Những vụ khủng bố bất thành như… đùa

Thủ phạm đã không thể đạt được mục đích của mình, đồng thời lại là kẻ duy nhất bị thương trong vụ này.

Trong quá khứ đã có không ít những âm mưu khủng bố bất thành không phải vì sự xuất sắc của các cơ quan mật vụ, mà bắt nguồn từ nguyên nhân non nớt của chính những kẻ chủ mưu...

Không biết cách nổ bom

Ngày 25-12-2009, hành khách cùng phi hành đoàn của chiếc máy bay Airbus A330 thuộc Hãng Northwest Airlines trên lộ trình Amsterdam-Deitroit đã kịp thời ngăn chặn được một âm mưu đánh bom khủng bố. Vụ việc trên đã trở thành nguyên nhân của một làn sóng chỉ trích toàn bộ hệ thống an ninh được chính quyền Mỹ thiết lập từ sau sự kiện 11-9-2001.

Những vụ khủng bố bất thành như… đùa ảnh 1

Umar Faruk Abdulmutallab (trái) đã tỏ ra quá vụng về khi không kích hoạt được quả bom trên máy bay

Thủ phạm Umar Faruk Abdulmutallab đáng ra không thể có mặt trên chiếc máy bay, do tên tuổi của hắn đã có trong danh sách những tên khủng bố quốc tế nguy hiểm. Chỉ do sự bất cẩn của các nhân viên hành pháp, Abdulmutallab không những không bị thu hộ chiếu Mỹ mà còn được cho lên một chiếc máy bay tới Mỹ.

Hơn nữa, hắn còn mang được chất nổ trót lọt lên máy bay. May mắn cho hành khách và cả các nhà chức trách Mỹ là Abdulmutallab đã được chuẩn bị quá tồi cho âm mưu của mình, nên hắn chỉ kịp làm bị thương cho chính bản thân.

Theo kế hoạch, Abdulmutallab mang theo một khối chất nổ dẻo cùng với một thành phần pha chế được giấu trong quần áo lót. Thành phần pha chế thứ hai được hắn giấu trong một chiếc ống chích thông thường. Nhiệm vụ sau đó không có gì quá phức tạp: vào thời điểm thích hợp sẽ trộn cả hai thành phần trên để tạo thành phản ứng hóa học gây nổ.

Tuy nhiên, không hiểu Abdulmutallab lúng túng thế nào khiến quả bom không thể nổ, trong khi hắn lại nhanh chóng bị phát giác. Sau khi nghe thấy một vài tiếng nổ lốp đốp nhỏ cùng với một mùi khó chịu, hành khách dễ dàng nhận thấy một thanh niên gốc Phi đang nhăn nhó trong chiếc quần bốc khói của mình.

Dù trên máy bay không có nhân viên an ninh, nhưng hành khách đã bắt trói tên khủng bố và bàn giao cho các nhà chức trách sau khi máy bay hạ cánh. Với cáo buộc âm mưu giết người và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, Abdulmutallab có nguy cơ phải nhận bản án tù chung thân.

Bị lộ vì ham… đóng phim

Nếu như trong vụ Abdulmutallab, các nhà điều tra còn phải tìm hiểu xem tên khủng bố này đã lóng ngóng như thế nào khiến quả bom không thể nổ, thì âm mưu tấn công vào căn cứ quân sự Fort Dix (bang New Jersey) đã bị làm rõ ngay từ đầu. Cần biết căn cứ này chính là nơi trung chuyển của phần lớn quân dự bị được chuẩn bị gửi tới Iraq và Afghanistan. Vào năm 2007, một nhóm 6 tên khủng bố (phần lớn là người gốc Albani từ Kosovo và Macedonia) trang bị tiểu liên, súng phóng lựu và cả vũ khí hạng nặng đã âm mưu tấn công căn cứ này nhằm tiêu diệt ngày càng nhiều số quân nhân tại đây.

Vụ khủng bố đã được chúng chuẩn bị đặc biệt cẩn thận - xây dựng tất cả các phương án, bản đồ của căn cứ, tìm cách tiếp cận nhiều lần để tìm vị trí tấn công tốt nhất và tập hợp cả một kho vũ khí tương đối lớn...

Tuy nhiên, vào ngày 7-5-2007, tức là không lâu trước ngày tấn công đã được ấn định, tất cả 6 tên khủng bố đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ. Tại phiên tòa sau đó mới biết được, toàn bộ quá trình chuẩn bị cho âm mưu trên đã nằm dưới sự giám sát của FBI, thậm chí từng bước đi của chúng đã được một điệp viên cài cắm thành công trong nhóm khủng bố thông báo.

Nhưng nguyên nhân khiến cho FBI bắt đầu để mắt tới những tên khủng bố này thì quả thật là khó tin. Tất cả là do nhóm này đã quá vội vàng trong việc ghi hình lại hoạt động của mình, số hóa và sao chép những băng hình này tại một cửa hàng bên ngoài.

Nhân viên cửa hàng khi nhìn thấy trong băng cảnh những thanh niên luyện tập chiến đấu, đồng thời luôn miệng hô to "Allah vĩ đại!" đã ngay lập tức chuyển cuốn băng trên cho cảnh sát, trước khi tới tay FBI. Sau vài tháng theo dõi, FBI còn cài cắm thành công một điệp viên của mình vào trong nhóm này. Mọi chuyện về sau trở nên quá đơn giản.

Bị bắt vào tháng 5-2007, 5 tên trong số này bị phán quyết phạm tội âm mưu khủng bố vào tháng 12-2008 - 4 tên phải nhận mức án chung thân, 1 tên khác cũng phải chịu mức 30 năm tù giam. Thành viên còn lại vì mức độ can dự chưa sâu nên chỉ nhận mức 5 án năm tù. 

Quên mang đèn bấm

Trung tâm văn hóa mang tên Thomas Jefferson tại Manila (Philippines) từ lâu đã được coi là một biểu tượng của Hoa Kỳ bên cạnh Đại sứ quán nước này. Chính vì vậy vào năm 1991, những tên khủng bố do Cơ quan Tình báo Iraq đứng đằng sau đã quyết định chọn trung tâm này làm mục tiêu tấn công khủng bố trong một kế hoạch nhằm trả đũa chiến dịch "Bão cát sa mạc" của quân đội Mỹ.

Những kẻ thực thi được cung cấp một lượng thuốc nổ lớn trong chiếc túi xách đủ để phá hủy toàn bộ tòa nhà của trung tâm văn hóa (vốn không được bảo vệ nghiêm ngặt ngang bằng đại sứ quán) kèm theo một cơ cấu hẹn giờ.

Nhiệm vụ của tên đặt bom đơn giản chỉ cần bật đồng hồ hẹn giờ, đặt mức thời gian đủ để hắn có thể chuồn ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời cảnh sát cũng không kịp vô hiệu hóa quả bom ngay cả khi phát hiện ra chiếc túi xách. Điều duy nhất mà tình báo Iraq quên cung cấp cho điệp viên của mình là một chiếc đèn bấm nhỏ, và đây chính là nguyên nhân dẫn tới thất bại.

Khi gần tới tòa nhà, một tên đã thò vào túi tìm cách bật thiết bị hẹn giờ. Nhưng do mày mò trong chiếc túi quá tối mà không có đèn, tên này đã đặt sai giờ khiến một lượng thuốc nổ bị kích hoạt ngay lập tức. Tên khủng bố trên đã chết ngay tại chỗ, một đồng bọn khác của hắn bị thương nặng và được nhân viên an ninh của Đại sứ quán Mỹ đưa tới bệnh viện.

Do không còn tỉnh táo sau khi bị thương, tên này đã trao một mảnh giấy nhỏ trong có ghi số điện thoại Đại sứ quán Iraq cho nhân viên Mỹ và yêu cầu giúp liên lạc với một quan chức ngoại giao tại đây. Kết quả là tên khủng bố này sau đó đã bị trục xuất về Iraq để đổi lấy một vài tù nhân Philippines đang bị giam giữ tại nước này.

Thất bại vì những chiếc cột 

Sân bay quốc tế Glasgow - sân bay có lưu lượng hành khách lớn nhất tại Scotland và thứ 8 tại Anh - là mục tiêu tấn công của 2 tên khủng bố: bác sĩ Bilal Abdullah người Anh gốc Iraq và Kafeel Ahmed (một phần tử Hồi giáo Ấn Độ sinh trưởng tại Arập Xêút).

Những vụ khủng bố bất thành như… đùa ảnh 2

Hiện trường vụ đánh bom tại sân bay Glasgow

Âm mưu đầu tiên của chúng đã gặp thất bại khi chiếc xe chứa chất nổ đậu gần sân bay đã bị cảnh sát phát hiện. Nỗ lực thứ hai được những tên khủng bố tiến hành vào ngày 30-6-2007. Lần này, bọn chúng rút kinh nghiệm lần trước, nên quyết định áp dụng kịch bản thông dụng của những tên khủng bố cảm tử: dùng xe lao thẳng vào phòng chờ sân bay rồi cho kích hoạt khối thuốc nổ.

Hai tên khủng bố đã lái chiếc xe jeep với tốc độ 70km/giờ để lao thẳng vào tòa nhà sân bay. Tuy nhiên, chúng đã không tính tới những dãy cột kim loại lớn đã được dựng lên cách khu vực tòa nhà khoảng 10m nhằm ngăn chặn bất cứ chiếc xe nào có thể tiến sát vào đây.

Hậu quả là sau khi va chạm mạnh vào hàng cột trên, chiếc xe phát nổ và bốc cháy. Hai tên khủng bố bị thương cùng ngọn lửa lan khắp người đã nhảy vội khỏi chiếc xe. Ahmed sau đó chết trong bệnh viện vì bỏng quá nặng, còn Abdullah phải ra trước tòa để nhận bản án 32 năm tù.

Không nghiên cứu kỹ máy bay

Một vụ nổ bom trên máy bay thường dẫn tới những thảm kịch. Tuy nhiên, phần lớn hành khách trên chiếc Boeing 747 của Hãng Hàng không Philippine Airlines đã may mắn sống sót sau vụ khủng bố hồi năm 1994 vì một lý do: thủ phạm đã không tính toán đúng kiểu máy bay muốn đánh bom.

Những vụ khủng bố bất thành như… đùa ảnh 3

Ramzi Ahmed Yousef

Quả bom trên chuyến bay số hiệu PAL434 trên hành trình Manila-Cebu-Tokyo được đặt bởi chính tên khủng bố nổi tiếng Ramzi Ahmed Yousef (kẻ đã từng tham gia vào vụ đánh bom đầu tiên tại Trung tâm Thương mại thế giới vào năm 1993). Sau khi lắp ráp thành công trong toalet máy bay, Yousef đã đặt quả bom dưới gầm ghế số 26K, trước khi chuồn khỏi máy bay tại thành phố Cebu.

Theo tính toán của những tên khủng bố sau khi nghiên cứu một phiên bản máy bay Boeing 747, chiếc ghế số hiệu trên nằm ngay sát thùng chứa nhiên liệu. Vụ nổ tại khu vực này sẽ dễ dàng phá hủy thùng chứa khiến máy bay bốc cháy và nổ tung. Chính vì nhận định này, bọn chúng quyết định chỉ sử dụng quả bom có công suất nhỏ.

Tuy nhiên, chiếc máy bay của Philippine Airlines (lắp ráp theo đơn đặt hàng của Hãng SAS) lại có thùng chứa nhiên liệu nằm cách chiếc ghế số 26K tới vài hàng ghế. Chính vì vậy, vụ nổ đã không gây tổn hại đáng kể cho máy bay, ngoài hành khách ngồi ngay trên ghế số 26K bị thiệt mạng.

Chiếc máy bay sau đó đã hạ cánh khẩn cấp thành công xuống hòn đảo Okinawa của Nhật Bản. Ramzi Yousef về sau bị bắt giữ tại Pakistan vào năm 1995, bị dẫn độ sang Mỹ và giờ đây đang phải chịu bản án chung thân trong một xà lim cấm cố ở bang Colorado.

Quá nhiều thuốc nổ

Khu trục hạm The Sullivans của Hải quân Mỹ khi đang thả neo tại cảng Aden (Yemen) đã được những tên khủng bố Al-Qaeda chọn làm mục tiêu tấn công ngay những ngày đầu tiên của năm 2000. Theo kế hoạch, bọn khủng bố sẽ sử dụng một chiếc canô chất đầy thuốc nổ áp sát con tàu trước khi kích hoạt.

Rõ ràng nếu canô chứa càng nhiều thuốc nổ, tổn thất gây ra cho khu trục hạm của Hải quân Mỹ sẽ càng lớn, ngay cả khi không cần áp quá sát con tàu. Đó là lý do khiến những tên khủng bố đã không tiếc chất nổ để lèn đầy mọi khoang của chiếc canô.

Ngày 3-1-2000, chiếc canô chứa đầy thuốc nổ bắt đầu rời bến, lao thẳng ra hướng chiếc khu trục hạm. Tuy nhiên chiếc canô nhỏ bị quá tải do chứa quá nhiều chất nổ, những ngọn sóng đã nhấn chìm nó ngay khi vừa ra đến biển. Rút kinh nghiệm từ bài học đắt giá này, vụ khủng bố sau đó nhằm vào khu trục hạm Cole - lại tương đối thành công.

Nhờ tính toán cẩn thận sự cân bằng của lượng chất nổ với kích thước chiếc canô, bọn khủng bố đã sát hại được 17 thủy thủ trên tàu, chưa kể 39 người khác bị thương. Bản thân khu trục hạm Cole đã phải kéo về sửa chữa trong suốt 3 năm sau đó

Linh Nga tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm