Syria: Mỹ từ kẻ dẫn đầu trở thành người ngoài cuộc

Nhiều năm dài không chấm dứt được nội chiến Syria, giờ, khi Tổng thống Barack Obama sắp mãn nhiệm, Mỹ từ vị trí dẫn đầu dàn xếp cuộc nội chiến này lại trở thành một kẻ ngoài cuộc, theo AP.

Trong một cuộc họp báo chia tay ngày 5-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định chính phủ chưa từ bỏ về Syria, hy vọng các bên tham chiến có thể có “các cuộc hội đàm thực chất” để đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói Ngoại trưởng Kerry vẫn đang duy trì liên lạc với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Ả Rập về các nỗ lực ngừng bắn, cũng như duy trì tham vấn với phe nổi dậy. Tuy nhiên, mức độ chỉ là duy trì, chưa đến mức chấm dứt hẳn thôi chứ không phải tích cực, thường xuyên. Thực tế, Ngoại trưởng Kerry đã không còn liên lạc với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kể từ ngày 27-12-2016, trong khi trước đó có thời điểm họ hầu như liên lạc hàng ngày về Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo chia tay ngày 5-1 ở Bộ Ngoại giao tại Washington (Mỹ). Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo chia tay ngày 5-1 ở Bộ Ngoại giao tại Washington (Mỹ). Ảnh: AP

Trong tình hình chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là mãn nhiệm, nhường chỗ cho chính phủ ông Donald Trump, chính phủ Obama không còn đủ thời gian trở lại vị trí lãnh đạo nỗ lực đàm phán hòa bình - vốn đã dẫn đầu không thành công trong nhiều năm qua.

Có thể nói, Mỹ đã để mất vai trò dẫn đầu về tay Nga, theo sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Sau khi giúp quân chính phủ Syria đuổi được phe nổi dậy khỏi Aleppo tháng trước, Nga trở thành một sứ giả tìm kiếm hòa bình cho Syria khi vận động được một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn Syria mà không cần có sự giúp sức của Mỹ.

Nga ngày 6-1 cũng đồng thời thông báo rút bớt lực lượng quân sự khỏi Syria - một điều khoản Nga đồng ý với phe nổi dậy Syria để có được thỏa thuận ngừng bắn mới nhất này. Và hiện các đặc phái viên Nga đang vận động để chính phủ và phe nổi dậy Syria quay lại đối thoại sau gần một năm bị ngưng, thời gian và địa điểm được xác định là cuối tháng này ở Astana (Kazakhstan).

Vì chưa biết chính phủ ông Trump sẽ hành động thế nào với Syria, các nhà ngoại giao Mỹ đâm ra cũng chần chừ đưa ra các sáng kiến về Syria, vì các sáng kiến cần có vai trò lâu dài của Mỹ. Kết quả là Mỹ vẫn nước đôi trong quyết định có hay không tham gia vòng đối thoại hòa bình dự kiến cuối tháng này ở Kazakhstan, dù chỉ với vai trò nước quan sát. Một số quan chức Mỹ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã mở lời là sự có mặt của Mỹ sẽ được chấp nhận, tuy nhiên Mỹ vẫn chưa ra quyết định.

Có thể thấy rõ sự nước đôi này qua câu nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 6-1 “Chúng tôi có thể không có mặt ở Astana, chúng tôi có thể không có mặt ở Moscow nhưng không có nghĩa là chúng tôi sẽ rời bỏ vấn đề Syria”.

Mỹ từ kẻ dẫn đầu trở thành người ngoài cuộc về Syria. Ảnh: US NEWS

Mỹ từ kẻ dẫn đầu trở thành người ngoài cuộc về Syria. Ảnh: US NEWS

Gần sáu năm trước, Tổng thống Obama yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức và cho phép chuyển tiếp dân chủ. Tuy nhiên, với việc ông Obama không muốn kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông đồng nghĩa với việc Mỹ không có khả năng định hình được kết quả đó. Và việc Mỹ giữ vai trò là một kẻ bên lề vài tháng nay có nghĩa Mỹ càng ít có khả năng quyết định tương lai Syria và bảo vệ các quyền lợi cơ bản của Mỹ, chẳng hạn an ninh đồng minh Israel và cuộc chiến chống IS.

Một số quan chức Mỹ nói với nhau rằng chính phủ Mỹ tự nguyện nhường lại nhiệm vụ phức tạp là tìm kiếm hòa bình cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, để cho các nước này hiểu được sự khó khăn của nhiệm vụ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm