Suy thoái Trung Quốc sẽ ảnh hưởng toàn cầu

 Chuyên gia kinh tế Pháp Antoine Brunet ghi nhận Trung Quốc không thừa nhận đang đối phó với kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Họ cứ lặp đi lặp lại tăng trưởng đã đạt ổn định 7% trong khi số liệu thống kê đã bác bỏ điều đó. Doanh số xe máy giảm sút. Tê liệt kéo dài trong lĩnh vực bất động sản. Xuất khẩu và nhập khẩu đều thụt lùi.

Nhà kinh tế Thụy Sĩ Mark Faber cho rằng GDP thực sự của Trung Quốc chỉ đạt 4%. Chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc thường dựa vào thặng dư thương mại để tăng trưởng và gián tiếp gây suy thoái cho các nước lớn khác (Mỹ, Nhật, châu Âu, Nga, Brazil, Ấn Độ…). Song song theo đó, Trung Quốc không chú ý gì đến nâng lương và nhu cầu tiêu dùng.

Lần đầu tiên chiến lược phát triển kinh tế và địa-chính trị đã quay lại gây hại cho Trung Quốc vì hai yếu tố:

Phần lớn giá các nguyên liệu sản xuất đã lao dốc. Đây là hiện tượng chưa từng thấy từ những năm 1930. Từ tháng 3-2011, giá nguyên liệu bắt đầu trượt dốc cho đến tháng 7-2014 thì giảm mạnh rồi tăng nhẹ trong năm tháng đầu năm nay. Như vậy các nước xuất khẩu nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng.

Tình hình lương công nhân ở Trung Quốc không tăng trong khi đây chính là yếu tố chủ yếu gia tăng tính cạnh tranh. Trong khi đó, những người có thu nhập cao tại Trung Quốc lại chi dùng và đầu tư ít đi. Từ đó mức tiêu thụ nội địa và GDP ắt phải giảm.

Giải thích trên báo Le Figaro(Pháp), chuyên gia Antoine Brunet cho rằng tình hình kinh tế phát triển chậm lại ở Trung Quốc chưa chấm dứt. Đó là dấu hiệu báo hiệu nhiều diễn biến bất lợi khác. Ví dụ: Do sản xuất công nghiệp dư thừa (đặc biệt là thép), dự báo đầu tư vào công nghiệp sẽ bị tê liệt.

Công tác quản lý đối với khủng hoảng bất động sản và khủng hoảng thị trường chứng khoán sẽ trở nên phức tạp. Người dân Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp có thu nhập thấp, có nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng. Thất nghiệp lại gia tăng.

Trả lời câu hỏi tình hình kinh tế suy giảm ở Trung Quốc có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu hay không, chuyên gia Antoine Brunet không loại trừ khả năng này. Do tình hình xấu từ các nước xuất khẩu, tăng trưởng GDP ở Mỹ sẽ giới hạn ở mức 1,5%/năm và ở châu Âu là 1%/năm. Tốc độ phát triển chậm tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc. Chỉ có Ấn Độ có thể tăng nhẹ GDP. Nói chung, GDP toàn cầu rất khó phát triển theo hướng tốt.

Dự báo các nước xuất khẩu chỉ vực dậy nếu mức tăng GDP toàn cầu vượt trên 3,5%. Nếu Trung Quốc chấp nhận phá giá nhân dân tệ hoặc tăng lương đáng kể, xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng trở lại và GDP của các đối tác mới có thể tăng.

DẠ THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm