Ông Bannon rời Nhà Trắng, quay trở lại 'cỗ máy tàn sát'

Ông Steve Bannon, nhà chiến lược trưởng Nhà Trắng, vừa bị Tổng thống Donald Trump sa thải ngày 18-8. So với lúc còn trong đội ngũ Nhà Trắng, ông Bannon rời đi có thể sẽ còn nguy hại hơn cho ông Trump, theo Reuters.

Lo ngại này đã được kiểm chứng chỉ trong vài giờ sau thông tin ông Bannon bị sa thải, khi xuất hiện phản ứng mạnh từ bộ phận bảo thủ giận dữ với quyết định này của ông Trump. Với bộ phận này, ông Bannon là đại diện của họ trong chính phủ Trump.

Trước khi làm trưởng chiến lược Nhà Trắng, ông Bannon lãnh đạo chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, có vai trò lớn trong việc thu hút cử tri bảo thủ, mang lại chiến thắng cho ông Trump.

Phản ứng mạnh nhất là từ trang tin cực hữu Breitbart News, nơi ông Bannon lãnh đạo trước khi hợp tác với ông Trump năm ngoái.

“Chiến tranh”  là từ biên tập viên Joel Pollak của trang Breitbart News viết trên Twitter.

“Steve Bannon là hiện thân của kế hoạch hành động của ông Trump” - ông Pollak đặt câu hỏi liệu có phải ông Trump sẽ chuyển hướng ôn hòa hơn với việc cho ông Bannon rời Nhà Trắng.

4 người trong bức ảnh này đã bị sa thải sau khi cùng vào Nhà Trắng với ông Trump:

Bốn người trong bức ảnh này đã bị sa thải sau khi cùng vào Nhà Trắng với ông Trump: Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn(phải) - ngày 13-2; thư ký báo chí Sean Spicer (thứ hai, bên phải) - ngày 21-7; Chánh Văn phòng Reince Priebus  (thứ hai, bên trái) - ngày 28-7 và ông Bannon (đứng, thứ ba bên phải) - ngày 18-8. Ảnh: NEW YORK TIMES

Về phần mình, sau khi rời Nhà Trắng, ngay chiều 18-8 ông Bannon quay trở lại làm chủ tịch điều hành Breitbart News - từng được ông ví là “cỗ máy tàn sát”. Theo ông Bannon, sự ra đi của ông là dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi lớn trong kế hoạch hành động của ông Trump.

“Chính phủ Trump mà chúng tôi đã chiến đấu và chiến thắng đã kết thúc. Tôi chỉ nghĩ về khả năng hoàn thành các mục tiêu của ông ấy, đặc biệt các mục tiêu lớn hơn, rộng hơn, như xây tường biên giới Mexico sẽ khó hơn rất nhiều” -ông Bannon nói với  tờ bảo thủ Weekly Standard.

Ông Bannon cho biết sẽ dùng Breitbart News như một phương tiện chiến đấu với bộ phận phản đối chủ trương dân túy, dân tộc chủ nghĩa, ngay cả trong hàng ngũ Cộng hòa. Và theo Reuters là không loại trừ ông Trump.

Lúc còn là nhà chiến lược trưởng Nhà Trắng, ông Bannon xung đột rất nhiều với các cố vấn cấp cao của ông Trump cũng như nhiều lãnh đạo Cộng hòa cấp cao về kế hoạch chính sách của chính phủ. Đối đầu với ông Bannon tại Nhà Trắng là tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia; Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary John; con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner của ông Trump. Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster từng bị Breitbart News công kích.

“Steve là tiếng nói quyền lực và ông ấy sẽ tiếp tục phát huy tiếng nói này. Ông ấy sẽ tiếp tục vận động cho các chính sách đã giúp đưa ông Trump vào Nhà Trắng” - theo ông Sam Nunberg, bạn ông Bannon và cựu cố vấn tranh cử của ông Trump.

Theo Reuters, việc ông Bannon ra đi có thể là chiến thắng ngắn hạn của bộ phận chủ trương ôn hòa tại Nhà Trắng nhưng không có nghĩa là cuộc chiến các chính sách về an ninh quốc gia, nhập cư, kinh tế không còn nữa.

“Ông Trump vẫn luôn luôn là Trump khi quyết định về nhập cư, thương mại và chính sách đối ngoại. Steve là cố vấn cấp cao nhất chia sẻ chủ trương này với ông Trump. Ông Bannon ra đi cũng sẽ không có sự thay đổi nào” - một quan chức chính phủ Trump nhận định. Theo quan chức này, mọi người luôn đánh giá quá cao về ảnh hưởng của ai đó lên ông Trump. Khi không còn ông Bannon để phản đối các ý tưởng chính sách từ bộ phận ôn hòa, ông Trump sẽ dễ thắng lợi trong cuộc chiến chính sách hơn.

Nhà hoạt động cực hữu Mike Cernovich viết trên trang Twitter có đến 300.000 người theo dõi rằng ông Bannon bị sa thải là để mở đường cho Nhà Trắng tăng quân đến Afghanistan - điều ông Bannon luôn phản đối.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.