Tại sao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ tái điều tra vụ thảm sát El Mozote?

Tại sao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ tái điều tra vụ thảm sát El Mozote? ảnh 1
Rufina Amaya, một trong những nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát El Mozote.

733 người, trong đó có trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi đã bị một đơn vị quân đội El Salvador được Mỹ huấn luyện và làm cố vấn bắn giết rồi đốt cháy để phi tang chứng cứ.

Trong khi thông tin về vụ thảm sát dần dần xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thì chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan lại tìm cách bưng bít, phủ nhận khi cho rằng đó chỉ là một sự phao tin đồn của Mặt trận Giải phóng quốc gia Farabundo Marti (FMLN), một tổ chức vũ trang cách mạng đòi bãi bỏ chế độ độc tài thân Mỹ để thiết lập một chính quyền cách mạng nhân dân tại El Salvador.

Và chính do Mỹ cứ cố tình bao che vụ thảm sát mà đến năm 2005, theo kiến nghị và cả áp lực của dư luận quốc tế, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OEA) quyết định tái điều tra vụ thảm sát tồi tệ này để tìm ra sự thật.

Trưa ngày 10/12/1981, nhiều đơn vị của Tiểu đoàn Atlacatl hành quân bằng đường bộ và trực thăng đến làng El Mozote sau khi vừa có một trận chạm súng với quân du kích FMLN tại làng Arambala lân cận trước đó.

Tiểu đoàn Atlacatl là một đơn vị cơ động có chức năng phản ứng nhanh và chống chiến tranh du kích của quân đội El Salvador được thành lập vào năm 1980 tại Học viện Quân sự châu Mỹ của quân đội Mỹ tại Panama . Sau đó, toàn bộ binh lính và sĩ quan của Tiểu đoàn Atlacatl được đưa đến căn cứ quân sự Fort Bragg của Lực lượng đặc biệt Mỹ tại bang Bắc Carolina để được huấn luyện bổ sung nghiệp vụ chống du kích.

Tháng 4/1981, toàn bộ Tiểu đoàn Atlacatl được đưa về lại El Salvador và làm lễ xuất quân vào ngày 1/6/1981. Có đến 6 sĩ quan của Lực lượng đặc biệt Mỹ làm cố vấn cho Tiểu đoàn Atlacatl.

Sau khi tiến quân vào làng El Mozote, binh lính của Tiểu đoàn Atlacatl ra lệnh cho toàn bộ dân cư phải rời khỏi nhà cửa để chúng lục soát và sau đó tra hỏi về hoạt động của quân du kích

Tiếp đến, chúng ra lệnh cho dân làng trở vào nhà và không được ra ngoài, nếu bất tuân lệnh sẽ bị bắn chết. Đến sáng 11/12/1981, binh lính lại buộc dân làng ra khỏi nhà, tách đàn ông, phụ nữ, trẻ con thành từng nhóm rồi lùa vào nhà thờ, trường học, trạm xá và cả nhiều ngôi nhà khác, sau đó tra khảo và cuối cùng là bắn chết. Sau đó chúng phóng hỏa, đốt phá để phi tang tội ác.

Ngày 15/12/1981, Đài Phát thanh bí mật của FMLN bắt đầu đưa tin về vụ thảm sát gần 1.000 người dân tại làng El Mozote bởi quân đội El Salvador. Và chỉ đến ngày 20/12/1981, FMLN mới chính thức cảnh báo cho các tổ chức nhân đạo quốc tế, Ủy ban nhân quyền của OEA và các phương tiện thông tin đại chúng về việc đã xảy ra một thảm họa diệt chủng tại làng El Mozote đối với cả ngàn dân thường vô tộị.

Tại sao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ tái điều tra vụ thảm sát El Mozote? ảnh 2
Một trong nhiều hiện trường của vụ thảm sát tại làng El Mozote.

Tuy nhiên, cả chính quyền El Salvador và Sứ quán Mỹ tại El Salvador đều phủ nhận thông tin liên quan đến vụ thảm sát và tố cáo FMLN đã dựng đứng và thổi phồng quá mức sự thật đồng thời cảnh báo các tổ chức nhân quyền, phóng viên báo chí không nên đến làng El Mozote để thu thập thông tin lấy lý do là El Mozote là một vùng mất an ninh.

Tuy nhiên, vẫn có một số phóng viên người Mỹ là Raymond Boner làm việc cho báo The New York Times, Alma Guillermoprieto làm việc cho báo The Washington Post và phóng viên ảnh báo chí tự do Susan Meiselas cũng tìm đến tận làng El Mozote vào tháng 1/1982 để tìm hiểu sự thật. Và những gì mà các nhà báo Mỹ chứng kiến tại làng El Mozote đã khiến họ cảnh báo với dư luận Mỹ và dư luận thế giới bằng các bài báo đăng trên hai báo The New York Times và The Washington Post vào các ngày 27 và 28/1/1982 khi khẳng định có đến 733 dân cư của làng El Mozote đã bị binh lính của Tiểu đoàn Atlacatl, thảm sát dã man.

Một nhân chứng may mắn còn sống sót là một phụ nữ tên Rufina Amaya cho biết có cả cố vấn Mỹ chỉ huy vụ thảm sát. Từ đó, dư luận thế giới bắt đầu quan tâm đến vụ thảm sát El Mozote, chỉ trích việc Mỹ hậu thuẫn cho chính phủ quân sự tại El Salvador và yêu cầu phải tổ chức một cuộc điều tra sâu rộng.

Tháng 6/1982, từ việc Quốc hội Mỹ từ chối chuẩn chi 100 triệu USD viện trợ quân sự cho El Salvador, chính quyền Reagan quyết định "phản công" lại những buộc tội về việc Mỹ có liên quan gián tiếp đến vụ thảm sát El Mozote với mục đích là đánh lạc hướng dư luận, kéo dài thời gian của các cuộc điều tra và đẩy vụ thảm sát vào quên lãng.

Đầu tiên là việc một số tờ báo bảo thủ tại Mỹ như Wall Street Journal, Chicago Tribune... mở một đợt chỉ trích gay gắt đối với những cáo buộc rằng chính quyền Reagan phải có trách nhiệm về vụ thảm sát El Mozote, đồng thời buộc tội báo The New York Times và The Washington Post là thổi phồng quá mức sự kiện để tăng doanh số bán báo. Tuy nhiên cuối cùng cán cân công lý cũng nghiêng về sự thật khi đến lượt các tạp chí Time, Newsweek..., nhiều tổ chức nhân quyền ở Mỹ rồi đến các chính trị gia cũng vào cuộc bằng việc lên án gắt gao vụ thảm sát El Mozote.

Tại sao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ tái điều tra vụ thảm sát El Mozote? ảnh 3

Kết quả là đến năm 1990, Tòa án Nhân quyền châu Mỹ quyết định thụ lý vụ thảm sát và tiến hành điều tra hình sự về vai trò và trách nhiệm của Tiểu đoàn Atlacatl trong vụ thảm sát El Mozote từ đơn kiện của Pedro La Joya, một nạn nhân may mắn sống sót trong vụ thảm sát nhưng toàn bộ 12 người thân trong gia đình của ông đều bị giết chết. Tuy nhiên, vụ kiện đã không mang lại kết quả khi hầu hết những cá nhân liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến vụ thảm sát do bị đe dọa từ chính quyền El Salvador (thông qua sức ép của Mỹ) đều chối tội và từ chối cung cấp chúng cứ phục vụ cho công tác điều tra.

Mãi đến năm 2004, José Wilfred Salgado, một sĩ quan của Tiểu đoàn Atlacatl, từng tham gia vụ thảm sát El Mozote, do quá cắn rứt và ân hận về hành động giết người của mình, đã viết thư thú tội gửi đến Ủy ban Liên Mỹ về quyền con người, một tổ chức tư pháp trực thuộc OAE, rằng ông ta và nhiều binh lính, sĩ quan của Tiểu đoàn Atlacatl đã giết hại gần 1.000 dân cư của làng El Mozote vào ngày 11/12/1981.

Ông ta còn khẳng định sẽ cộng tác với ủy ban để tìm ra sự thật. Việc một nhân chứng từng tham gia vào thảm sát đã thú nhận tội trạng đã khiến dư luận thế giới một lần nữa lại quan tâm. Đây là lý do khiến OAE quyết định tiến hành điều tra lại vụ thảm sát El Mozote vào năm 2005 với việc cử một nhóm chuyên gia pháp y quốc tế đến El Salvador để khai quật và kiểm nghiệm các tử thi. Dự kiến các hoạt động giám định pháp y sẽ kéo dài trong vòng 5 năm và sau đó kết quả sẽ được chuyển đến Tòa án Nhân quyền châu Mỹ để tiến hành các thủ tục tố tụng.

Người dân El Salvador và nhất là người thân của các nạn nhân hiện đang chờ đợi sự phán quyết công minh của công lý quốc tế với yêu cầu các cá nhân, thế lực chính trị, chính quyền các quốc gia liên quan phải chịu trách nhiệm đối với vụ thảm sát tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của châu Mỹ này.

Theo Hoàng Phú (CAND, La Revue)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm