Nhật bản tuyên chiến với yakuza - Bài 2: Yakuza trả đũa

Trên số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu gần đây Nhật Bản mở cuộc chiến rầm rộ tấn công vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức yakuza. Về phần mình, yakuza không những không co cụm, giãy chết mà còn có hành động phản kích, chủ yếu nhắm vào những quan chức và người thân của họ. Trong số 44 vụ nổ súng do bọn yakuza thực hiện hồi năm ngoái, có 18 vụ diễn ra tại tỉnh Fukuoka, nơi thành phố Kitakyushu tọa lạc.

Bắn người, dọa giết và khủng bố



Nhật bản tuyên chiến với yakuza - Bài 2: Yakuza trả đũa ảnh 1

“Tướng” Hiroshi Kimura của băng Kukodai tiếp nhà báo tại văn phòng. Ảnh: NYT

Kể từ khi TP Kitakyushu và chính quyền Nhật Bản tăng cường các quy định pháp luật để triệt đường làm ăn của yakuza, thị trưởng Kitakyushu và gia đình ông đã bị dọa giết. Nhà các ủy viên hội đồng quản trị một công ty xây dựng bị ném lựu đạn và vị giám đốc công ty này bị bắn chết trước mặt vợ mình.

Cảnh sát cho rằng tác giả các cuộc tấn công và nhiều vụ đe dọa khác chính là Kudokai, băng nhóm tội phạm nguy hiểm nhất của yakuza Nhật Bản với hơn 650 thành viên. Các cuộc tấn công trên khiến cảnh sát quốc gia đề xuất thực thi pháp luật mạnh hơn nữa để truy lùng và bắt giữ các thành viên băng đảng này.

Hai năm trước, sau khi bị dân địa phương tẩy chay, Kudokai trả đũa bằng cách mua một biệt thự gần một trường mẫu giáo để làm văn phòng. Sau khi cư dân kéo đến phản đối trước cổng biệt thự, nhà của một vị lãnh đạo HĐND bị bắn phá trong một cuộc tấn công vào ban đêm.

Chính quyền địa phương đã có hành động phản ứng nhanh với các hình thức mới, chủ yếu triệt đường thu nhập của yakuza. Cảnh sát nói rằng Kudokai sau đó đã thóa mạ như trút nước các công ty ngừng chi tiền cho chúng, kèm theo đó là các cuộc tấn công lựu đạn vào nhà riêng của các ủy viên hội đồng quản trị Công ty Điện Kyushu và một công ty khác. Cuộc tấn công gần đây nhất xảy ra vào ngày 17-1-2012, các tay súng đã bắn bị thương chủ tịch hội đồng quản trị một công ty xây dựng khi ông này ra ngoài để mua đồ uống tại một máy bán hàng tự động.

Vụ bắn chết giám đốc một công ty xây dựng khác hồi tháng 12-2011 đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi. Đến nỗi một ủy viên hội đồng quản trị của công ty xây dựng đã từ chối trả lời báo chí vì sợ yakuza trả đũa.

Lộ mặt kẻ cướp

Nhật bản tuyên chiến với yakuza - Bài 2: Yakuza trả đũa ảnh 2

Một nhóm chống băng đảng tự nguyện đang đi tuần. Ảnh: NYT

Yakuza vẫn hiện hữu nhãn tiền tại Nhật Bản qua nhiều thế kỷ. Cho đến nay, các băng nhóm tội phạm là một thực thể được âm thầm chấp nhận trong cuộc sống của người Nhật. Trước đây, người ta chấp nhận yakuza vì nó giúp Nhật Bản gìn giữ an toàn của các đường phố bằng cách áp đặt các quy tắc rắn như thép và hệ thống tầng bậc trong thế giới này. Khi Nhật Bản thành một quốc gia hiện đại, nó cũng tự thay đổi để hòa vào cái xã hội dựa vào tòa án và luật sư để duy trì trật tự.

Trong lúc đó, theo các cơ quan chức năng Nhật Bản, vầng hào quang lãng mạn có thể bao phủ các băng đảng yakuza trong quá khứ đang phai đi. Họ nói thêm rằng người Nhật ngày càng thấy yakuza đơn giản chỉ là những tên cướp giống như những kẻ cướp ở các nước khác mà thôi. Bọn chúng cũng kiếm tiền từ ma túy, cờ bạc và tống tiền, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xây dựng khổng lồ của Nhật Bản.

“Mọi người đang nhìn thấy cái thực tế là yakuza không hào hiệp mà chỉ là một thế lực chống lại xã hội” - thị trưởng Kitakyushu, ông Kenji Kitahashi, nói. Ông cho biết bạo lực đã khiến nhiều người dân quay sang chống lại yakuza. Cùng quan điểm đó, ông Shigeyuki Tani, Trưởng bộ phận tình báo tội phạm có tổ chức của Cảnh sát quốc gia, cho rằng cảnh sát đang xây dựng một bộ luật mới sẽ chỉ rõ các băng nhóm như Kudokai là “đặc biệt nguy hiểm” và làm cho cảnh sát dễ dàng hơn trong việc truy lùng, quét sạch yakuza.

Nhưng yakuza lại nghĩ khác.

“Những ngày xưa thân ái”

Tại trụ sở chính của Kukodai, phóng viên được tặng tấm danh thiếp được viết bằng chữ thư pháp công phu của Hiroshi Kimura, người đứng đầu một nhóm của Kudokai. Chủ nhà Kimura 58 tuổi, mặc bộ complet đen được may cẩn thận và đeo kính đen, nói chuyện rất lịch lãm. Ông dẫn các phóng viên vào một căn phòng có ghế mềm và một cái bàn thấp trông giống như một phòng họp điển hình của các công ty Nhật Bản, ngoại trừ mấy bức ảnh chân dung đen trắng chụp các ông trùm quá cố được treo trên tường. Khi ông Kimura nói chuyện, một thanh niên lực lưỡng mặc bộ quần áo đen lặng lẽ quỳ xuống để phục vụ khách trà xanh và bánh kẹo truyền thống.

Ông Kimura cho rằng các quy định mới đã làm tổn thương Kudokai. Nhưng ông từ chối đi vào chi tiết về các thỏa thuận kinh tế của tổ chức này. Ông nói Kudokai không đứng đằng sau nạn bạo lực gần đây mặc dù thừa nhận rằng đó có thể là hành động sai lầm có tính cá nhân của những thành viên nào đó. Nếu điều đó xảy ra thật, ông long trọng tuyên bố rằng tổ chức của ông cũng sẽ đưa ra những hình phạt.

Ông cũng nói cảnh sát chia sẻ trách nhiệm về tình trạng bạo lực vì đã cố chia rẽ Kudokai và cộng đồng. “Nếu họ ép chúng tôi, tổ chức tội phạm sẽ trở nên khó nhìn thấy hơn và bạo lực hơn, giống như ở Mexico” - ông Kimura nói.

Cùng quan điểm với “đồng nghiệp” Hiroshi Kimura, ông Kenichi Shinoda, người đứng đầu của băng Yamaguchi-gumi, trả lời một cuộc phỏng vấn hiếm hoi của truyền thông do tờ Sankei Shimbun tiến hành rằng: “Nếu Yamaguchi-gumi bị giải tán, trật tự công cộng sẽ xấu đi ngay lập tức”. Hậu quả, ông cảnh báo là sẽ tạo ra một thế hệ những tên cướp do bị thất thế có thể chuyển sang phạm tội bằng bạo lực để kiếm sống. “Các băng nhóm yakuza hào hiệp một cách đáng kinh ngạc” - ông nói, trích dẫn một nét truyền thống được tôn trọng vốn liên kết với các băng nhóm lại với nhau - “Chúng tôi tuân thủ những giá trị đó hơn những người bình thường”.

Trong lúc nói chuyện với nhà báo, với vẻ hoài cổ, ông Hiroshi Kimura nói về những ngày trước khi yakuza còn bắt tay với cảnh sát để duy trì trật tự xã hội. 

Phải nhổ cỏ tận gốc!

Trái lại, các quan chức của ngành cảnh sát thì cho rằng “những ngày xưa thân ái” đã qua rồi mặc dù nhiều người tỏ ra chậm theo kịp thái độ này. “Hiện vẫn còn nhiều người nghĩ tới việc sử dụng yakuza để giải quyết những rắc rối” - ông Daisuke Harada, người đứng đầu bộ phận chống tội phạm có tổ chức của cảnh sát tỉnh Fukuoka nói - “Chúng tôi cần phải nhổ tận gốc những thái độ cũ kỹ, một lần và mãi mãi”.

Luật sư và các nhà hoạt động chống tội phạm cho rằng Nhật Bản vẫn còn lưỡng lự trong việc đưa ra biện pháp để cấm hoàn toàn hiện tượng băng đảng mà nhiều người dân kêu gọi. Nhiều người có quan điểm rằng khi yakuza không còn cơ hội để đòi hỏi cái “công thần” của mình xửa xưa, Nhật Bản sẽ đón nhận nguy cơ các nhóm tội phạm không có tổ chức sẽ thay thế các nhóm tội phạm có tổ chức.

Chưa biết cuộc chiến trừ khử tội phạm đi tới đâu thì nhóm Kanto Rengo - nhóm tội phạm hữu danh có tổ chức - cũng như các băng tội phạm phi truyền thống đã bắt đầu khẳng định thế lực ở Tokyo. Chúng tham gia cướp phá, buôn lậu ma túy, giật ví đến mức các băng tội phạm truyền thống phải tránh xa. 

Tờ Guardian đặt vấn đề: Sẽ là một sự mỉa mai khủng khiếp nếu chiến thắng đối với yakuza lại trở thành một thất bại trong cuộc chiến chống tội phạm nói chung.

Một thế lực khủng khiếp

Yakuza vẫn là một thế lực khủng khiếp trong xã hội Nhật Bản. Từ những năm 1990, Nhật Bản đã cố gắng gấp bốn lần trong việc kiểm soát yakuza nhưng không giảm nổi số lượng băng đảng này - hiện có khoảng 80.000 thành viên (trong khi số thành viên mafia ở Mỹ thời kỳ “đỉnh cao” đầu những năm 1960 cũng chỉ 5.000 tên).

Giống như nhiều băng nhóm tội phạm Nhật Bản, băng Kudokai thậm chí duy trì tổng hành dinh công khai của mình. Bằng chứng là trụ sở Kudokai - một tòa nhà màu trắng bốn tầng trông như một pháo đài được bao quanh bởi những bức tường cao, dây thép gai và các camera an ninh - ngự ngay trung tâm thành phố Kitakyushu 1 triệu dân.

KHIẾT ĐAM (Theo Guardian, NYT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm