Những bất ổn về an ninh chính trị chưa thể giải quyết

Tuy nhiên, xu thế hoà bình, hợp tác cùng phát triển, cũng như mối liên kết khu vực, liên kết vùng và liên kết lĩnh vực tiếp tục phát triển bởi đó không những là nhu cầu của các nước đang phát triển, mà cả các nước phát triển.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự phát triển của tình hình đã tiến nhanh hơn, thậm chí nằm ngoài những dự đoán của họ. Xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển cùng có lợi đang được tất cả các quốc gia trên thế giới hưởng ứng theo cách của mình.

Những bất ổn về an ninh chính trị chưa thể giải quyết ảnh 1

Những diễn biến phức tạp tại một số khu vực, cũng như điểm nóng trên thế giới đã và đang làm nảy sinh không ít xung đột và căng thẳng mới. Hơn nữa, mâu thuẫn trong quá trình tập hợp lực lượng giữa các nước lớn cũng được thể hiện khá rõ trong năm 2009.

Chưa khi nào vấn đề giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại được cả thế giới quan tâm, thậm chí còn coi là thách thức mang tính toàn cầu như hiện nay.

Những căng thẳng, bất đồng tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch (từ ngày 7 đến 19-12-2009) là minh chứng rõ nhất. Tuy nhiên, thoả thuận đạt được vào phút chót không đủ mạnh để ngăn chặn trái đất nóng lên - chỉ mang tính biểu tượng và chính trị.

Tuy đắc cử từ cuối năm 2008, nhưng 20-1-2009 mới là thời điểm ông Barack Obama chính thức làm chủ Nhà Trắng và kể từ đó vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử đã đưa ra nhiều quyết định không những liên quan tới nước Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới.

Trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính xảy ra, nhiều người đã khẳng định, Mỹ không còn và không thể giữ vị trí độc tôn như trước đây và điều này đang được minh chứng. Thậm chí khái niệm nhất siêu tứ cường cũng không còn đúng trong bối cảnh hiện nay.

Sự phát triển nhanh chóng và khá ổn định, bền vững của Trung Quốc và Nga, 2 thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc buộc Mỹ phải có sự thay đổi trong  tính toán của mình. Việc hoãn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và hệ thống radar ở Cộng hoà Czech (tháng 9) là sự xuống thang quan trọng của Mỹ trước phản ứng quyết liệt của Nga.

Không chỉ có Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, mà cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Gordon Brown, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đều hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama bởi đây là bước đi quan trọng giúp Mỹ và NATO cải thiện quan hệ với Nga. Tuy là một trụ cột đối với an ninh của Mỹ và là "liên minh thành công nhất trong lịch sử thời hiện đại", nhưng NATO cũng chấp nhận xuống thang khi quyết định tạm dừng kế hoạch mở rộng về phía Đông, gia tăng quan hệ với Nga.

NATO cũng đang thể hiện sự trọng thị đối với Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) bởi phạm vi ảnh hưởng của SCO đang ngày càng lớn mạnh, khiến Mỹ và phương Tây cảm thấy bất an.

Vì quan điểm của Nga đối với Abkhazia và Nam Ossetia không thay đổi nên những bất ổn trong mối quan hệ tứ giác Nga - Mỹ - Gruzia - Ukraine cũng thu hút được sự quan tâm của khu vực.

Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama đã khẳng định, Washington coi quan hệ với Moskva là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Việc không thể ký được hiệp ước mới thay thế START-1 trước khi nó hết hạn ngày 5-12-2009 chứng tỏ mâu thuẫn giữa Mỹ và Nga trong vấn đề kể trên còn rất lớn. Dư luận cũng rất quan tâm tới dự thảo học thuyết quân sự mới của Nga bởi nó chỉ ra những đặc trưng cơ bản của cuộc xung đột vũ trang có thể có liên quan đến Moskva.

Các chính trị gia đã từ bỏ khái niệm "trung tâm kinh tế thế giới Mỹ - Nhật - châu Âu" kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh sự can dự vào nền kinh tế toàn cầu. Theo thống kê, tổng khối lượng đầu tư vào Nam Á, Nam Mỹ, Châu Phi, Trung Đông trong năm 2009 của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể.

Giới bình luận cho rằng, Trung Quốc và Mỹ không những gia tăng kiềm chế lẫn nhau, mà còn cạnh tranh quyết liệt trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, tới kinh tế, văn hoá, xã hội tại khắp các châu lục. Những động thái này khiến Mỹ không thể ngồi yên bởi các quyền lợi của họ đang bị đe dọa. Nhiều người cho rằng, mâu thuẫn Mỹ - Trung chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế, nhưng lĩnh vực chính trị, quân sự mới là nét chủ đạo của mối quan hệ đa dạng, đan xen những lợi ích khác nhau.

Với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc vừa muốn đẩy mạnh, nhưng cũng muốn triệt hạ mối quan hệ đầy mâu thuẫn này. Trung Quốc không những đang thay thế vị trí cường quốc kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nhật Bản để cạnh tranh, mà còn muốn lấn lướt Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác trên thế giới. Tuy có những bất đồng, thậm chí bùng phát căng thẳng, nhưng Mỹ và Trung Quốc luôn tìm mọi cách để dàn xếp, duy trì quan hệ, tránh xảy ra xung đột, cũng như đối đầu trực diện.

