Thấy gì sau chuyến công du của ông Trump?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-5 đã rời Ý về Mỹ, kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ.

Trong chín ngày, ông Trump đã tiếp cận các vấn đề nóng bỏng toàn cầu hiện nay, từ khủng bố, xung đột Israel - Palestine đến tình trạng các liên minh của Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Ông Trump thu lượm được điều gì từ chuyến công du này?

Theo CNN, thứ nhất, từ chuyến công du này có thể thấy ông Trump đã không thể thoát được các tranh cãi dính tới Nga dù có ra khỏi Mỹ hay di chuyển xa đến đâu.

Một tuần trước khi ông Trump công du, Nhà Trắng bị chao đảo với hàng loạt sự cố và thông tin chấn động, tạo thêm nghi ngờ về mối liên hệ giữa đội tranh cử của ông với Nga. Các trợ lý ông Trump tại Nhà Trắng hy vọng thời gian ông Trump công du sẽ giúp họ dễ thở hơn, làm lắng được các tranh cãi quanh mối liên hệ với Nga và các cuộc điều tra liên bang.

Tại Bỉ, ông Trump một lần nữa phải đối mặt với chủ đề này khi phải thể hiện quan điểm của Mỹ về Nga. Vài giờ sau khi ông Trump đến Ý tham dự hội nghị G7, có thông tin FBI đang tập trung điều tra việc con rể ông Trump là Jared Kushner liên lạc với Nga.

Tổng thống Trump tại giữa hội nghị G7 ở Ý ngày 27-5. Ảnh: CNN

Tổng thống Trump giữa hội nghị G7 ở Ý ngày 27-5. Ảnh: CNN

Căng thẳng quanh liên hệ với Nga đã khiến ông Trump né các câu hỏi điều tra của các nhà báo đi cùng trong chuyến công du. Ông Trump cũng không tổ chức họp báo, một động thái bất thường với một tổng thống trước khi công du nước ngoài.

Khủng bố vẫn là vấn đề cốt lõi. Với chuyến đi đến Ả Rập Saudi - cái nôi Hồi giáo, ông Trump có cơ hội giảm nhẹ quan điểm cực đoan với Hồi giáo.

Phát biểu trước lãnh đạo hơn 50 nước Hồi giáo, ông Trump đã nhẹ giọng khi không nhắc gì đến lệnh cấm dân một số nước vào Mỹ và kêu gọi thế giới Hồi giáo thống nhất chống khủng bố. Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao chính phủ Trump nhận định sự nhẹ giọng này không thay đổi quan điểm của ông Trump về Hồi giáo.

Chủ trương “Nước Mỹ đầu tiên” ông Trump đặt ra lúc tranh cử thể hiện xuyên suốt chuyến đi khi ông Trump kêu gọi các nước chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, tích cực hơn trong các vai trò an ninh, giảm lệ thuộc vào Mỹ.

Tại Ả Rập Saudi, ông Trump kêu gọi các lãnh đạo Hồi giáo chia sẻ với Mỹ nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Trump đã từng có lời kêu gọi tương tự lúc tranh cử.

Tổng thống Trump gặp binh sĩ Mỹ tại căn cứ hải quân Sigonella ở Ý ngày 27-5. Ảnh: CNN

Tổng thống Trump gặp binh sĩ Mỹ tại căn cứ hải quân Sigonella ở Ý ngày 27-5. Ảnh: CNN

Tại Bỉ, ông Trump không ngại khiển trách các lãnh đạo NATO không chi đủ cho quốc phòng, kêu gọi các nước chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng như đã đề cập trong hiến chương của liên minh.

Cùng một lời kêu gọi nhưng ông Trump lại đón nhận hai phản ứng khác nhau. Tại Ả Rập Saudi, ông Trump được khen ngợi như một người quyết liệt chống khủng bố. Tại Bỉ, các lãnh đạo NATO có vẻ bực mình khi ông Trump không ghi nhận động thái tăng chi tiêu quốc phòng gần đây của một số nước, hay không tái cam kết tôn trọng hiệp ước phòng thủ tập thể.

Củng cố liên minh với Ả Rập Saudi và các nước Sunni của Mỹ là một mục tiêu của ông Trump trong chuyến đi và đã đạt được. Bên cạnh đó, ông Trump hứa hẹn sẽ hợp tác chặt với các đối tác này chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm