Những vụ tấn công bạo lực không bị truy tố ở Anh

Có lẽ sự đau đớn của thể xác không lớn bằng sự tổn hại tinh thần đối với Dean Martin khi mà hung thủ tấn công anh không hề bị pháp luật trừng trị thích đáng. Câu chuyện của Dean Martin gây sốc không chỉ vì nó khắc họa tính bạo lực đang trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày ở Anh. Nhưng cũng vì nó nói lên hiện trạng những kẻ tấn công bạo lực vẫn tiếp tục sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Những vụ tấn công bạo lực không bị truy tố ở Anh ảnh 1

Lauren Smith và Dean Martin

Tội phạm bạo lực không bị trừng phạt đã khiến con số những vụ tấn công nhằm vào người nước ngoài ngày càng tăng cao. Trong năm 2008, báo cáo của cảnh sát cho biết hơn 1 triệu vụ tấn công bạo lực xảy ra nhưng các chuyên gia tin rằng con số thực sự có lẽ còn cao hơn nhiều.

Shelley Jofre, phóng viên điều tra của BBC 1 Panorama, đã có bài tường thuật về những vụ tấn công bạo lực xảy ra nhan nhản hàng ngày ở Anh và phê phán mạnh mẽ hệ thống tư pháp nước này. Báo chí Anh cho biết cảnh sát chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo những kẻ phạm tội, từ trộm cắp cho đến hành hung người khác. Jofre nói: "Hiện nay, một nửa trong tổng cộng tất cả các vụ việc tấn công bạo lực chỉ được xử lý bằng lời cảnh cáo và tiền phạt".

Cựu nữ tiếp viên hàng không Lauren Smith đã bị đánh đập dã man sau khi cố can thiệp vào trận ẩu đã giữa một người bạn và bạn trai của chị. Chị lãnh trọn một quả đấm vào mặt mạnh đến mức bị bất tỉnh và không mở mắt được khi tỉnh dậy. Kẻ tấn công còn cắn vào cổ tay của Lauren Smith. Cho đến nay vết cắn đã thành sẹo nhưng bàn tay chị không còn cảm giác như xưa nữa.

Lauren nói: "Theo lời của cảnh sát thì đây là trường hợp ABH (gây tổn hại thân thể thực sự) nên tôi nghĩ kẻ tấn công tôi phải vào tù hay chí ít cũng bị xét xử trước tòa án. Cảnh sát nói hung thủ đã nhận tội nhưng sau đó hắn được thả ra mà chỉ bị cảnh cáo".

Theo luật định, nếu một người nhận tội thì cảnh sát có thể sử dụng quyền tự do quyết định để cảnh cáo đối với trường hợp phạm tội không nghiêm trọng. Nhưng cụm từ "phạm tội không nghiêm trọng" đã bị lợi dụng để châm chước cho những tội phạm mà người ta không thể cho đó là "không nghiêm trọng".

Theo Viện Công tố, những trường hợp cố ý gây thương tích nặng cho thân thể người khác (GBH) bao gồm: sự gây tổn thương dẫn đến tình trạng tàn tật hay mất chức năng giác quan, biến dạng mặt mày, các chi hay xương bị gãy hay trật khớp v.v... Tất cả những tổn thương này, đối với bất cứ người bình thường nào, đáng bị pháp luật trừng phạt hơn chỉ là sự cảnh cáo cho qua chuyện.

Trong khi đó cảnh sát lập luận rằng, biện pháp cảnh cáo kẻ tấn công bạo lực không phải là quyết định có tính nhân nhượng, mà hành vi của hung thủ sẽ được lập biên bản và nếu tái phạm lần thứ hai đối tượng sẽ bị truy tố ra tòa án. 

Thực tế không chỉ có hành vi tấn công bạo lực được xử lý bằng lời cảnh cáo. Trong năm 2008, biện pháp cảnh cáo cũng được cảnh sát sử dụng cho các vụ việc như trộm cắp, bỏ mặc trẻ em, tấn công tình dục và thậm chí cưỡng dâm. Chuyện ít ai ngờ là cảnh sát được phép phạt bọn tội phạm tấn công bạo lực từ  50 đến 80 bảng Anh để giảm bớt công việc giấy tờ! Chính thực tế này đã khiến công luận phản ứng dữ dội.

Sau khi John Guest bị tấn công ngay trong nhà anh ở Dorset, kẻ tấn công chỉ bị cảnh cáo và bồi thường 200 bảng Anh - số tiền không đủ để bù đắp cho sự hư hại nhà cửa mà hung thủ gây ra. Nhưng Guest đã đưa vụ việc ra tòa án và hai thẩm phán đã tuyên án kẻ tấn công 6 tuần tù treo và buộc bồi thường thiệt hại vật chất với số tiền là 1.000 bảng Anh cho nạn nhân.

Theo THỤC MIÊN (ANTG/Daily Mail)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm