên. Trong số những người ăn xin trên đường phố luôn có bóng dáng những phụ nữ trùm kín người trong tấm áo choàng burqa - Ảnh: Rahmat Gul

Nguyên một khu vực của thủ đô Kabul được dành riêng cho các hoạt động hội hè và khu đại học biến thành “Loya Jirga City” (Thành phố quốc hội). Khu ký túc xá sinh viên giờ thành nơi trú ngụ cho các đại biểu.

Bình mới rượu cũ

Phía Đức đã cung cấp một lều bạt khổng lồ trong sân Trường ĐH Bách khoa để làm hội trường chính. Hiến pháp mới của Afghanistan sẽ được định đoạt tại đây. Lực lượng bảo an dày đặc ở khu vực này. Giao thông ở Kabul thường bị chặn lại hoặc chuyển hướng sang các hội hè đình đám liên quan đến sự kiện Loya Jirga. Người ta không từ một thứ gì để phô diễn hình ảnh dân chủ và “nước Afghanistan mới”.

Tuy nhiên, tôi thấy ngay phần lớn của Afghanistan cũ vẫn còn nguyên đó. Chín đại biểu từ tỉnh Farah của tôi không ủng hộ các lãnh chúa, nhưng hầu hết những người đại diện cho các tỉnh khác lại không như thế - đặc biệt là các tỉnh phía bắc Afghanistan, nơi các lãnh chúa vẫn toàn quyền kiểm soát.

Tôi sửng sốt khi nhận ra nhiều lãnh chúa cùng những tên tội phạm chiến tranh quen thuộc ngồi ở hàng ghế đầu tiên. Cả đời tôi đã nghe bao chuyện kinh khủng do họ gây ra, nhiều chuyện chính mắt tôi chứng kiến. Trong các trại tị nạn nơi tôi lớn lên, ở đâu cũng nghe những câu chuyện về hành vi tàn bạo của họ.

Hamid Karzai có quyền chỉ định 52 đại biểu. Một trong những người Karzai bổ nhiệm vào Loya Jirga là chủ tịch Sibghatullah Mojaddedi. Nhiều người trong số các lãnh chúa tai tiếng nhất cũng do Karzai chọn lựa, trong khi nhiều người khác cũng tham gia vì họ đã thao túng kết quả bầu cử hay đe dọa các ứng viên cùng tranh cử. Đảo mắt qua đám đông, tôi nhận ra bộ râu bạc và đôi mắt đen của Ismail Khan, lãnh chúa kiêm thống đốc tỉnh Herat vốn là người theo Taliban. Tôi nghĩ lẽ ra hắn ta phải bị điều tra về những việc đã làm trong thời nội chiến chứ không phải được quyền lên tiếng quyết định hiến pháp mới của đất nước.

Một số đại biểu ăn mặc như doanh nhân phương Tây, số khác lại khoác trang phục truyền thống. Nhiều kẻ quá khích cũng như tội phạm đã cạo sạch bộ râu để thay đổi nhân dạng. Ở Afghanistan có một câu tục ngữ giống y những gì tôi đang chứng kiến: “Vẫn con lừa ấy, nhưng có bộ yên cương mới”.

Qua mặt trưởng lão

Suốt mấy ngày trời, tôi cố gắng cách mấy cũng chẳng làm sao có được cơ hội nói trước cử tọa. Tôi là đại biểu trẻ nhất, lại là nữ giới nên càng khó thu hút sự chú ý của những người đàn ông lớn tuổi trong hội nghị. Cảm tình riêng của vị chủ tịch Sibghatullah Mojaddedi bộc lộ rõ: hàng loạt lãnh chúa và những người cổ xúy Chính Thống giáo thay nhau lên diễn đàn. Mojaddedi chỉ toàn gọi thân hữu và đồng minh lên độc chiếm micro.

Tuyệt vọng sau bốn ngày chờ đợi xem có ai nói gì về những thay đổi dân chủ thật sự, tôi nảy ra một mưu kế. Tuy nghĩa đen của Loya Jirga là “hội nghị của những người cao niên”, tôi nghĩ mình có thể biến bất lợi về tuổi trẻ thành lợi thế. Ngày 17-12-2003, tôi đến gặp thẳng ông Mojaddedi ngay bàn chủ tịch đoàn.

Khăn đóng, râu bạc, vẻ mặt lạnh lùng, Mojaddedi nguyên là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan được thiết lập sau khi Liên Xô rút quân năm 1988, nhưng giờ ông đã già và chủ yếu là bù nhìn. Tôi biết Mojaddedi cùng nhiều người khác đều đã nghe chuyện có một đại biểu trẻ ở tỉnh Farah dám nói thẳng nhiều chuyện cấm kỵ. Nhưng ông ta mắt đã kém và tai cũng nghễnh ngãng. Thế là tôi lừa ông chủ tịch.

Không nhìn thẳng vào Mojaddedi, tôi kéo tấm hijab (khăn trùm đầu) che mặt rồi nói là từ tỉnh Bamiyan đến. Tôi xin được lên tiếng vì tôi đại diện cho thế hệ trẻ. Nhiều đại biểu khác bu quanh Mojaddedi cũng muốn gây chú ý, nhưng cuối cùng ông miễn cưỡng chấp thuận cho tôi phát biểu.

Đó là cơ hội mà tôi chờ đợi. Rủi thay, không chỉ mình tôi mà cả một hàng đại biểu trẻ cũng rất muốn tranh thủ cơ hội này. Một thanh niên người Uzbek từ miền bắc đang đứng trước tôi chờ tới lượt lên diễn đàn. Tôi nhã nhặn nói với anh ta: “Này anh, xin cho em phát biểu trước được không?”.

Anh ta tự giới thiệu là Nuriddin (không phải tên thật), rồi hỏi tên tôi và lý do khiến tôi mong muốn phát biểu đến thế. “Em là Joya. Những gì em sẽ nói là chuyện bí mật nhưng chắc chắn anh sẽ thích”.

Nuriddin có vẻ tò mò. Anh muốn biết tôi nghĩ gì về Loya Jirga, và cũng như tôi, anh khó chịu vì sự hiện diện của quá nhiều lãnh chúa ở đây. Thậm chí anh còn gợi ý chúng tôi nên tổ chức biểu tình phản đối. “Không được đâu anh - tôi tranh luận - Trước tiên, chúng ta phải cố hết sức dùng ngay diễn đàn này để tố cáo bọn chúng. Nếu chúng không cho ta lên tiếng thì tôi sẽ giúp anh tổ chức biểu tình”. Nuriddin nhường cho tôi phát biểu trước.

Bài diễn văn 90 giây

Cho dù những tên tội phạm này rồi có được tha thứ bởi nhân dân ta - những người Afghanistan chân đất - thì lịch sử cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng...”.

Chủ tịch Mojaddedi cho biết tôi chỉ được nói ba phút. Lần này khác hẳn lần đầu diễn thuyết ở Farah. Ở đây, ngay Kabul, là một cử tọa khổng lồ rất nhiều thành phần, tập trung trong một đại hội trường. Khi tôi cố trấn tĩnh và nhớ lại những điểm chính định nói, tấm hijab trên đầu trượt ra sau gáy và tôi phải chỉnh lại. Vì tôi chỉ cao chừng 1,5m, một viên chức phải hạ thấp micro xuống cho vừa tầm. Tôi nói rất nhanh, bộc lộ hết ruột gan.

“Tôi là Malalai Joya từ tỉnh Farah. Được sự cho phép của quý cử tọa và nhân danh Thượng đế cùng các thánh tử đạo vì con đường tự do, tôi xin được nói vài phút.

Tôi phê phán tất cả đồng bào là tại sao đồng bào lại để cho tính hợp pháp và tính chính đáng của Loya Jirga trở thành đáng ngờ bởi sự hiện diện của những tội phạm đã khiến đất nước ta nên nông nỗi này. Tại sao đồng bào lại cho phép những tên tội phạm có mặt ở đây? Chúng phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hiện thời của chúng ta!”.

Nuriddin tươi cười. Tôi biết anh ta thích thú với những lời tôi nói. Trong băng video thu hình ngày hôm ấy, nhiều đại biểu trẻ khác đứng sau tôi cũng bật cười với vẻ căng thẳng khi họ bắt đầu hiểu ra tác động của bài diễn thuyết. Nhiều người chen chúc dưới mái lều bạt bật dậy vỗ tay, nhưng các lãnh chúa ngồi trước mặt tôi vẫn im lặng, lạnh lùng trừng mắt nhìn tôi.

“Chủ tịch của mọi ủy ban đã được bầu chọn xong. Tại sao đồng bào không dồn hết những tên tội phạm này vào một ủy ban để rồi chúng ta sẽ thấy chúng muốn gì với quốc gia này! Chúng chính là những kẻ đã biến đất nước ta thành trung tâm của các cuộc chiến tranh quốc nội và quốc tế! Chúng là những thành phần áp bức phụ nữ nhất trong xã hội chúng ta, những kẻ đưa đất nước ta đến tình trạng này và chúng đang định làm thế một lần nữa. Tôi cho rằng thử thách những kẻ đã bị thử thách rồi chính là một sai lầm”.

Bây giờ thì Nuriddin đánh rơi luôn những mẩu giấy ghi chép. Anh cười to và vỗ tay, nhiều người khác cũng vỗ tay hòa theo. Nhưng cũng có những tiếng nói tức giận. Đến lúc này thì nhiều lãnh chúa đã đứng bật dậy, hò hét và vung nắm đấm về phía tôi. Thế là tôi cất giọng nói to hơn nữa.

“Lẽ ra phải truy tố chúng trước tòa án quốc gia và quốc tế! Cho dù những tên tội phạm này rồi có được tha thứ bởi nhân dân ta - những người Afghanistan chân đất - thì lịch sử cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng...”.

Đột nhiên tôi không còn nghe tiếng mình trên hệ thống phóng thanh nữa. Tôi chỉ nói được khoảng 90 giây thì vị chủ tịch giành lại micro.

“Đủ rồi đó. Cảm ơn - Mojaddedi nói - Cô yêu cầu ba phút thì giờ đã xong. Cô gái, tôi đã nói từ đầu là mọi lời lẽ đều phải lịch sự và diễn đạt có tư cách. Không ai được nhục mạ ai. Nếu có ta thán gì cô có thể viết đơn khiếu nại gửi ban thư ký của Jirga và chúng tôi sẽ xem xét”.

Tôi vẫn cố nói tiếp nhưng rồi nhận ra ngay những lời của tôi đã kích động một tình huống rất nghiêm trọng. Cả hội trường náo động. Nhiều người tức giận tiến về chỗ tôi. Thậm chí một đại biểu nữ còn chỉ mặt tôi, quát tháo đe dọa: “Lột quần con đĩ này trùm lên đầu nó đi!”.

Theo AN NHIÊN (TTO)

______________

KỲ 3: DANH TIẾNG VÀ HIỂM HỌA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm