Sự khác nhau giữa “danh sách giám sát” và “danh sách cấm bay”

Tác giả của bài viết này, ông Clark Kent Irwin từng đảm nhận vai trò Tổng giám sát Bộ An ninh nội địa dưới thời Tổng thống George.W. Bush.

Lỗ hổng thông tin

Bài viết của ông Irwin cho biết, Abdulmutalla không hề bị liệt vào "Danh sách cấm bay" (No Fly List) mà chỉ bị đưa vào "Danh sách giám sát". Nguyên nhân bị liệt vào "Danh sách giám sát" là vì cha của hắn, một cựu chủ tịch ngân hàng hàng đầu Nigeria từng cảnh cáo Chính phủ Mỹ, nói rằng tư tưởng của Abdulmutalla đã ngày càng “cấp tiến”.

Sự khác nhau giữa “danh sách giám sát” và “danh sách cấm bay” ảnh 1

Mỹ thắt chặt an ninh hàng không sau vụ đánh bom bất thành dịp Giáng sinh 2009

Song một quan chức của chính quyền Obama nói: "Thông tin mà chính phủ nắm được không đủ để đưa Abdulmutalla vào “Danh sách cấm bay”.Nguồn tin của BBC (Mỹ) cũng nói rằng, tên của Abdulmutalla có trong kho số liệu "có quan hệ mật thiết với các phần tử khủng bố".

Bản danh sách... vài triệu người

Các phương tiện truyền thông Mỹ có khi cũng gọi "Danh sách cấm bay" là "Danh sách giám sát các phần tử khủng bố" (Terrorist Watch List). Điều này khiến cho người dân dễ dàng nhầm lẫn trong việc phân biệt hai bản danh sách.

Thực tế, "Danh sách giám sát" và "Danh sách cấm bay" khác biệt rất lớn. Những người trong "Danh sách cấm bay" bị Chính phủ Mỹ cấm lên các chuyến bay ra vào nước Mỹ hoặc bay trong nội địa Mỹ. Ông Irwin nói: Chỉ khi một người bị cho là tạo ra mối đe dọa với các chuyến bay thì mới bị liệt vào "Danh sách cấm bay".

"Danh sách cấm bay" có một quá trình diễn biến theo từng bước. Trước sự kiện "11-9", Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã có một danh sách "Cấm di chuyển" (No Transport), bao gồm 16 người, lý do là những người này "có khả năng gây ra mối đe dọa với các phương tiện giao thông".

Đến tháng 11-2001 (tính từ thời điểm sau vụ "11-9"), số người trong danh sách này lên tới khoảng 400 người, bản danh sách này được chuyển tới Cục Quản lý hàng không Liên bang Mỹ để xử lý trong cùng tháng.

Trung tuần tháng 12-2001, "Danh sách cấm bay" chính thức ra đời, trong đó có 594 người bị nghiêm cấm lên máy bay. Ngoài ra, còn có bản danh sách "Được phép bay có lựa chọn" (Selected List) bao gồm 365 người, những người này buộc phải thông qua các cuộc kiểm tra an ninh vô cùng nghiêm ngặt trước khi lên máy bay.

Chính phủ Mỹ không công khai "Danh sách cấm bay". Thế nhưng, vào tháng 10-2008, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ bấy giờ, Michael Chertoff cho hay, "Danh sách cấm bay" chỉ bao gồm 2.500 người, ngoài ra còn có 16.000 người thuộc danh sách "Được phép bay có lựa chọn", những người này "có thể lên máy bay sau khi trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt". Song bài viết đăng trên mạng tin tức Fox News trước đó vài ngày lại đưa tin, "Danh sách cấm bay" mà Chính phủ Mỹ quyết định vào khoảng 4.000 người.

Bất luận thế nào đi nữa, việc Abdulmutalla chưa bị liệt vào "Danh sách cấm bay" là điều chắc chắn, cũng không có nguồn tin nào nói rằng, tên này đã bị đưa vào danh sách "Được phép bay có lựa chọn".

Trang web của tờ New York Times ngày 20-6-2009 đưa tin, những người bị Chính phủ Mỹ nghi ngờ có liên hệ với các phần tử khủng bố sẽ có tên trong "Danh sách giám sát".

Số người trong "Danh sách giám sát" nhiều hơn rất nhiều so với "Danh sách cấm bay". Tháng 4-2008, một tổ chức phi chính phủ mang tên "Liên minh dân quyền Mỹ" ước tính: danh sách này đã có 1 triệu người, và đang tiếp tục tăng lên.

Hai bản danh sách bị lên án

Sự phê phán với "Danh sách cấm bay" chủ yếu tập trung ở cái gọi là "dương tính giả". "Dương tính giả" là một từ bắt nguồn từ thuật ngữ y học, để chỉ "không bị nhiễm virus song kết quả hóa nghiệm lại là dương tính". Hệ thống máy tính của các sân bay Mỹ tương đối "non kém", nếu vị hành khách nào trùng tên với một người nào đó trong "Danh sách cấm bay", máy tính sẽ từ chối giấy tờ của họ, kiểu phản ứng này chính là "dương tính giả".

Lúc bấy giờ, người khách đó sẽ phải tới khu làm thủ tục để chứng minh mình không phải là người trong "Danh sách cấm bay" (hầu hết thông qua việc kiểm tra ngày/tháng/năm sinh ghi trên hộ chiếu). Nếu người làm thủ tục ở sân bay quá nhiều, thì việc làm như thế này sẽ rất lãng phí thời gian, không ít người đã bị nhỡ chuyến bay vì những lý do này.

Song do "Danh sách giám sát" có quá đông người nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. "Liên minh dân quyền Mỹ" lên án chính phủ đã coi quá nhiều người là đối tượng tình nghi khủng bố, lãng phí nhân lực và vật lực.

Thực tế, số người trong danh sách quá đông dẫn tới việc chính phủ Mỹ không kiểm soát được. Nguồn tin từ CNN Mỹ vừa qua cho hay, những người trong "Danh sách giám sát" vẫn có thể mua được súng, có một người từng mua được hơn 22 kg thuốc nổ!

Mấy năm gần đây, rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nghi ngờ việc hai bản danh sách này xâm phạm đến đời tư của công dân, chính phủ không minh bạch trong quá trình làm việc... Ngoài ra, còn có phương tiện truyền thông chỉ trích cơ quan chính phủ có sự phân biệt về tôn giáo và chủng tộc khi đưa ra những bản danh sách này.

Theo T.H.T.(ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm