Tại sao Obamacare đánh bại Trumpcare?

Với việc Hạ viện hủy bỏ phiếu về dự luật bảo hiểm y tế của Tổng thống Donald Trump - dự luật bảo hiểm y tế Mỹ (AHCA) hay còn gọi là Trumpcare, luật bảo hiểm y tế Tổng thống Barack Obama ban hành năm 2010 - Obamacare vẫn không bị suy suyển. Hay có thể nói đến thời điểm này Trumpcare đã bị Obamacare đánh bại.

Những người phản đối Obamacare hay ủng hộ Trumpcare quay sang chỉ trích lẫn nhau cho thất bại. Trong khi các nhà báo cho ông Trump thiếu kỹ năng vận động thì thành phần trung thành với ông Trump lại đổ lỗi cho ông Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện, vốn đa số là phe Cộng hòa.

“Tôi nghĩ là ông Paul Ryan đã chơi khăm Tổng thống Trump một vố nặng. Tôi nghĩ tổng thống đã cực kỳ dũng cảm khi đề cập đến bảo hiểm y tế và tin tưởng người khác sẽ cùng bắt tay với việc đó” - Tổng Giám đốc trang tin Newsmax Chris Ruddy và là bạn lâu năm của ông Trump nói với Bloomberg.

Trong khi đó ông David Brooks, nhà bình luận chính trị bảo thủ trên New York Times, cho rằng: “Tổng thống đã có niềm tin rằng ông Paul Ryan sẽ có kế hoạch tốt và rồi thật thất vọng. Phe Cộng hòa thiếu tầm nhìn và chia rẽ”.

Trumpcare đã không đánh đổ được Obamacare. Ảnh: GETTY IMAGES

Trumpcare đã không đánh bại được Obamacare. Ảnh: GETTY IMAGES

Với nhà bình luận Jonathan Chait của tạp chí New York, lý do Trumpcare không hủy bỏ được Obamacare, mà chính mình lại bị hủy bỏ, vì nó không tốt hơn Obamacare.

Cải cách hệ thống bảo hiểm y tế vốn là một việc cực kỳ gian nan và khó khăn. Điều làm cho nhiều người ngần ngại sửa đổi bảo hiểm y tế là vì hệ thống càng tệ bao nhiêu thì càng khó thay đổi bấy nhiêu. Điểm cộng của Obamacare là khả năng choàng gánh chi phí bảo hiểm y tế cho rất nhiều người không có được bảo hiểm, giải quyết được một vấn đề chính trị đã làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu cải cách bảo hiểm y tế trong hàng thập kỷ.

Không một nhà phân tích nào nói rằng Obamacare đã khiến hệ thống chăm sóc y tế tệ hơn. Dù vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện nhưng nhờ Obamacare, chính phủ chi trả ít hơn cho hệ thống y tế trong khi thêm 20 triệu người có bảo hiểm, lạm phát y tế đang ở mức thấp nhất trong 50 năm qua.

Tổng thống Obama ký thông qua luật Obamacare ngày 23-3-2010. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Obama ký thông qua luật Obamacare ngày 23-3-2010. Ảnh: GETTY IMAGES

Trước khi Trumpcare thành hình, quyết tâm thay thế Obamacare bằng Trumpcare của các thành viên Cộng hòa rất cao - ý chí này vốn được thai nghén từ bảy năm qua. Tuy nhiên, khi nhìn thấy được nội dung Trumpcare, không ít thành viên đã phải thừa nhận nó không tốt bằng Obamacare, tỉ lệ ủng hộ Trumpcare ở Hạ viện chỉ 17%.

Washington Post đưa ý kiến của ông Jared Bernstein, nhà kinh tế trưởng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Vì Ngân sách và các ưu tiên chính sách, lý giải tại sao phe Cộng hòa không hủy bỏ được Obamacare.

Biểu tình phản đối hủy bỏ Obamacare ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 23-3. Ảnh: REUTERS

Người dân Mỹ biểu tình phản đối hủy bỏ Obamacare ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 23-3. Ảnh: REUTERS

Một trong những lý do đó là họ ghét nhưng không hiểu rõ Obamacare. Nhiều thành viên Cộng hòa chỉ biết đây là một chương trình chính phủ xài tiền thuế của dân, không thật sự nắm rõ Obamacare hoạt động như thế nào, bao nhiêu người được lợi thế nào từ nó, hay muốn thay thế nó thì phải thế nào. Trong khi đó Trumpcare với các điều khoản cắt giảm chi phí áp lên người giàu và tăng chi phí lên người nghèo phản ánh rõ chính sách của phe Cộng hòa nhưng lại không phải là chính sách phù hợp với bảo hiểm y tế.

Các thăm dò gần đây, trong đó có của Trung tâm Thăm dò Pew cho thấy tỉ lệ ủng hộ Obamacare đang ở mức cao nhất trong bảy năm qua, 54% ủng hộ và 43% phản đối. Theo ông Bernstein, có thể buồn cười nhưng một phần lý do có thể nhờ những nỗ lực hủy bỏ Obamacare của phe Cộng hòa gần đây.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.