Việc rút bớt quân ở Iraq nhằm tăng cường cho chiến trường Afghanistan chứng tỏ Mỹ không còn đủ lực để "chiến thắng trên 2 mặt trận cùng một lúc" như từng tuyên bố. Hơn nữa, việc tăng 30.000 quân không đồng nghĩa với chiến thắng, và càng không thể đảm bảo chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai (tái đắc cử sau cuộc bầu cử ngày 20-8-2009) sẽ nhất mực tuân theo sự chỉ huy của Mỹ.

Mỹ hiểu rằng, không thể giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Iran, cũng như hòa bình Trung Đông nếu thiếu sự đồng thuận của một số quốc gia hữu quan, nhất là Trung Quốc và Nga.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ hai (25-5), phóng thử tên lửa và đặc biệt là vụ xung đột trên biển với Hàn Quốc hồi tháng 11-2009. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã tới CHDCND Triều Tiên để thúc giục Bình Nhưỡng sớm quay lại bàn đàm phán 6 bên.

2009 cũng là năm đánh dấu sự bứt phá quan trọng trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc. Trung Quốc đã cam kết trích 10 tỉ USD từ nhiều khoản vay ưu đãi cho các nước châu Phi, đồng thời giảm và xóa nợ cho 31 quốc gia châu Phi khác. Dư luận cho rằng, Nga và Trung Quốc đang chạy đua trong "chiến lược năng lượng".

Việc khánh thành tuyến đường ống dẫn dầu Trung Quốc - Trung Á (Turkmenistan, Kazakhstan) được coi là một thắng lợi lớn của Bắc Kinh. Nguồn dầu mỏ của Trung Á được thế giới đánh giá là "căn cứ năng lượng trong thế kỷ XXI".

Dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" và "Dòng chảy phương Bắc" không những khẳng định vị thế của Nga trong lĩnh vực năng lượng - cạnh tranh với dự án Nabucco do Liên minh châu Âu tài trợ, mà còn là lời cảnh báo đối với phương Tây.

Những thỏa thuận, dàn xếp, thậm chí xuống thang của Mỹ trong năm 2009 trên nhiều lĩnh vực - từ chính trị, quân sự tới an ninh, kinh tế cho thấy, Mỹ đang học cách chung sống hòa bình với một số cường quốc.

Đương nhiên, những quốc gia hữu quan như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Liên minh châu Âu… cũng đã và đang tìm cách tập hợp lực lượng (từ song phương đến đa phương, từ khu vực đến châu lục) để chiếm vị thế tối ưu trong từng lĩnh vực cụ thể.

Cho tới nay, Mỹ đang tiếp tục lợi dụng triệt để cuộc chiến chống khủng bố, cũng như sự bất ổn tại một số quốc gia để gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại châu Âu, châu Á, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ. Tuy lôi kéo được Australia, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc và một số quốc gia khác trong việc hình thành vành đai chiến lược chạy từ Đông Bắc Á - Nam Á - Trung Á đến Trung Đông để kiềm chế Nga và Trung Quốc, nhưng Mỹ lại thất bại trong việc trấn an đồng minh chiến lược Nhật Bản.

Việc chấm dứt hơn 50 năm gần như cầm quyền liên tục của đảng Dân chủ Tự do (LDP), thay thế bằng đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trong cuộc tổng tuyển cử hôm 30-8 cũng đồng nghĩa với việc, Thủ tướng Yukio Hatoyama sẽ hành động độc lập với Mỹ, bất chấp việc Washington đang trọng thị châu Á.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử bất ổn ngày 12-6. Nhưng sự thay đổi quan điểm của Nga và Trung Quốc - ủng hộ việc lên án Tehran trong vấn đề hạt nhân Iran đang được dư luận quan tâm. Các vụ thử tên lửa của Iran cũng khiến cho mâu thuẫn giữa nước này với Mỹ và Israel càng trở nên sâu sắc và chương trình hạt nhân của Tehran đang đi vào ngõ cụt.

Những bất ổn trên chính trường Israel, Palestine tiếp tục khiến cho hoà bình Trung Đông rơi vào bế tắc. Mâu thuẫn phe phái sâu sắc giữa Fatah với Hamas không những khiến cho nội bộ không thể hoà giải, mà còn ảnh hưởng tới việc thành lập nhà nước Palestine.

Vụ thảm sát chính trị (ngày 23-11-2009) tại Philippines khiến cho cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 6-2010 gặp không ít trắc trở.

2009 cũng là một năm "chiến tranh mạng và gián điệp mạng" bởi điều này đã được Tổng thống Barack Obama đề cập khi có chuyến thăm Nga hồi tháng 7. Nhiều quốc gia đang lên kế hoạch để đối phó với vấn nạn này.

Nhân loại mong muốn, 2010 sẽ là năm yên bình hơn, hạnh phúc hơn, ấm no hơn, tạo sự mở đầu thuận lợi đối với thập niên thứ hai trong thế kỷ XXI, nhưng những vấn đề đe dọa tới nền hòa bình và an ninh toàn cầu vẫn đang là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả thế giới.

Theo Ly Nguyễn - Diệu Hương (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm