Putin làm tổng thống, Mỹ lại lo

Ứng cử viên Vladimir Putin được 63,6% số phiếu, Gennady Zyuganov (đảng Cộng sản) 17,18%, Mikhail Prokhorov (ứng cử viên độc lập) 7,98%, Vladimir Zhirinovsky (đảng Tự do dân chủ) 6,22% và Sergei Mironov (đảng Nước Nga công bằng) 3,85%.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ sẵn sàng làm việc với ông Putin và vẫn hy vọng Nga sẽ hợp tác trong vấn đề giải quyết khủng hoảng Syria và hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.

Viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation (Mỹ) nhận định trước sự kiện ông Putin trở lại điện Kremlin, sắp tới sẽ là thời gian khó khăn trong quan hệ Mỹ-Nga bởi ông Putin vẫn luôn giữ quan điểm cứng rắn với Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Putin đã tạo dựng hình ảnh một nước Nga đang bị phương Tây lăm le tấn công. Ông cũng từng cáo buộc Ngoại trưởng Hillary Clinton ủng hộ biểu tình ở Nga trong thời gian gần đây. Và nhiều khả năng chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Putin sắp tới sẽ bám theo quan điểm cứng rắn ấy.

Viện Heritage Foundation nhận định cho dù Mỹ luôn lặp đi lặp lại không hề muốn tranh giành ảnh hưởng của Nga, đặc biệt tại Trung Đông và lục địa Á-Âu, tuy nhiên vẫn không trấn an được Nga. Do đó, ông Putin và Nga sẽ tiếp tục tìm cách ngăn cản không để Mỹ tự tung tự tác hành động ở hai khu vực này mà không có ý kiến của Nga.

Theo Viện Heritage Foundation, chính sách ngoại giao cứng rắn của Nga đòi hỏi Mỹ phải chuẩn bị chấp nhận khả năng có thể thất bại trong nỗ lực hâm nóng quan hệ với Nga. Viện Heritage Foundation nhận định chính phủ Mỹ cần quan tâm đến một số khả năng đối phó với chính sách chống Mỹ của ông Putin như sau:

● Mỹ cần xem lại chiến lược hâm nóng quan hệ với Nga. Tổng thống Mỹ nên chỉ đạo Hội đồng An ninh quốc gia thành lập lực lượng đặc nhiệm nghiên cứu thật kỹ chính sách của Nga sau khi ông Putin trở lại vị trí tổng thống.

● Mỹ cần củng cố hơn nữa quan hệ với các nước Đông Âu và lục địa Á-Âu vốn bị Mỹ lơ là trong hai năm đầu Tổng thống Obama cầm quyền. Đặc biệt Mỹ cần chú trọng quan hệ với các nước đang quan tâm lớn đến chủ quyền như Azerbaijan, Grudia, Kazakhstan, Turkmenistan, Ukraine, Uzbekistan. Nếu cần thiết, Mỹ có thể hỗ trợ các nước này về kinh tế và hợp tác quân sự. Điều này phù hợp trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan.

● Quốc hội Mỹ nên xem xét thông qua dự luật giải trình luật pháp Sergei Magnitsky (tên luật sư Nga chết trong tù vì liên quan đến đường dây tham nhũng ở Nga). Dự luật cấm các quan chức nước ngoài từng bị cáo buộc tham nhũng nhập cảnh vào Mỹ và cho phép tòa án Mỹ phong tỏa tài sản tham nhũng của đối tượng này ở Mỹ.

Viện Heritage Foundation dự đoán nếu Tổng thống Putin tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống thứ hai lần nữa (năm 2018-2014), quan hệ Nga - Mỹ lúc đó sẽ là quan hệ được - mất: Một bên có lợi bao nhiêu thì bên kia sẽ mất bấy nhiêu. Và quan hệ như thế sẽ ngăn cản hai bên hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi như chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân, phát triển kinh tế.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm