Ngân hàng Thụy Sỹ: Lợi thế bí mật không còn

Ngân hàng Thụy Sỹ: Lợi thế bí mật không còn ảnh 1

Trước đó, bí mật ngân hàng Thụy Sỹ được đưa vào luật sau cuộc đại khủng hoảng tài chính thế giới năm 1929 đã giúp cho Thụy Sỹ trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.

Việc các ngân hàng của Thụy Sỹ giữ bí mật tuyệt đối, không cung cấp thông tin của khách hàng cho bất cứ tổ chức hay cá nhân nào, kể cả tòa án, đã làm cho nhiều ngân hàng của Thụy Sỹ trở thành nơi gửi gắm tài sản cho nhiều đại gia và yếu nhân trên thế giới.

Suốt 75 năm qua, trong các cuộc đàm phán với rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với các láng giềng ở châu Âu, Chính phủ Thụy Sỹ luôn tìm cách bảo vệ bằng được bí mật ngân hàng của mình. Bên cạnh những yếu tố dân tộc, chính trị, bí mật ngân hàng cũng là một vấn đề ngăn cản không cho Thụy Sỹ gia nhập EU.

Vậy mà nay ngoài việc ngân hàng UBS phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế của Mỹ, tháng 3-2009, trước quan sát của Hội đồng châu Âu, Chính phủ Thụy Sỹ buộc phải nới lỏng quy định về bảo vệ bí mật ngân hàng, đồng ý thực hiện yêu cầu của các cơ quan thuế nước ngoài về việc trao đổi thông tin theo tiêu chuẩn của OECD. 

Tháng 4-2009, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã gây áp lực đưa Thụy Sỹ vào danh sách màu Xám của các thiên đường về thuế.

Tháng 8-2009, Chính phủ Mỹ và Thụy Sỹ thỏa thuận về trường hợp của UBS. Trong khi Mỹ từ chối cung cấp thông tin về 52.000 chủ tài khoản, thì chính phủ hai nước lại đồng ý hỗ trợ về mặt hành chính để tìm kiếm thông tin về 4.450 tài khoản của 4.200 khách hàng của UBS.

Tháng 9-2009, Thụy Sỹ ký kết 12 hiệp định tránh đánh thuế hai lần và được xóa tên khỏi danh sách màu Xám. Tuy nhiên những hiệp định này có nhiều điều khoản gây sức ép nặng nề với bí mật ngân hàng của Thụy Sỹ.  

Tháng 11-2009, Chính phủ Thụy Sỹ đề nghị Quốc hội cho phép không trưng cầu dân ý về các hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Cộng đồng châu Âu hoãn phê chuẩn một hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các nước thành viên, bí mật ngân hàng của Áo và Luxemburg bị đe dọa còn bí mật ngân hàng của Thụy Sỹ vẫn tiếp tục chịu áp lực.

Ông Hennri Torrione, Giáo sư về Luật Thuế của trường Đại học Freiburg (Thụy Sỹ) cho rằng năm 2009 là một bước ngoặt đối với bí mật ngân hàng của Thụy Sỹ trong lĩnh vực thuế. Thực ra đối với những người sống trên đất Thụy Sỹ thì không có gì thay đổi cả, các cơ quan thuế chỉ được hỏi ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, nhưng những thông tin về những người không sống trên đất Thụy Sỹ thì có thể bị cung cấp ngay cho các cơ quan thuế liên quan, ngay cả trong những trường hợp trốn thuế đơn giản như quên không khai báo một khoản thu nhập. Những quy định mới này gây ra tâm lý lo ngại của nhiều khách hàng không sống trên đất Thụy Sỹ.

Liệu sự thay đổi chính sách của Chính phủ Thụy Sỹ, tham gia Liên minh trao đổi thông tin với EU có xóa sổ bí mật ngân hàng? Phải chăng đây là cái giá Thụy Sỹ phải trả cho quá trình hội nhập? Việc này không ai nói trước được. Chỉ có người dân Thụy Sỹ, những người chủ của một nền dân chủ trực tiếp mới là người quyết định.

Theo BẢO THI (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm